Tất cả những người có liên quan đến cáo buộc của Julian Assange tại Thụy Điển đều khẳng định "không có bất cứ âm mưu nào" trong vụ này. Chính quyền Stockholm cũng không hành động theo chỉ thị nào từ Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) hay sứ quán Mỹ tại Thụy Điển khi quyết định truy đuổi người sáng lập Wikileaks, đúng vào thời điểm nhạy cảm.
Từ "người hùng sự thật" đến kẻ bị truy nã toàn cầu. Ảnh: Telegraph |
Bóng ma 4 năm tù tại Thụy Điển
Claes Borgstrom, luật sư của hai cô gái buộc tội Assange cưỡng hiếp và quấy rối tình dục nhấn mạnh rằng, vụ việc liên quan đến nghi phạm tội hình sự này không phải là một phần của âm mưu mang tính toàn cầu nhằm vào Wikileaks. "Tôi cực kỳ chỉ trích bản thân Julian Assange bởi vì ông ấy biết thừa rằng ở đây không có âm mưu nào cả. Ông ấy nên nói rằng vụ này chẳng liên quan gì đến Wikileaks", BBC dẫn lời luật sư Borgestrom nói thêm.
Trong khi đó, Thụy Điển là một trong những nước có luật pháp nghiêm khắc nhất về tội phạm tình dục, nên các luật sự tại đây thường đùa rằng cánh đàn ông khi muốn "vui vẻ" với ai đó cần phải có giấy phép trước. Theo luật quốc gia Bắc Âu này, có những mức độ tăng dần về pháp lý đối với định nghĩa tội danh cưỡng hiếp.
Mức độ bị trừng phạt nặng nhất là cưỡng hiếp có liên quan đến bạo lực nghiêm trọng. Thấp hơn là khái niệm "cưỡng hiếp đúng mực", vẫn có bạo lực nhưng ở mức độ không gây ra nỗi sợ hãi cùng cực. Thấp hơn tiếp theo là khái niệm "cưỡng dâm bất hợp pháp". Ba mức độ nghiêm trọng này tương ứng với các án tù từ 10, 6 và 4 năm.
Luật sư của hai phụ nữ Thụy Điển tố cáo Julian Assange không cho biết chi tiết về trường hợp này, nhưng ám chỉ rằng có thể ông chủ Wikileaks sẽ đối mặt với án phạt tương đương 4 năm tù, mức độ ít nghiêm trọng nhất trong các tội danh liên quan đến tội phạm tình dục tại Thụy Điển.
Cụ thể theo cáo buộc của Thụy Điển, Julian Assange đã cưỡng hiếp và quấy rối hai cô gái người Thụy Điển, được gọi tắt là A và W, hồi tháng 8 vừa qua. Trong đó ông bị buộc tội đã sử dụng sức nặng cơ thể để cưỡng hiếp cô A, quan hệ tình dục không có phương tiện bảo vệ khi nạn nhân yêu cầu sử dụng bao cao su. Bên cạnh đó là cáo buộc Assange quan hệ tình dục với cô gái thứ hai có tên W khi nạn nhân này đang ngủ.
Tuy nhiên cũng theo luật pháp Thụy Điển, Assange chưa chính thức bị buộc tội mà mới chỉ bị nghi ngờ phạm các tội danh và cần phải trả lời thẩm vấn. Theo tiến trình này, công tố viên sẽ thẩm vấn Assange để xem có đưa ra lời buộc tội hình sự chính thức hay không. Sau đó sẽ có một phiên toà gồm nhiều người để quyết định có đưa cáo buộc này ra một toà án xét xử chính thức hay không.
Những kịch bản tại Anh
Tuy nhiên, Julian Assange bị bắt ngày 7/12 không phải tại Thụy Điển mà là tại London, Anh. Do đó trước khi đối mặt với các thủ tục pháp lý phức tạp ở Thụy Điển, Assange phải giải quyết những trình tự tố tụng cũng phức tạp không kém tại xứ sở sương mù.
Sau khi ra toà trình diện ngay khi bị bắt tại London, người sáng lập Wikileaks bị tạm giam một tuần để chờ phiên toà tiếp theo ngày 14/12. Nhưng nhiều khả năng đây vẫn chưa phải thời điểm quyết định việc có dẫn độ Assange về Thụy Điển. Theo luật dẫn độ, việc quyết định cần phải thực hiện trong vòng 21 ngày kể từ khi nghi phạm bị bắt. Tuy nhiên trong những vụ việc phức tạp như trường hợp Julian Assange, quyết định có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Ông chủ Wikileaks cũng có thể tránh bị dẫn độ về Thụy Điển nếu chứng minh được rằng lệnh bắt giữ nhằm vào bản thân là mang động cơ chính trị. Luật sư của Assange cũng đang tập trung vào khoản 13 của Luật dẫn độ Anh năm 2003 này để cứu thân chủ. Bên cạnh đó nghi phạm cũng có thể viện dẫn những sai sót về kỹ thuật như lệnh bắt không chỉ ra được bất cứ điều luật cụ thể nào mà bản thân vi phạm để tránh bị dẫn độ.
Julian Assange vẫn có nhiều người ủng hộ. Ảnh: Arab News |
Julian Assange cũng còn cách khác để kéo dài thời gian ở Anh. Đầu tiên là nếu toà án City of Westminter London, nơi đang thụ án, quyết định dẫn độ Julian Assange về Thụy Điển, nghi phạm này có thể nộp đơn kháng cáo lên Toà Hành chính trong vòng 7 ngày. Toà án này có trách nhiệm thụ lý đơn kháng cáo trong vòng 40 ngày kể từ khi nhận được, nhưng trên thực tế quá trình này thường kéo dài từ 3 đến 4 tháng.
Sau đó nếu Toà Hành chính vẫn giữ nguyên quyết định, Julian Assange lại có thể tiếp tục kháng cáo lên cấp cao hơn là Toà Tối cao Anh. Đây vẫn chưa phải là cánh cửa cuối cùng, vì sau đó ông chủ Wikileaks vẫn có thể tiếp tục kháng cáo quyết định dẫn độ lên Toà án Nhân quyền châu Âu đặt tại Strasbourg, Pháp. Với những bước kháng cáo mở rộng như vậy, việc dẫn độ Assange có thể kéo dài một năm mới đi đến quyết định cuối cùng.
Điều gì xảy ra nếu Mỹ cũng đòi dẫn độ Assange?
Trong trường hợp có hai nước cùng yêu cầu dẫn độ một nghi phạm, Bộ Nội vụ Anh sẽ phải quyết định các yếu tố phụ để đáp ứng cho bên nào. Những yếu tố phụ được cân nhắc này bao gồm mức độ nghiêm trọng của các tội danh mà nghi phạm bị cáo buộc và thời gian do bên nào đưa ra yêu cầu dẫn độ trước.
Như vậy trong trường hợp Julian Assange, ít nhất về yếu tố thời gian, Thụy Điển sẽ được ưu tiên trước Mỹ. Nếu người này đã được dẫn độ về Thụy Điển để xử vụ án cưỡng hiếp hai cô gái tại đây và Mỹ lại đề nghị dẫn độ để xử vụ rò rỉ tài liệu mật trên Wikileaks, thì Mỹ cần phải nhận được sự chấp thuận của phía Anh, nơi đã bắt giữ nghi phạm.
Trên thực tế, nếu Mỹ muốn dẫn độ Assange từ Thụy Điển, họ chủ yếu phải tuân thủ các quy định của luật pháp quốc gia Bắc Âu này cùng những thoả thuận song phương về dẫn độ, còn việc cho phép của Anh chỉ mang tính chất hình thức. Hơn nữa có ý kiến phân tích rằng Mỹ sẽ dễ dàng dẫn độ Assange từ Thụy Điển hơn là từ Anh.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu, luật sư và cựu công tố viên đều nhận định chính phủ Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn về mặt pháp lý và ngoại giao nếu muốn truy tố ông chủ Wikileaks Julian Assange về tội làm rò rỉ các tài liệu mật.
Luật tình báo Mỹ từng được sử dụng để truy tố các nhân viên nước này cung cấp bí mật cho tình báo nước ngoài. Nhưng Julian Assange là một công dân Australia, không làm việc cho chính phủ Mỹ, không có bất cứ liên quan nào đến chính phủ nước ngoài, hoạt động trên Internet và không dính gì tới lãnh thổ Mỹ nên việc tấn công ông chủ Wikileaks theo Luật tình báo Mỹ là rất khó thực hiện.
Đình Nguyễn