![]() |
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton chân trần vãn cảnh chùa Myanmar. Ảnh: AP |
Khi Tổng thống Obama cuối tuần qua đến thăm Myanmar, Campuchia và Thái Lan, Trung Quốc đã theo dõi một cách chặt chẽ những động thái mới nhất này, khi cả hai nước đều muốn tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực.
Trung Quốc lo ngại rằng chiến lược “chuyển trọng tâm về châu Á” của Tổng thống Obama, một nỗ lực nhằm tăng cường các mối quan hệ cũ và tạo thêm các mối quan hệ mới, là một chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Myanmar là biểu hiện số một cho mối lo ngại này. Một chính phủ dân sự mới được thành lập gần đây đã tách ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, và với cuộc cải cách cấp tiến cả về kinh tế lẫn chính trị, đang phát triển quan hệ thân thiện với các nước phương Tây.
“Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc để làm bạn với các nước châu Á, tuy nhiên điều này không nhất thiết dẫn đến một trò chơi được ăn cả, ngã về không”, Liu Feitao, một chuyên gia về chính sách của Mỹ tại Viện nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc, cơ quan có liên quan đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lập luận.
Quan điểm của ông Liu được ông Michael Green, trưởng vụ châu Á tại Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Bush, chia sẻ. "Myanmar là nơi chúng ta có thể vượt qua khái niệm về cạnh tranh chiến lược. Quan hệ Mỹ-Trung với các nước thứ ba có thể rất tốt đẹp".
Các học giả Trung Quốc cho rằng chính phủ nước này vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng về chính sách tái cân bằng trọng tâm an ninh về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, và Bắc Kinh vẫn chưa phát triển một chiến lược để đối phó với chính sách này.
Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã bày tỏ những quan điểm của mình. Thứ trường Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải viết trong một bài đăng đầu năm 2012 rằng Mỹ cần phải thuyết phục được Trung Quốc là không có khoảng cách giữa những tuyên bố chính sách của họ về Trung Quốc với những ý định thực sự của Mỹ.
Bắc Kinh lo ngại nếu các láng giềng của mình trông đợi sự hỗ trợ từ Mỹ khi tìm cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển, chẳng hạn như trường hợp Philippines.
“Có nhiều nhu cầu và kỳ vọng to lớn vào sự lãnh đạo của Mỹ ở khu vực. Tôi cho rằng nhu cầu đó cho đến hôm nay là chưa từng có tiền lệ”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Thomas Donilon tuần trước phát biểu tại Washington.
Đối với Bắc Kinh, những lời bình luận như vậy nghe có vẻ như là Washington đang tìm cách gây chia rẽ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng của họ. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn chưa quên lời nhận xét của Ngoại trưởng Clinton tại Campuchia cách đây hai năm, khi bà nói "người ta không muốn bị lệ thuộc quá mức vào một nước" để trả lời một câu hỏi về quan hệ giữa Phnom Penh với Bắc Kinh.
Các chiến lược gia Trung Quốc nói rằng họ cũng lo ngại về những khía cạnh quân sự nổi bật của chiến lược chuyển trọng tâm: Bộ trưởng quốc phòng Panetta đầu năm nay tuyên bố rằng 60% lực lượng tàu hải quân của Mỹ sẽ được triển khai ở Thái Bình Dương trước năm 2020; Lực lượng không quân và Hải quân của Mỹ gần đây đã công bố một khái niệm mới về “Chiến trường Không-Biển”; Tài liệu Chỉ đạo chiến lược của Lầu Năm Góc, xuất bản hồi tháng giêng, đã đưa Trung Quốc và Iran vào trung tâm lo ngại về an ninh của Mỹ; và 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ dự kiến sẽ được chuyển đến đóng căn cứ tại Australia trước năm 2016.
Chuyến thăm châu Á bốn ngày của Tổng thống Obama là dịp để ông nhấn mạnh các khía cạnh mới trong chính sách châu Á của ông. Chuyến thăm “đánh dấu một sự khởi đầu của giai đoạn tiếp theo của nỗ lực tái cân bằng của chúng tôi”, ông Donilon cho biết.
“Tái cân bằng của chúng tôi được xác định vượt ra ngoài khuôn khổ quốc phòng. Nó sẽ tiếp tục được xác định bằng sự can dự sâu đậm hơn về kinh tế và chính trị”, Donilon nói thêm.
Phép thử Myanmar
![]() |
Obama và lãnh đạo phe đối lập ở Myanmar, bà Sang Suu Kyi. Ảnh: AP |
Trong bối cảnh khu vực như vậy, Myanmar có thể sẽ là phép thử đầu tiên về một sự hợp tác mà cả Bắc Kinh và Washington đều nói là họ muốn có ở châu Á-Thái Bình Dương, tạo cơ hội cho cả hai cường quốc giúp phát triển đất nước này.
Myanmar lần đầu tiên phát đi tín hiệu về sự tách xa với Trung Quốc bằng một quyết định năm ngoái, mang tính tượng trưng, là sẽ dừng dự án xây đập Myitsone, một dự án thủy điện khổng lồ mà Trung Quốc đầu tư trên sông Irawaddy.
Tuy nhiên những thực tế kinh tế và chính trị cho thấy “nhiều thứ sẽ vẫn không thay đổi” trong quan hệ của Myanmar với nước láng giềng rộng lớn ở phía bắc, dù chính phủ có cải thiện quan hệ với Mỹ đến chừng nào.
Scott Harold, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Rand Corporation ở Washington, nói: "Dầu và khí của Myanmar nói chung xuất đi Trung Quốc, và vai trò của Trung Quốc trong công cuộc xây dựng cảng, đường sá và đường ống sẽ không thay đổi".
"Trong bất cứ trường hợp nào thì Myanmar vẫn luôn ở sát cạnh một thị trường rất, rất lớn, một đất nước có những lợi ích kinh tế và quốc phòng quan trọng đến mức mà bất kỳ một nhà lãnh đạo nào của Myanmar cũng phải coi trọng", ông nói.
'Muốn cân bằng'
Myanmar "phải mở cửa cho Mỹ để có thể được cộng đồng quốc tế chấp nhận", ông Liu của Viện nghiên cứu Quốc tế ở Mỹ, nhận xét. "Tuy nhiên tôi không cho rằng họ sẽ xây dựng quan hệ của mình với Washington bằng cái giá phải trả là quan hệ với Trung Quốc. Cũng giống như tất cả các nước châu Á khác, họ cũng muốn có cân bằng".
Ông Green, một cựu quan chức trong Hội đồng an ninh quốc gia, người đã đến thăm Myanmar năm ngoái, không cho rằng Myanmar sẽ "đứng vào hàng với Mỹ để kiềm chế hoặc hạn chế quyền lực của Trung Quốc".
Ông dự đoán rằng, thay vào đó, "họ sẽ sử dụng Mỹ để tăng cường và cân bằng công cuộc phát triển kinh tế của họ", thúc đầy đầu tư của Mỹ hoạt động song song với đầu tư của các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Đây là những nước đã có nhiều công ty đang cạnh tranh ký các hợp đồng kinh tế với các công ty của Trung Quốc.
“Mỹ và Trung Quốc giờ đây đang cạnh tranh ảnh hưởng. Nhưng không một nước nào muốn bị cuốn vào một cuộc đối đầu Mỹ-Trung hoặc buộc phải lựa chọn bên này hay bên kia. Tôi cho rằng các nước sẽ cho biết một cách rất rõ ràng khi bên này hay bên kia đi quá xa”, ông Green nói thêm.
Phạm Ngọc Uyển (theo CS Monitor)