Tổng thống Mỹ Trump ngày 13/3 bất ngờ thông báo trên Twitter việc sa thải Ngoại trưởng Tillerson, chọn ông Mike Pompeo, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) làm người kế nhiệm. Ông Tillerson sẽ chính thức kết thúc công việc vào ngày 31/3.
Đánh giá về động thái này, Tiến sĩ Kent Calder, Giám đốc chương trình châu Á, Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, cho rằng đây là điều tốt cho chính quyền Trump, vì ông Pompeo có mối quan hệ thân thiết về mặt cá nhân với Tổng thống, có thể nhanh chóng lấp đầy các vị trí còn trống ở Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Pompeo là người chủ động hơn và bớt thận trọng hơn ông Tillerson, điều cần phải có khi Mỹ xử lý các vấn đề ở châu Á hiện nay. Chính sách châu Á của Mỹ về cơ bản sẽ là tích cực, năng động hơn, khi ông Pompeo được chọn làm tân ngoại trưởng.
"Ưu tiên cao nhất của chính quyền Trump vẫn là xử lý vấn đề Triều Tiên, nhưng Washington sẽ không từ bỏ sự kiên quyết của mình về bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, hoặc về quan điểm bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở khu vực này", ông Calder đánh giá.
Tự tin hơn trong suy đoán, ông Paul Pillar, một cựu quan chức của CIA, hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Brookings, nhận định ông Pompeo có thể "gia tăng những phút bốc đồng của Tổng thống", điều khác biệt so với ông Tillerson, người luôn cố kiềm chế ông Trump.
Ông Pillar đánh giá việc thay đổi một nhân sự trong chính quyền Trump khó có thể khiến Mỹ có thêm động thái nào ở Biển Đông, nhưng ông Pompeo có thể đưa ra quan điểm cứng rắn hơn khi xử lý các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, so với người tiền nhiệm Tillerson.
"Mỹ có thể tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Có thể Washington sẽ thực hiện nhiều hơn các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực", ông Pillar nói.
Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Victor Shih, Trường chính sách và chiến lược quốc tế, Đại học California, Mỹ, cho hay Mỹ có thể tăng nỗ lực trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông cũng trông đợi Mỹ có thêm các chính sách mang tính hệ thống hơn để đối phó với Bắc Kinh trong vấn đề bảo hộ thương mại và công nghiệp.
"Mỹ có thể ưu tiên hợp tác với các đồng minh truyền thống trong khu vực, nhưng cũng sẽ gia tăng việc mở rộng quan hệ với những đối tác quan trọng như Việt Nam", ông Shih nói.
Theo Phó giáo sư Matthew Wilson, Đại học Southern Methodist, Mỹ, mối quan hệ giữa ông Trump và ông Tillerson đã căng thẳng trong một thời gian khá lâu, do hai người này không hợp nhau về tính cách và cách tiếp cận các vấn đề. Do đó Nhà Trắng khá thận trọng với Bộ Ngoại giao. Trong khi đó, ông Pompeo lại đồng quan điểm với Tổng thống và giành được niềm tin của ông Trump vì là giám đốc CIA. Do đó, nếu Tổng thống Trump hợp tác chặt chẽ hơn với Bộ Ngoại giao, và đón nhận những lời khuyên của tân Ngoại trưởng, thì đó là động thái tốt.
Ông Wilson nhận định Mỹ cơ bản không thay đổi các chính sách ngoại giao khi ông Pompeo được đề cử vị trí mới. Washington vẫn duy trì quan điểm cứng rắn với Triều Tiên, cởi mở cho đối thoại, thận trọng với Trung Quốc.
"Mỹ sẽ vẫn hoan nghênh hợp tác với các đối tác ở khu vực như Việt Nam nhưng cũng chưa sẵn sàng với các thoả thuận kinh tế đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương", ông Wilson nói.
Khánh Lynh