Quốc hội Trung Quốc chiều nay thông qua hiến pháp sửa đổi, trong đó xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch, với tỷ lệ đồng thuận gần như tuyệt đối. Sự thay đổi này cho phép Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục tại vị sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2023.
Trong khi nhiều chuyên gia phân tích cho rằng việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ này giúp ông Tập vươn tới quyền lực tuyệt đối, bình luận viên Jun Mai của SCMP nhận định động thái này có mục đích sâu xa hơn, đó là tăng cường tính chính danh của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) thông qua việc xóa nhòa ranh giới với nhà nước.
Theo Jun, về mặt lý thuyết, ông Tập Cận Bình không nhất thiết phải sửa đổi hiến pháp để tiếp tục nắm quyền lực, bởi chức danh chủ tịch có tầm ảnh hưởng ít nhất so với hai vị trí khác mà ông Tập đang nắm giữ là Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, vốn không bị giới hạn nhiệm kỳ.
Bình luận viên này tin rằng bằng cách sửa đối hiến pháp, ông Tập hy vọng tăng cường tính chính danh của CPC và thể chế hóa sự lãnh đạo của đảng, giảm thiểu khoảng cách giữa đảng và nhà nước.
Li Shuzhong, phó chủ tịch Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc, cho rằng sau những biến động trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, các cán bộ lão thành của CPC cho rằng đảng và nhà nước cần có sự phân chia nhiệm vụ rõ ràng, thậm chí là tách biệt.
"Tuy nhiên kết quả là sự lãnh đạo của đảng dần suy yếu. Ông Tập tin rằng tổ chức đảng đang đánh mất quyền lực và điều này, cộng với vấn nạn tham nhũng, là một vấn đề lớn", ông nói.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về hệ tư tưởng của đảng Cộng sản Trung Quốc nhận xét ông Tập tin rằng trước những thách thức hiện nay, Trung Quốc không chỉ cần một nhà lãnh đạo giỏi mà còn cần một đảng lãnh đạo thống nhất và vững mạnh nên cần phải sửa đổi hiến pháp.
Trong các bản hiến pháp trước kia, vai trò lãnh đạo của đảng chỉ được đề cập đến trong phần mở đầu nói về lịch sử đất nước và tầm nhìn cho tương lai, theo các chuyên gia luật, nghĩa là không có tính pháp lý.
"Ông Tập tin rằng để cải tổ Trung Quốc, trước tiên cần phải cải tổ đảng. Bằng cách tăng cường sức mạnh của đảng sẽ cải thiện năng lực lãnh đạo của nhà nước", Li nhận định.
Một phần quan trọng trong hiến pháp mới sửa đổi là nội dung Điều 1 định nghĩa vai trò lãnh đạo của đảng là "đặc trưng cơ bản nhất" của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc.
"Vài người nói rằng sự lãnh đạo của đảng không được quy định trong hiến pháp và dựa vào đó để đặt câu hỏi về tính chính danh của đảng trong việc lãnh đạo", một quan chức giấu tên nói. "Trên thực tế, sự lãnh đạo của đảng luôn được nói đến trong hiến pháp, chỉ là không được tuyên bố một cách rõ ràng. Lần sửa đổi này sẽ kết thúc mọi tranh cãi không cần thiết và nó giúp chúng ta tập trung sức lực vào phát triển đất nước".
Ông Tập Cận Bình lần đầu tiên nhắc đến kế hoạch chấm dứt mọi tranh luận liên quan trong một bài phát biểu năm 2015. "Tranh cãi liệu đảng đứng trên luật pháp hay dưới luật pháp là một cái bẫy chính trị và là một lập luận không có giá trị. Chúng ta sẽ không đưa ra câu trả lời mơ hồ cho một câu hỏi như vậy", phát biểu này của ông Tập sau đó được đưa vào một cuốn sách.
An Hồng