Khi đang ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế, World Cup đã giúp Putin gửi thông điệp đến các đối thủ rằng Nga đang thành công bất chấp những nỗ lực kiềm chế của phương Tây. Căng thẳng giữa Nga với phương Tây dâng cao sau khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014. Vụ rơi máy bay MH17, việc Nga hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vụ đầu độc cựu điệp viên Nga tại Anh và việc Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ càng làm căng thẳng thêm trầm trọng.
Mặc dù một số chính trị gia phương Tây đã kêu gọi tẩy chay World Cup, 11 thành phố diễn ra các trận đấu của Nga vẫn tràn ngập những người hâm mộ quốc tế ca hát và nhảy múa trên đường phố.
CNN cho rằng Putin đang ghi được những bàn thắng ngoại giao quan trọng vì các lãnh đạo thế giới đã tới Moscow dự World Cup, nâng tầm vóc của Putin và đưa Nga vào vị trí trung tâm địa chính trị. Putin đã tiếp đón Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman trước trận đấu mở màn giữa hai nước ngày 14/6. Mặc dù đội Arab thua đậm, Putin và Thái tử đã sử dụng chuyến thăm để nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ nhằm tăng giá dầu toàn cầu.
Tuần này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tới Nga để gặp Putin và xem trận bóng giữa Bồ Đào Nha và Morocco. Putin hôm nay đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một chuyến thăm kéo dài ba ngày, vào thời điểm bán đảo Triều Tiên đang có những thay đổi lớn. Ông Moon sẽ phát biểu tại hạ viện Nga sau đó đến thành phố Rostov ở miền nam đất nước để xem trận Hàn Quốc - Mexico.
Nga là đội tham dự World Cup có thứ hạng kém nhất trên bảng xếp hạng của FIFA và họ đã không giành được chiến thắng nào trong hơn 7 tháng. Kỳ vọng của người Nga về đội bóng thấp đến mức một bài hát châm biếm nói rằng "đội bóng Nga thật tồi tệ" của diễn viên hài Nga Semyon Slepakov đạt 9 triệu lượt xem trên YouTube, theo Reuters.
Ngay cả Putin cũng không có kỳ vọng về thành tích. Khi được hỏi tại một diễn đàn kinh tế tháng trước rằng ai sẽ giành chức vô địch World Cup, Putin trả lời: "ban tổ chức".
Thế nhưng, đội Nga đã đánh bại Arab Saudi với tỷ số 5-0 trong trận mở màn World Cup và giành chiến thắng 3-1 bất ngờ trước Ai Cập hôm 19/6. Nga đã chắc suất vào vòng 16 đội - điều lần đầu tiên họ làm được kể từ thời Liên Xô.
Vì vậy, thành tích bất ngờ của đội tuyển có ý nghĩa lớn. "Tôi nghĩ thành công này rất quan trọng bởi vì không ai nghĩ việc này sẽ xảy ra", Maxim Trudolyubov, chuyên gia tại Viện Kennan nói.
"Putin là kiểu chính trị gia muốn chiến thắng", ông nói. "Đối với Putin, chính trị là cuộc chiến, trò chơi, canh bạc, chiến thắng và cho mọi người thấy Nga có vị thế trên thế giới".
Cổ động viên Nga ăn mừng chiến thắng của đội nhà trước Ai Cập. Video: AP.
World Cup cũng giúp ích cho Putin về các vấn đề trong nước. Vào ngày khai mạc giải đấu, Thủ tướng Dmitry Medvedev công bố những thay đổi đối với hệ thống hưu trí của Nga: nâng tuổi nghỉ hưu tiêu chuẩn từ 55 lên 63 đối với nữ và 60 lên 65 đối với nam. Đây là một động thái gây tranh cãi và khiến lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny kêu gọi các cuộc biểu tình tại 20 thành phố trên khắp nước Nga vào ngày 1/7 để phản đối.
Dù vậy, Navalny không muốn cản trở cơn sốt World Cup, nhấn mạnh các văn phòng tổ chức của ông chỉ kêu gọi biểu tình ở các thành phố không diễn ra World Cup.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng lợi ích chính trị mà Putin nhận được từ thành công của Nga tại giải đấu khá ít.
Andrei Kolesnikov, chuyên gia tại Trung tâm tư vấn Carnegie Moskva, cho rằng World Cup ít khả năng tạo ra cơn sốt chủ nghĩa dân tộc mà Putin từng sử dụng để thúc đẩy mức tín nhiệm của mình, sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine năm 2014.
"Không ai mong đợi bất cứ điều gì từ đội tuyển bóng đá quốc gia", ông nói. "Vì vậy, không có lý do gì để bùng lên làn sóng chủ nghĩa dân tộc".
"Về mặt quyền lực mềm, điều tốt nhất Putin có thể làm là tổ chức giải vô địch tốt mà không có vấn đề nào, đặc biệt là về an ninh, và chỉ đơn giản là thưởng thức thể thao. Tôi không nghĩ rằng những thứ đó có tác động gì đến chính trị trong nước".
Một người hâm mộ Anh nói rằng giải đấu được tổ chức tốt cũng không giúp phục hồi hình ảnh của Moskva ở Anh, nơi điện Kremlin bị cáo buộc đầu độc một cựu điệp viên hai mang hồi đầu năm. Moskva bác bỏ có liên quan đến vụ tấn công.
"Họ muốn cố gắng cải thiện hình ảnh của Nga bằng cách tổ chức giải đấu và vì vậy, họ chào đón người hâm mộ hơn bao giờ hết", ông nói.
"Nhưng điều đó chẳng liên quan gì đến quan hệ quốc tế, như khủng hoảng Ukraine và vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh", ông nói. "Toàn bộ World Cup là chiêu trò PR. Đối với tôi, nó không thay đổi điều gì".