Tổng thống Nga Vladimir Putin từng có 13 bài phát biểu thông điệp liên bang. Tuy nhiên, thông điệp lần thứ 14 ông phát đi hôm qua hoàn toàn khác biệt, chứa đựng nhiều ẩn ý, bình luận viên Steven Rosenberg từ BBC nhận định.
"Đầu tiên là thông điệp gửi tới phương Tây: Đừng thúc ép chúng tôi. Tiếp theo đó là thông điệp dành cho người dân Nga: Bầu cho Putin đồng nghĩa bạn đang bầu cho an ninh quốc gia", Rosenberg viết.
Trấn an người dân
Giới chuyên gia nhận định những nội dung mà ông Putin truyền đi qua bài phát biểu chủ yếu nhắm tới mục tiêu khơi dậy lòng yêu nước của người dân Nga trong bối cảnh ông đang nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư.
"Đối với Putin, mọi thứ ông nêu lên đều nhằm mục đích đối nội", Vox dẫn lời bà Alina Polyakova, chuyên gia về Nga tại Viện Brookings, trụ sở ở Washington, nhận xét. "Chính quyền Nga cần làm bật lên rằng Mỹ và NATO đang nhắm vào Nga và chỉ ông Putin mới có thể bảo vệ người dân".
Sau khi ca ngợi các thành quả về kinh tế, chính trị, ông Putin dành phần lớn đoạn cuối của thông điệp để nói về các "siêu vũ khí" mà quân đội Nga đang phát triển và thử nghiệm.
Tổng thống Nga hé lộ về một mẫu tên lửa hành trình xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân mà ông khẳng định là "bất khả chiến bại" có thể chạm tới bất kỳ nơi nào trên bề mặt Trái Đất, cùng một ngư lôi hạt nhân có khả năng đánh bại mọi hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Ông còn đề cập đến tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat, hay tiêm kích tàng hình Su-57 vừa được Nga thử nghiệm thực tế trên chiến trường Syria.
Những tuyên bố hùng hồn về các hệ thống vũ khí mới mang ý nghĩa giống như một tín hiệu mà ông chủ Điện Kremlin gửi tới khán giả trong nước cũng như những đối thủ nước ngoài rằng Nga vẫn mạnh mẽ và là một thế lực không thể bị xem nhẹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin.
"Từng không có ai lắng nghe chúng ta", ông Putin nói trong thông điệp liên bang. "Nhưng nay, họ phải lắng nghe".
Ông Putin lâu nay vẫn mong muốn khôi phục quyền lực và vị thế Nga trên trường quốc tế. Xây dựng sức mạnh quân sự là một phần trong nỗ lực ấy. Theo bà Polyakova, bằng cách nhấn mạnh vào sự phát triển vượt bậc của hệ thống vũ khí Nga, Tổng thống Putin đã khơi dậy cảm giác về một "nước Nga vĩ đại trở lại" trước thềm cuộc bầu cử quan trọng.
Lời cảnh báo dành cho phương Tây
Ông Putin còn minh họa cho tuyên bố của mình bằng một video mô phỏng hàng loạt đầu đạn tên lửa được phóng đi, vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa, bay vòng xuống Nam Mỹ và dường như nhắm tới bang Florida, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên lui tới nghỉ dưỡng.
Dù các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Putin có thể đang nói quá về các vũ khí của Nga, ông đã khéo léo tập trung vào một lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ Mỹ: Chúng đều dựa trên giả định rằng tên lửa hạt nhân của kẻ thù bay cao và sẽ bị tiêu diệt trước khi chạm tới mục tiêu. Theo Tổng thống Putin, lớp vũ khí mới của Nga bay thấp, sở hữu khả năng tàng hình và bay nhanh tới mức các hệ thống phòng thủ không kịp phản ứng.
Những phát ngôn từ ông chủ Điện Kremlin rõ ràng là một lời cảnh báo cho phương Tây và có thể tiếp tục khoét sâu căng thẳng Nga - Mỹ, làm dấy lên mối lo âu về một cuộc chạy đua vũ trang mới tốn kém, theo New York Times.
Theo bình luận viên Nic Robertson của CNN, ngôn từ của Tổng thống Putin mang đến cảm giác "lạnh gáy" cho tất cả mọi người và thông điệp ông nêu ra hẳn nhiên nhắm tới Mỹ, bên đang "ráo riết tăng cường chi tiêu quốc phòng nhưng lại ngày càng suy giảm sức mạnh ngoại giao".
Cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul đánh giá "tuyên bố của Tổng thống Putin về vũ khí hạt nhân mới nhắm vào Mỹ có thể coi là lời cảnh tỉnh dành cho chính quyền Tổng thống Trump". "Đã đến lúc nối lại đàm phán kiểm soát vũ khí với Moscow ngay lập tức", ông nhấn mạnh.
Phản ứng trước tuyên bố từ ông chủ Điện Kremlin, một quan chức Mỹ am hiểu về năng lực quân sự Nga tỏ ra hoài nghi về những vũ khí Tổng thống Putin nêu ra trong thông điệp liên bang. Theo ông, hiện tại, chúng chưa thể hoạt động và nếu Nga muốn tấn công Mỹ, Washington sẽ đáp trả quyết liệt.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho hay thông điệp liên bang của Tổng thống Nga chỉ càng khẳng định điều mà Mỹ đã biết từ lâu. "Nga đang phát triển những hệ thống vũ khí gây bất ổn suốt một thế kỷ qua, vi phạm trực tiếp các hiệp định từng được ký kết", bà nói. "Tổng thống Trump hiểu rõ những mối đe dọa mà Mỹ cùng đồng minh đang phải đối mặt trong thế kỷ này và quyết tâm bảo vệ quốc gia cũng như hòa bình thông qua sức mạnh. Năng lực phòng thủ của Mỹ đã và sẽ không thua kém bất cứ ai".
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cho rằng Tổng thống Putin đã "thể hiện rất rõ ràng thông điệp rằng Nga không đe dọa tới bất kỳ quốc gia nào". "Nga không muốn thách thức bất kỳ quốc gia nào và cũng không có ý định áp đặt lợi ích quốc gia của mình lên bất kỳ ai", ông nói.
Ông Kosachev chỉ ra rằng Nga đã nhiều lần mời các nước phương Tây thảo luận và ký kết hiệp ước kiểm soát tên lửa suốt nhiều năm qua nhưng không nhận được phản ứng phù hợp từ Mỹ và đồng minh. Ông hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ lắng nghe thông điệp mới nhất từ Tổng thống Putin để mở ra "các cánh cửa cơ hội" bởi nỗ lực tập thể là cách duy nhất giúp giải quyết những mối đe dọa chung.
Theo thượng nghị sĩ Aleksey Pushkov, thông điệp mà Tổng thống Putin gửi tới cộng đồng quốc tế đã quá rõ: "Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện sử dụng bất cứ loại vũ khí nào chống lại Nga và đừng mang những ảo tưởng mơ hồ về sức mạnh của Nga trong lĩnh vực quân sự", RT đưa tin.
Ông Pushkov cũng thêm rằng một số tiếng nói ở Mỹ đang tự trấn an bằng cách gọi Nga là "cường quốc khu vực yếu đuối" nhưng những gì Tổng thống Putin thể hiện qua thông điệp liên bang đã làm bật lên thực tế: Mọi nhận định về một nước Nga yếu thế đều hoàn toàn sai lầm.
Vũ Hoàng