Thủ tướng Shinzo Abe đến Mỹ ngày 17/4 để gặp Tổng thống Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago trong tâm thế cần một chiến thắng về mặt chính sách giữa bối cảnh lãnh đạo Nhật đang dính bê bối trong nước và chật vật thoát khỏi vai trò mờ nhạt trong vấn đề Triều Tiên, CNN đưa tin.
Hai vấn đề này dự kiến là chủ đề chính trong chuyến đi lần thứ hai của Thủ tướng Abe tới Mar-a-Lago. Ngoài ra, Washington Post dẫn lời cựu nhà báo chính trị Takao Toshikawa ở Tokyo nhận định nhiệm vụ cấp thiết của Thủ tướng Nhật là tận dụng cuộc gặp trực tiếp với ông Trump để đập tan nghi ngờ rằng Mỹ đang xem nhẹ quan hệ đồng minh với Tokyo để ưu tiên cho những vấn đề khác.
"Cuộc gặp được sắp xếp chóng vánh theo yêu cầu của ông (Abe) là dấu hiệu cho thấy Mỹ và Nhật Bản vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi", Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Học viên Lowy của Australia, nhận xét. "Nhưng tình hình sáng sủa cũng chỉ dừng đến đó thôi nếu xem xét phong cách tung hứng của ông Trump khi cân nhắc giữa các vấn đề an ninh và kinh tế".
Bê bối lạm dụng quyền lực
Hàng chục nghìn người cuối tuần qua đã tập trung biểu tình trước tòa nhà quốc hội Nhật Bản để kêu gọi Thủ tướng Abe từ chức sau vụ bê bối đất đai liên quan đến vợ ông.
Trước đó, Bộ Tài chính Nhật Bản hôm 12/3 thừa nhận đã sửa văn bản liên quan đến quyết định giảm giá 85% mảnh đất công dự kiến được dùng để xây trường tiểu học. Điều đáng nói mối liên hệ giữa phu nhân của Thủ tướng Nhật và nhà trường đã không được nêu ra trong bộ tài liệu nộp cho công tố viên điều tra vụ mua bán đất này.
Thông tin về bê bối này xuất hiện lần đầu năm 2017 nhưng ông Abe lúc đó một mực bác bỏ và tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu cơ quan điều tra chứng minh ông có liên quan. Sau khi sự việc được chính thức "khui ra" vào tháng 3 năm nay, ông Abe khẳng định ông và vợ không dính dáng đến vụ mua bán này cũng như không tác động Bộ Tài chính để sửa đổi tài liệu.
Dù ông Abe đã công khai xin lỗi, kết quả của các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy cử tri Nhật tin rằng ông Abe phải chịu trách nhiệm trong vụ bê bối này. Tỉ lệ ủng hộ ông Abe tiếp tục lãnh đạo đảng Dân chủ Tự Do (LDP) giảm xuống 18,3%, đây là lần đầu tiên tỉ lệ này giảm xuống dưới 20%.
Chật vật trở lại 'cuộc chơi' Triều Tiên
Nhật Bản đang có vai trò mờ nhạt trong các diễn biến ngoại giao gần đây liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Sau khi ông Abe tuyên bố cứng rắn và cho rằng không thể đặt niềm tin vào Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc xúc tiến gặp gỡ lãnh đạo Kim Jong-un. Động thái này của lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc đẩy Nhật Bản vào thế "đứng ngoài lề".
Lãnh đạo Triều Tiên đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3, sẽ hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4 và dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Trump cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Nhưng khả năng ông Abe gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên vẫn chưa được đề cập đến.
Duncan Innes-Ker, giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á của tổ chức nghiên cứu và tư vấn EIU thuộc tạp chí Economist, nhận địn uy tín của Thủ tướng Abe bị ảnh hưởng giữa những thách thức gần đây.
"Không rõ Nhật Bản đang bị bên nào đó cố tình gạt ra ngoài lề nhưng chắc chắn các bên không chủ động để Nhật tham gia, nghĩa là những ưu tiên của Nhật sẽ bị đẩy xuống cuối danh sách", Innes-Ker nói.
Thủ tướng Abe sẽ tìm kiếm giải pháp hóa giải "thế yếu" trong cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, Tokyo cũng thông báo sẽ trang trải chi phí cử các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến kiểm tra các cơ sở hạt nhân tại Triều Tiên. Chiến thuật trên cho phép Nhật Bản duy trì vai trò của mình trên chính trường quốc tế đối với Triều Tiên.
"Rõ ràng trong bối cảnh này, ông Abe thực sự cần một chiến thắng", Innes-Ker chốt lại khi nói về cuộc gặp sắp tới giữa hai lãnh đạo Mỹ và Nhật.
An Hồng