"Rõ ràng là sau Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thể hiện sự kiểm soát của mình đối với quân đội (PLA), trong đó có lời cam kết và kêu gọi PLA tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trên Biển Đông", tiến sĩ Collin Koh Swee Lean thuộc trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) nói với VnExpress.
Tiến sĩ Collin cho rằng các hoạt động quân sự hóa gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông không phải là sự "trở lại" sau một thời gian im ắng, mà thực tế Bắc Kinh vẫn luôn hoạt động tích cực ở vùng biển chiến lược này.
Các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc trong tháng 4 đã triển khai trái phép các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không đến đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. PLA gần đây công bố video cho thấy một oanh tạc cơ chiến lược H-6K diễn tập hạ cánh phi pháp ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Điều đặc biệt lúc này là Trung Quốc gia tăng tốc độ các hoạt động quân sự cùng với việc tăng cường lực lượng ở khu vực tranh chấp, ông Collin đánh giá. Trong bài phát biểu tại Đại hội 19, ông Tập từng tuyên bố cứng rắn rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận nhượng bộ dù là ít nhất trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Theo chuyên gia của RSIS, các động thái quân sự hóa ngày càng tăng trên Biển Đông được Trung Quốc tiến hành bất chấp việc Bắc Kinh đã thông qua khung dự thảo cho Bộ Quy tắc ứng xử của các bên (COC) với các nước ASEAN, thậm chí đã cùng ASEAN đàm phán chính thức COC vào đầu năm nay.
Cũng đến từ RSIS, Tiến sĩ Alan Chong chỉ ra sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Phát biểu tại Jakarta cách đây một tháng, Bắc Kinh cam kết không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, nhưng trên thực địa thì lại có những hành động gây hấn.
"Trung Quốc đang chơi trò hai mặt", Chong nói.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp thuộc Tổ chức nghiên cứu Rand, Mỹ, thì cho rằng việc Trung Quốc triển khai các khí tài quân sự đến Biển Đông, dù là hạ cánh oanh tạc cơ hay lắp đặt tên lửa, đều được tiến hành một cách có tính toán.
"Điều chúng ta đang chứng kiến là âm mưu của Trung Quốc trong việc gây áp lực với các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông, nhằm khiến các nước này nản chí, từ bỏ hy vọng có ngày giành lại được khu vực tranh chấp", Grossman nói, cho rằng việc Bắc Kinh đưa oanh tạc cơ đến Hoàng Sa là nhằm phục vụ tính toán đó.
Theo Grossman, cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn ở Biển Đông hồi tháng 4 hay các cuộc tuần tra của tàu hải quân, hải cảnh Trung Quốc đều phục vụ mục đích "răn đe" và đe dọa của Bắc Kinh, đặc biệt là trong bối cảnh các tranh chấp về quyền đánh cá và khai thác tài nguyên có thể nóng lên trong khu vực.
Chuyên gia này đánh giá rằng dù Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự, khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên những yêu sách khác nhau của các bên liên quan vẫn có khả năng dẫn tới tính toán sai lầm của các bên, gây ra sự cố an ninh và leo thang thành xung đột ở phạm vi lớn.
Tiến sĩ Chong dự đoán việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động ở Biển Đông gần đây có thể là dấu hiệu thu hút sự chú ý của Mỹ, cảnh báo Washington "chớ coi thường và tảng lờ" Bắc Kinh, khi Tổng thống Trump đang dồn hết tâm trí vào cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Dù căng thẳng gia tăng ở khu vực nhưng Chong tin rằng không bên nào có liên quan đến Biển Đông lại muốn xung đột leo thang đến mức chiến tranh.
Chiến lược đối phó
Đánh giá về việc Mỹ điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa hôm 27/5, tiến sĩ Collin cho rằng đây không phải là cách phản ứng yếu ớt, nhưng Washington có thể có biện pháp đối phó mạnh hơn. "Tốt nhất là đưa ra một chiến lược mạnh mẽ và nhất quán", Collin gợi ý.
Theo đó, Mỹ có thể tạo thành "bộ tứ" với hải quân Australia, Nhật Bản và Ấn Độ hoặc phối hợp với từng nước trong đó để tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải chung. Điều này sẽ giúp mỗi nước tăng cường trách nhiệm trong việc tham gia đảm bảo an ninh biển ở Biển Đông.
Collin cho rằng một cuộc tuần tra tự do hàng hải chung của "bộ tứ" là rất khó thực hiện do những quan điểm và lợi ích khác nhau của 4 nước đối với Trung Quốc, nhưng các thành viên có thể thay phiên nhau thực hiện các chiến dịch tuần tra theo phương án được điều phối một cách đồng bộ, đồng thời khuyến khích các nước có lợi ích khác như Canada, Pháp và Anh tham gia.
Tiến sĩ Chong tin rằng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của "bộ tứ" là tín hiệu gửi tới Trung Quốc rằng Biển Đông là vùng biển mở, và tất cả mọi người đều có quyền đi qua theo quy định của luật pháp quốc tế.
Chuyên gia Collin khuyến khích Việt Nam nên duy trì chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, không tham gia các liên minh quân sự. Điều đó tạo nên khoảng không gian địa chính trị rộng lớn cho Hà Nội, đồng thời giúp Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Quan điểm không liên minh không chỉ tạo điều kiện cho Việt Nam duy trì và tăng cường khả năng ứng biến mà còn mở ra cơ hội hợp tác cho các đối tác trong và ngoài khu vực.
Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam nên tiếp tục nỗ lực củng cố vai trò trung tâm và duy trì đoàn kết ASEAN, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, đồng thời có tiếng nói mạnh mẽ về đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Grossman hoan nghênh việc Việt Nam tăng cường quan hệ quốc phòng với các thành viên của "bộ tứ". Hồi tháng ba, lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ đến thăm cảng ở Đà Nẵng, còn tàu chiến Ấn Độ cuối tháng 5 được triển khai đến Biển Đông để diễn tập chung với Việt Nam. Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đang thực hiện chuyến thăm Nhật Bản, quốc gia đang ngày càng quan tâm đến an ninh và ổn định trên Biển Đông.
"Các hoạt động hợp tác như thế này sẽ giúp kiềm chế sức ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực, vì vậy cần được tiếp tục tăng cường", Grossman nói.