
Căn cứ không quân Hmeymim nằm ở phía tây Syria. Đồ họa: Newsweek.
Bộ Quốc phòng Nga hôm qua thừa nhận căn cứ không quân Hmeymim ở Syria đã bị một nhóm phiến quân tập kích bằng đạn cối vào đêm giao thừa 31/12/2017 khiến hai binh sĩ thiệt mạng. Họ cũng bác bỏ thông tin được tờ Kommersant đưa ra trước đó rằng vụ tấn công đã phá hủy 7 máy bay chiến đấu hiện đại của Nga, gồm 4 cường kích Su-24, hai tiêm kích Su-35S, một vận tải cơ chiến thuật An-72.
Theo bình luận viên Tyler Rogoway của Drive, việc thực hiện một cuộc tập kích sâu vào căn cứ Hmeymim vốn được coi là "bất khả chiến bại" của Nga thể hiện sự liều lĩnh của các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan ở Syria, vốn đang bị quân đội Syria dồn ép ngày càng quyết liệt.
Căn cứ không quân Hmeymim ở phía tây Syria, được Nga thiết lập kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia Trung Đông này. Căn cứ này nằm sâu trong lãnh thổ do quân đội chính phủ Syria và lực lượng dân quân Hezbollah kiểm soát, khiến quân nổi dậy và các nhóm khủng bố không thể nào phát động các cuộc tấn công bằng hỏa lực trực tiếp từ các khu vực hoạt động của mình.
Để có thể rót đạn cối cấp tập vào căn cứ Hmeymim, phiến quân cần phải sử dụng một lực lượng vừa đủ, mang theo các khẩu cối và đạn dược bí mật luồn sâu vào khu vực do quân đội Syria kiểm soát. Lực lượng tập kích này cũng phải liều lĩnh vượt qua các chốt kiểm soát và lực lượng tuần tra xung quanh căn cứ để áp sát mục tiêu.
Hai loại cối có thể được sử dụng trong trận tấn công này là cối 82 mm và cối 120 mm. Cối 120 mm có tầm bắn hơn 7 km, nhưng để vận chuyển chúng vượt qua quãng đường xa nhiều khả năng phải cần đến các phương tiện vận chuyển như xe bán tải, điều quá mạo hiểm đối với phiến quân, bởi căn cứ của các nhóm này nằm ở tỉnh Idlib, cách rất xa Hmeymim.
Bởi vậy, phiến quân rất có thể đã sử dụng cối 82 mm, thứ vũ khí được sử dụng rất phổ biến trên chiến trường Syria và có thể được chia thành từng bộ phận để mang vác theo người. Loại cối này có tầm bắn gần 4,2 km, nên để pháo kích được vào sân bay Hmeymim, nhóm phiến quân phải đến rất sát mục tiêu được bảo vệ cẩn mật.
Lực lượng tập kích nhiều khả năng đã nghiên cứu rất kỹ cách bố phòng và lực lượng bảo vệ tại căn cứ Hmeymim. Nga bố trí hệ thống phòng thủ nhiều tầng xung quanh căn cứ và tự hào gọi đây là "vành đai thép", với vòng ngoài là các loại máy bay, cảm biến trinh sát phát hiện nguy cơ tấn công từ xa. Bên trong căn cứ là lực lượng hải quân đánh bộ cùng các khí tài hạng nặng như xe tăng T-90, trực thăng vũ trang… thường xuyên tuần tra và sẵn sàng giáng trả các đòn tấn công.
Một mạng lưới phòng không dày đặc cũng được thiết lập để bảo vệ căn cứ từ các mối đe dọa từ trên không. Hệ thống phòng không Pantsir-S1 trong mạng lưới đó có khả năng phát hiện những vật thể bay rất nhỏ, thậm chí được ca ngợi là có thể bắn hạ các loại đạn pháo, đạn cối bắn vào căn cứ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định mọi hệ thống vũ khí và những người vận hành chúng đều có điểm yếu và phiến quân dường như đã phát hiện ra điểm yếu đó và xuyên thủng "vành đai thép" tại căn cứ Hmeymim bằng một cuộc tập kích liều lĩnh.
Yếu tố nước ngoài
Người Nga dường như rất tự tin với mạng lưới phòng thủ của mình xung quanh căn cứ Hmeymim, nên gần như không áp dụng các biện pháp đề phòng và giảm thiểu thiệt hại bên trong sân bay trong trường hợp bị tấn công.
Những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Nga triển khai khoảng 6 tiêm kích Su-35, hơn 20 cường kích Su-24 cùng nhiều loại chiến đấu cơ và máy bay tấn công mặt đất khác tại đường băng ở căn cứ Hmeymim.

Cường kích Su-24 Nga đỗ sát nhau trên đường băng căn cứ Hmeymim năm 2016. Ảnh: Sputnik.
Trong ảnh chụp căn cứ Hmeymim do hãng tin Sputnik công bố năm ngoái, những chiếc cường kích Su-24 mang theo bom, tên lửa đỗ san sát trên đường băng, giữa các máy bay này không có tường chắn ngăn cách. Kho trữ bom, tên lửa cũng được xây dựng gần điểm đỗ của các máy bay này để rút ngắn thời gian xuất kích.
Trong điều kiện như vậy, chỉ cần một quả đạn cối rơi trúng kho bom hoặc một chiếc máy bay, nó có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền gây thiệt hại nghiêm trọng đến các phi cơ đỗ xung quanh.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga chỉ nói rằng thông tin 7 máy bay quân sự bị phá hủy là "giả mạo", nhưng không thể hiện rõ liệu phiến quân có vô hiệu hóa được chiến đấu cơ nào trong vụ tấn công hay không.
Sau khi Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố, phóng viên chiến trường Roman Saponkov của nước này đã đăng trên mạng xã hội Vkontakte hình ảnh một cường kích Su-24 với phần đuôi bị xé rách, xăng chảy ra từ lỗ thủng trên thân.
Saponkov cho biết 10 máy bay đã bị hư hại trong cuộc tập kích, nhưng không chiếc nào bị phá hủy và nhiều chiếc đã được sửa chữa để quay trở lại hoạt động ngay sau đó. Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định cuộc tấn công không ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga tại Syria.
Phóng viên này cho rằng không nên đổ lỗi cho quân đội Nga trong vụ tấn công. "Phiến quân đã được chuẩn bị rất tốt, nhiều khả năng chúng được trang bị công nghệ nước ngoài. Chúng ta chỉ đơn giản là không lường trước được rằng phiến quân sẽ có được công nghệ mới như vậy".

Hình ảnh cường kích Su-24 bị hư hỏng do Saponkov đăng trên mạng xã hội. Ảnh: Saponkov.
Hiện chưa rõ "công nghệ mới của nước ngoài" mà Saponkov nói tới là hệ thống vũ khí nào, do ai cung cấp để phiến quân có thể chọc thủng được các hàng rào phòng thủ tiên tiến của Nga.
Bình luận viên Sebastien Roblin của War Is Boring cho rằng việc chưa nhóm phiến quân Hồi giáo nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tập kích là điều kỳ lạ, bởi đây có thể coi là đòn tấn công gây tiếng vang lớn giáng vào uy tín của quân đội Nga và chính phủ Syria trên chiến trường. Các trang truyền thông của những tổ chức như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay phiến quân nổi dậy đều không có bất cứ hình ảnh nào chứng minh thiệt hại của phía Nga trong vụ tấn công.
Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng nhóm tấn công muốn che giấu công nghệ mà họ sử dụng để luồn sâu vào khu vực kiểm soát của đối phương để thực hiện trận tập kích, thậm chí là che giấu tung tích của mình.
Dù lực lượng tấn công thuộc nhóm nào, trận tập kích vẫn là bài học lớn cho quân đội Nga ở Syria, đặc biệt là trong bối cảnh các nhóm phiến quân đang bị dồn vào bước đường cùng và sẵn sàng thực hiện những đòn tấn công mạo hiểm nhất. Các chuyên gia quân sự cho rằng Nga sẽ phải củng cố và hoàn thiện các hệ thống phòng thủ của mình ở Hmeymim để ngăn chặn bất cứ vụ tấn công tương tự nào trong tương lai.
Trí Dũng