Singapore là nạn nhân của một cuộc tấn công mạng lớn khi tin tặc truy cập và sao chép bất hợp pháp dữ liệu cá nhân của khoảng 1,5 triệu bệnh nhân từ nhà cung cấp dịch vụ y tế lớn nhất nước. Họ nhắm mục tiêu đặc biệt vào thông tin của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và các loại thuốc điều trị ngoại trú của ông.
Chính phủ Singapore không nêu đích danh thủ phạm nhưng nói rằng động thái này có liên quan một chính phủ. Các chuyên gia đang chĩa ngón tay vào Trung Quốc, theo Nikkei.
Fergus Hanson, người đứng đầu Trung tâm Chính sách mạng tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận định việc này "khớp với với cách hoạt động mạng" của Trung Quốc. Ông dẫn chứng việc Bắc Kinh cũng bị cáo buộc đứng sau các cuộc tấn công mạng y tế lớn ở Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu bình luận.
Singapore không phải là nơi duy nhất bị nhắm mục tiêu. Các quốc gia châu Á khác cũng từng trải qua các cuộc tấn công tương tự. Trong trường hợp của Singapore, thông tin y tế bị đánh cắp có thể được sử dụng để tống tiền các chính trị gia nổi tiếng hoặc các chủ doanh nghiệp mắc bệnh nhạy cảm như bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Cuộc tấn công là một đòn giáng với Singapore khi quốc đảo đang tối đa hóa việc sử dụng công nghệ trên khắp nước. Tuy nhiên, chính phủ Singpore cũng được khen ngợi vì đã phát hiện vấn đề nhanh chóng. Hệ thống bị xâm nhập vào ngày 27/6 và vụ tấn công được phát hiện vào ngày 4/7. Chính phủ công khai thông tin vào ngày 20/7 và khởi động một cuộc điều tra độc lập.
Với các chính phủ châu Á-Thái Bình Dương, thời gian trung bình để giới chức phát hiện ra một vụ xâm nhập là 498 ngày vào năm ngoái, theo cuộc khảo sát của công ty bảo mật mạng Mỹ FireEye. Trong khi đó, mức này ở châu Mỹ là 75.
Cuộc khảo sát cho thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương dễ bị tổn thương trước các cuộc xâm nhập mạng. Matt Palmer, chuyên gia tại công ty tư vấn rủi ro Willis Towers Watson, cho rằng sự cố tại Singapore làm nổi bật lên rằng ngay cả các quốc gia rất chú ý đến an ninh mạng cũng khó bảo vệ mình.
Các cuộc tấn công vào các nước Đông Nam Á như Singapore là "hồi chuông cảnh tỉnh toàn cầu", ông nhấn mạnh.
Giới chuyên gia an ninh cho rằng các nước Đông Nam Á khác như Malaysia có thể buộc phải chống đỡ một làn sóng tấn công mạng vì lợi ích của họ ngày càng có liên quan đến Trung Quốc. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đang muốn dừng hoặc thay đổi điều khoản của các thỏa thuận cơ sở hạ tầng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
"Chúng tôi dự đoán hoạt động gián điệp mạng nhằm vào các tổ chức Malaysia sẽ gia tăng", Sandra Joyce, người đứng đầu các hoạt động tình báo toàn cầu cho FireEye, đánh giá.
FireEye cho biết trong một thông cáo báo chí rằng Vành đai và Con đường sẽ là yếu tố dẫn đến các cuộc tấn công mạng vì nhiều người, bao gồm tin tặc Trung Quốc, muốn tìm cách đạt được "lợi thế thông tin và thu thập thông tin tình báo kinh doanh về các dự án và thỏa thuận".
Ngoài ra, tại Nam Thái Bình Dương, quốc đảo Tonga đã nhận được máy tính và các thiết bị văn phòng khác từ đại sứ quán Trung Quốc tại đó. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể bí mật tải xuống dữ liệu của chính phủ thông qua những thiết bị này, tương tự điều Liên minh châu Phi đang cáo buộc Bắc Kinh làm tại những trụ sở công quyền ở Addis Ababa, Ethiopia do người Trung Quốc xây dựng.
Nikkei cho rằng để đương đầu với các mối đe dọa này, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cần hợp tác với nhau. FireEye cho biết thỏa thuận Mỹ - Trung năm 2015 có hiệu quả trong việc giảm các cuộc tấn công mạng Trung Quốc nhắm vào các công ty Mỹ.
Singapore đang sử dụng tư cách chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong năm nay để xúc tiến sáng kiến an ninh mạng xuyên quốc gia. Joyce gọi đây là "nỗ lực thực sự đáng ca ngợi". Khối này đang thúc đẩy quan hệ an ninh mạng với Australia và một trung tâm đào tạo an ninh mạng Nhật - ASEAN sẽ được mở tại Bangkok.
Bảo vệ đất nước trước các cuộc tấn công mạng là "một nỗ lực không ngừng nghỉ", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh.