Đảng Dân chủ Tự do (FDP) ngày 19/11 bất ngờ rời cuộc đàm phán lập liên minh cầm quyền với đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đảng Liên minh Xã hội Kito giáo (CSU) và đảng Xanh. Lý do được đưa ra là ba đảng không thể tìm ra tiếng nói chung trong những vấn đề quan trọng như nhập cư và môi trường. Theo giới phân tích, thất bại này có thể khiến bà Merkel đối mặt với những kịch bản đầy bất ổn trong tương lai, theo AFP.
Tổ chức vòng đàm phán mới
Bà Merkel có thể đề xuất giai đoạn tạm nghỉ cho các đảng, sau hơn một tháng thương lượng lập liên minh cầm quyền bế tắc, trước khi khởi động một vòng đàm phán mới. Một lãnh đạo kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm đàm phán trong Liên minh châu Âu (EU) như bà Merkel hiểu rằng việc không thành lập được chính phủ cầm quyền mới khiến bà có nguy cơ mất chức thủ tướng.
Tuy nhiên, các đảng này rất khó dung hòa những khác biệt căn bản trong vấn đề di cư, bảo vệ môi trường và quan điểm về châu Âu. Việc kéo dài quá trình đàm phán cũng kéo theo rủi ro mới, khiến các đảng dễ thể hiện lập trường cứng rắn hơn. Nội bộ đảng CSU liên minh với đảng CDU của bà Merkel cũng xảy ra nhiều cuộc tranh chấp quyền lực, gây áp lực buộc chủ tịch đảng CSU Horst Seehofer đưa ra cam kết giới hạn số lượng người nhập cư vào nước Đức.
Hiến pháp Đức không đặt ra hạn chót cho việc thành lập chính quyền mới sau bầu cử. Điều này cho phép bà Merkel tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo chính phủ lâm thời cho đến khi các đảng thỏa hiệp được với nhau để thành lập liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, chính phủ lâm thời này khó có thể ra những quyết sách lớn để điều hành nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tìm kiếm đối tác liên minh mới
Trên lý thuyết, Thủ tướng Merkel có thể liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác liên minh của bà trong 4 năm qua. Đây được xem là lựa chọn tốt nhất, bởi liên minh bảo thủ của bà Merkel và đảng SPD sẽ chiếm đa số ghế tại Quốc hội Đức khi bắt tay nhau.
Tuy nhiên, sau thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử hồi tháng 9, ban lãnh đạo SPD đã nhiều lần nhấn mạnh họ sẽ trở thành đảng đối lập. Chủ tịch đảng SPD Martin Schulz cũng tuyên bố sẵn sàng cho các cuộc bầu cử mới.
Lập chính phủ thiểu số
Trong trường hợp không lập được một liên minh cầm quyền đa số, Thủ tướng Merkel vẫn có thể tại vị trong chính phủ thiểu số, với tư cách là ứng viên được các nghị sĩ quốc hội bầu. Hạ viện Đức (Bundestag) có thể yêu cầu bỏ phiếu đến ba lần. Bà Merkel sẽ giữ được chức thủ tướng nếu giành được đa số phiếu trong các cuộc bầu cử này.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo kỳ cựu này tỏ ra không mặn mà với một lựa chọn đầy rủi ro như vậy, khi tuyên bố muốn có một chính phủ ổn định. Lựa chọn chính phủ thiểu số này cũng chưa bao giờ xuất hiện ở nước Đức thời hậu chiến.
Tổ chức cuộc bầu cử mới
Theo giới phân tích, việc tổ chức các cuộc bầu cử mới vào đầu năm 2018 sẽ là kịch bản khả thi nhất hiện nay. Theo luật pháp Đức, tổng thống nước cần giải tán hạ viện trước khi tiến hành cuộc bầu cử mới. Thông thường, thủ tướng Đức có thể bắt đầu tiến trình bằng cách yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel hiện chỉ là lãnh đạo chính quyền lâm thời, khiến bà không có quyền này.
Để khởi động quá trình này, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier có thể đề cử bà Merkel trong cuộc bầu cử tại hạ viện. Nếu bà Merkel không giành đa số phiếu, một cuộc bỏ phiếu lần hai sẽ được tổ chức trong vòng 14 ngày. Trong trường hợp không có kết quả dứt điểm, vòng bỏ phiếu lần ba sẽ được tổ chức, trong đó bà Merkel nhiều khả năng nhận được đa số phiếu.
Khi đó, Tổng thống Steinmeier sẽ có một tuần để công nhận bà Merkel là thủ tướng hoặc giải tán hạ viện. Nếu hạ viện bị giải tán, Đức sẽ phải tổ chức cuộc bầu cử sớm trong vòng 60 ngày.
Tuy nhiên, việc tổ chức cuộc bầu cử mới hầu như không nhận được sự quan tâm của các chính đảng. Họ e ngại điều này sẽ giúp củng cố quyền lực cho đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và dân túy, vốn thu hút được các cử tri giận dữ với đảng cầm quyền cũng như chính sách chào đón người tị nạn của bà Merkel.
Duy Sơn