Cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát ở Iran từ tuần trước tới nay đã khiến 13 người thiệt mạng. Phong trào biểu tình hiếm hoi ở quốc gia Hồi giáo này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đưa ra những phát ngôn rất quyết liệt.
"Cả thế giới đang dõi theo. Người tốt ở Iran muốn thay đổi, và ngoài sức mạnh quân sự của Mỹ, thứ người dân Iran sợ nhất là các lãnh đạo của họ", ông Trump viết trên Twitter sau khi phong trào biểu tình bùng phát.
Trong đêm giao thừa, Tổng thống Mỹ ca ngợi cuộc biểu tình "lớn" và khẳng định người dân Iran "cuối cùng cũng trở nên khôn ngoan khi biết tiền bạc, của cải của họ bị đánh cắp và lãng phí cho chủ nghĩa khủng bố như thế nào. Có vẻ như họ sẽ không tiếp tục chấp nhận điều đó".
Theo bình luận viên Ariane Tabatabai của Atlantic, Iran là vấn đề rất quan trọng trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của ông Trump, nhưng với các phát ngôn trên mạng xã hội này, Tổng thống Mỹ cho thấy những nhận thức sai lầm về những gì đang diễn ra ở Iran, đồng thời có thể gây ra những hệ quả tiêu cực với chính phong trào biểu tình.
Tabatabai cho rằng người dân Iran không phải "cuối cùng đã thức tỉnh và trở nên khôn ngoan" như cách nói của Trump. Không giống như những gì ông Trump nghĩ, người dân Iran không biểu tình vì chính sách đối ngoại "ủng hộ chủ nghĩa khủng bố" của chính quyền.
Lý do biểu tình chống chính phủ
Bình luận viên Ahmad Sadri của Aljazeera cho rằng lý do quan trọng khiến người dân Iran đổ xuống đường biểu tình hiện nay chính là nỗi bất bình với hệ thống chính trị của nước này, nơi chính quyền dân chủ và các lãnh đạo dân bầu bị lép vế trước quyền lực của các giáo sĩ Hồi giáo.
Sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1978, Iran về cơ bản đã xây dựng được một chế độ dân chủ với việc người dân bầu lên Tổng thống Mohammed Khatami vào năm 1997. Những người theo đường lối cải cách nỗ lực hết sức để củng cố các thành phần dân chủ của Cộng hòa Hồi giáo này, đồng thời hạn chế bớt quyền lực của Lãnh tụ tối cao.
Tuy nhiên, nỗ lực suốt nhiều thập kỷ này không thu được nhiều kết quả, khi hiến pháp Iran vẫn trao cho Lãnh tụ tối cao, chức vụ không qua bầu cử và được nắm giữ trọn đời, quyền giám sát tất cả các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp của đất nước.
Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei hiện nay được quyền bổ nhiệm người đứng đầu nhiều chức vụ quyền lực trong quân đội, chính phủ dân sự và tư pháp, được phủ quyết các quyết sách của quốc hội và chính phủ. Ông còn nắm trong tay lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) với quân đội, tình báo và các quyền lực rất lớn để thực hiện ý chí của Lãnh tụ tối cao.
Trên thực tế, Tổng thống và quốc hội dân bầu của Iran không có biện pháp nào để kiểm soát quyền lực của Lãnh tụ tối cao. Kết quả là nền chính trị Iran hiện nay được ví như một quả tim dân chủ đang đập dưới lớp vỏ khô cứng, trong đó quyền lực bi chồng chéo, cản trở tăng trưởng và khó thích nghi với môi trường trong nước và quốc tế đang thay đổi từng ngày.
Nỗi bất bình với hệ thống chính trị này từng bùng phát vào năm 2009, khi hàng triệu người Iran đổ xuống đường phản đối Lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei cũng như việc Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử trong đợt biểu tình được biết đến với tên gọi "Phong trào Xanh".
Lực lượng an ninh Iran khi đó đã nhanh chóng đàn áp người biểu tình, gán ghép cho họ là các đặc vụ nước ngoài. "Phong trào Xanh" chìm xuống sau vài tháng, khi nhiều người phải trốn ra nước ngoài, số khác bị bắt giữ và truy tố, trong khi phần đông người biểu tình trở về với cuộc sống thường ngày.
Sau thất bại của Phong trào Xanh, người dân Iran chuyển hướng đấu tranh bằng lá phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống, thay vì đổ xuống đường đụng độ với lực lượng an ninh. Kết quả là Tổng thống theo đường lối trung dung Hassan Rouhani được bầu lên, quốc hội Iran cũng lần đầu tiên chứng kiến phe cải cách và ôn hòa chiếm đa số.
Tuy nhiên, 8 năm sau Phong trào Xanh, những nỗi bất bình âm ỉ được dịp bùng phát. Thỏa thuận hạt nhân được ký với các cường quốc dù rất được trông chờ đã không giúp nền kinh tế hồi phục một cách nhanh chóng để đem lại lợi ích cho người dân. Dân chúng Iran ngày càng trở nên bất an trước viễn cảnh kinh tế ảm đạm, đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ tái áp đặt lệnh cấm vận kinh tế với nước này.
Nếu như Phong trào Xanh là cuộc đấu tranh của tầng lớp trung lưu Iran cho một hệ thống chính trị minh bạch hơn, cuộc biểu tình hiện nay thể hiện nỗi bức xúc của tầng lớp dưới, những người nghèo khổ sống quanh các đô thị lớn của Iran. Vài tuần trước khi cuộc biểu tình bùng nổ, những bức ảnh chế về giá cả các mặt hàng thực phẩm cơ bản leo thang tràn ngập mạng xã hội. Giá trứng tăng gần 40% trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi nhất trên mạng.
Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Iran đầu năm 2017 là 12,6%, cao hơn so với cuối năm 2016. Nhiều báo cáo khác cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trên thực tế còn cao hơn nhiều.
"Cuộc biểu tình khởi đầu từ các vấn đề kinh tế", Robin Wright, quan sát viên lâu năm về tình hình Iran, bình luận. "Giờ đây nó bắt đầu mang màu sắc chính trị, thách thức không chỉ chính phủ của Tổng thống Rouhani mà còn cả hệ thống tôn giáo rộng lớn hơn".
Đổ thêm dầu vào lửa
Theo các chuyên gia phân tích, những điều Mỹ nói và làm sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến tiếp theo trong tình hình được ví như "chảo lửa" hiện nay ở Iran. Tuy nhiên, những gì ông Trump và các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tuyên bố gần đây đều có nguy cơ "đổ thêm dầu vào lửa".
Sau khi cuộc biểu tình bùng phát, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thừa nhận đang xem xét việc ủng hộ "các nhân tố" bên trong Iran tìm kiếm một giải pháp chuyển giao quyền lực "hòa bình". Ông Trump hôm qua cũng tuyên bố "đã đến lúc thay đổi" khi đề cập đến tình hình ở Iran.
Bình luận viên Tabatabai cho rằng phản ứng này của chính quyền Trump chỉ đang khiến tình hình phức tạp hơn và khiến Tehran tin rằng cuộc biểu tình là một công cụ trong chính sách thù địch của Mỹ nhằm lật đổ chế độ ở Iran.
Trong Phong trào Xanh năm 2009, rất nhiều người Iran dù phản đối Tổng thống Ahmadinejad vẫn quyết định không tham gia tuần hành, vì họ không muốn biến mình thành vũ khí để Mỹ công kích đất nước của họ.
Với niềm tin này, Tehran có thể phản ứng mạnh tay hơn với các cuộc biểu tình, đồng thời phong tỏa các mạng xã hội và cắt đứt liên lạc giữa những người tuần hành. Khi bị đàn áp, cuộc biểu tình này sẽ dễ bị dập tắt trong thời gian ngắn vì thiếu tổ chức và gắn kết cũng như không có những mục tiêu đấu tranh rõ ràng.
Chính quyền Iran đã cáo buộc nhiều người biểu tình là đặc vụ nước ngoài, giống như những gì diễn ra năm 2009. Tabatabai cho rằng nếu Trump và các quan chức cấp cao của mình vẫn bị coi là đang can thiệp vào công việc nội bộ của Iran, người dân nước này sẽ khó có thể xuống đường đòi cải cách, trong khi những người theo đường lối cứng rắn có thêm cớ để đàn áp, khiến tình hình bất ổn ở Iran càng trở nên tồi tệ hơn.
Trí Dũng