Quân đội Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Theo các chuyên gia đến từ hai bên bờ Thái Bình Dương, thái độ của Triều Tiên trong thời gian gần đây một phần nằm trong kế hoạch của ông Kim Jong-un nhằm củng cố quyền lực tại quốc gia do ông nội ông, lãnh tụ Kim Nhật Thành, sáng lập.
"Đối tượng đầu tiên và quan trọng nhất, chính là những người dân trong đất nước của ông ấy", Jasper Kim, người sáng lập Tập đoàn Nghiên cứu Toàn cầu châu Á-Thái Bình Dương tại Seoul, Hàn Quốc, nói.
"Bởi vì nếu không có sự hỗ trợ của quân đội và nhân dân, ông ấy sẽ không thể tiếp tục nắm quyền. Bởi vậy, Kim Jong-un phải củng cố sự vị thế của mình bằng cách liên tục đưa ra những lời lẽ cứng rắn."
Đó là một bài toán khó đối với Kim Jong-un, người được cho là mới 29 tuổi, trong việc lãnh đạo Triều Tiên, "nơi tuổi tác là một vấn đề quan trọng", Jasper Kim nói thêm.
Peter Hayes, giám đốc Viện Nautilus, San Francisco, Mỹ, cho rằng, bản thân giới lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng trên đường định hình tương lai của đất nước, với câu hỏi rằng liệu Triều Tiên có thể trở thành một cường quốc hạt nhân được thừa nhận, có quyền chủ động trong các cuộc chơi và giành ưu thế về phía mình hay không.
"Điều này, theo quan điểm của tôi, bắt đầu xuất hiện sau chương trình thử nghiệm hạt nhân và đưa vệ tinh vào không gian", ông nói.
Trong một tuyên bố mới đây, bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định nước này sẽ không từ bỏ "cây thánh kiếm" hạt nhân chừng nào Mỹ vẫn là một mối đe dọa đối với họ. Đây là một tuyên bố có điều kiện, cho thấy Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân trong trường hợp những mong muốn của họ được thỏa mãn", Hayes cho hay.
Hiểm họa hiện hữu
Nhiều năm qua, người dân Triều Tiên vẫn thường xử lý các rắc rối của họ "dưới dạng một chuỗi những tức giận", ông Jeffrey Lewis, giám đốc Đông Á tại Trung tâm nghiên cứu Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, có trụ sở ở California, Mỹ, nhận định. "Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi. Mọi thứ nguy hiểm hơn rất nhiều", Lewis nói.
Một lãnh đạo cao cấp của Triều Tiên trong tuyên bố gần đây đã đặc biệt nhắc tới khả năng tấn công Washington bằng vũ khí hạt nhân nếu chiến tranh thực sự xảy ra. "Đó là một mối đe dọa trực tiếp", ông Lewis đánh giá.
Những tuyên bố mang tính đe dọa của Triều Tiên đang xuất hiện ngày một nhiều sau vụ thử hạt nhân hôm 12/2. Trong khi đó, Victor Cha, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Đại học Georgetown, đồng thời là cựu giám đốc về các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng từ năm 1992 tới nay, Triều Tiên thường xuyên tiến hành những hành động khiêu khích quân sự trong 14 tuần cầm quyền đầu tiên của mỗi nhiệm kỳ tổng thống Hàn Quốc.
"Bất thường ở chỗ, hành vi của bộ máy lãnh đạo mới ở Triều Tiên suốt một năm qua rất khó lường", ông nói. "Vậy nên, trong khi với nhiều người, những mối đe dọa này dường như chỉ là một chuỗi các tuyên bố mạnh miệng như lâu nay từ Triều Tiên, thì với những người phân tích vấn đề một cách sâu sắc hơn, tình hình đang thay đổi và đáng lo ngại hơn."
Mỹ giật mình
Hầu hết các nhà quan sát cho rằng Bình Nhưỡng sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể sản xuất được tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, các nhà khoa học của nước này đã phóng thành công vệ tinh vào không gian hồi tháng 12, và hướng tới những mục tiêu phức tạp hơn, theo Hayes.
"Tôi nghĩ họ đã có mẫu thiết kế một đầu đạn hạt nhân nặng dưới 1.000 kg. Mặc dù nó chưa đủ nhỏ để đưa vào tên lửa và hướng tới Mỹ, nhưng đã tiến bộ hơn nhiều so với những gì họ từng làm trước đây", ông nói.
Và mặc dù Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về việc này, thì theo Lewis, tuyên bố hôm 15/3 của Lầu Năm Góc, trong đó khẳng định Mỹ sẽ triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tại bờ Tây, có thể là dấu hiệu cho thấy Washington đang thực sự lo ngại trước khả năng nước này trở thành đích nhắm của tên lửa Triều Tiên.
Triều Tiên có gì ngoài quân sự?
Lực lượng quân đội Triều Tiên trong một đợt diễn tập. Ảnh: AFP
Ngoài tên lửa đạn đạo, tiềm lực quân sự của Triều Tiên cũng tương đối mạnh, với sự góp mặt của tên lửa đạn đạo tầm trung, hàng nghìn khẩu pháo, bệ phóng tên lửa và hệ thống xe tăng nằm dọc khu phi quân sự ngăn cách với Hàn Quốc. Seoul hiện nằm trong tầm ngắm của rất nhiều loại vũ khí từ miền bắc, trong khi Bình Nhưỡng từng đe dọa sẽ nhấn chìm thủ đô của Hàn Quốc trong "biển lửa".
Một cuộc tấn công của Triều Tiên có thể khiến hàng chục nghìn dân thường ở Seoul thiệt mạng, trước khi Hàn Quốc và Mỹ kịp hành động trả đũa, Hayes nói. Tuy nhiên, điều đó về cơ bản sẽ khởi động một cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên, mà theo ông Hayes sẽ là nguy cơ lớn với một quốc gia còn nghèo như Triều Tiên.
"Họ chỉ có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng trong chưa đầy 30 ngày và không có khả năng tái nạp nhiên liệu", ông cho hay. Hơn nữa, Bình Nhưỡng để quân đội của họ tập trung tại khu phi quân sự "là bởi họ không đủ mạnh", ông nói thêm.
Và giờ thì sao?
Từ trước tới nay, Bình Nhưỡng từng nhiều lần cam kết sẽ giảm thiểu việc sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa để đổi lấy viện trợ kinh tế. Tuy nhiên, các thỏa thuận này đã nhiều lần bị sụp đổ khi Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân.
"Tôi nghĩ vấn đề hiện nay là chúng ta không thể trực tiếp can dự vào Triều Tiên sau khi họ đã thực hiện một loạt các vụ phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân. Chúng ta đang bước vào thời kỳ của các lệnh trừng phạt thông qua những nghị quyết của Hội đồng Bảo an", Victor Cha nói.
"Triều Tiên không muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân. Họ cũng muốn được ăn hoa thơm quả ngọt. Trong khi đó, suốt một phần tư thế kỷ qua, Mỹ lại liên tục duy trì chính sách chỉ đối thoại nếu Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân", ông nói. "Và đó chính là vấn đề."
Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng khiến nhiều người nhớ lại thời kỳ tồi tệ nhất trong Chiến tranh Lạnh, và theo ông Hayes, động thái này của Mỹ là "khôn ngoan về chiến thuật nhưng lại ngớ ngẩn về chiến lược".
Cả hai chuyên gia Hayes và Lewis đều cho rằng, lợi ích của nước Mỹ sẽ không bị tác động quá nhiều nếu họ chọn cách tiếp tục đối thoại với Triều Tiên.
"Chúng ta làm mọi việc trong khả năng của mình để phòng thủ. Còn nếu Triều Tiên muốn mặc cả hay tranh cãi, thì hãy chuẩn bị cho việc đó", Lewis nói.
Quỳnh Hoa (theo CNN)