Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang ngày càng lo âu trước viễn cảnh hội nghị thượng đỉnh lịch sử sắp tới với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore có thể thất bại, đã bắt đầu tham vấn các trợ lý và đồng minh về việc liệu ông có nên mạo hiểm tiếp tục tiến hành cuộc gặp hay không, New York Times dẫn lời những quan chức chính quyền Mỹ và quan chức nước ngoài cho hay.
Các quan chức chính quyền tiết lộ Tổng thống Trump vừa bất ngờ và giận dữ với thông báo hôm 16/5 từ một nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu Triều Tiên rằng nước này sẽ không bao giờ đánh đổi vũ khí hạt nhân lấy viện trợ kinh tế. Thông báo trên cho thấy sự thay đổi giọng điệu chớp nhoáng sau nhiều tuần Bình Nhưỡng thể hiện thái độ hòa giải.
Ngày 17 và 18/5, Trump đã tham vấn các trợ lý về tính đúng đắn trong quyết định xúc tiến cuộc gặp và tới ngày 19/5, ông gọi điện cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để hỏi vì sao tuyên bố mà Triều Tiên đưa ra có vẻ không giống như lời đảm bảo của ông Moon sau cuộc gặp hồi tháng trước với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Hàn Quốc được Washington Post đưa tin đầu tiên, chỉ ba ngày trước thời điểm lãnh đạo Hàn Quốc tới Washington gặp ông chủ Nhà Trắng.
Giới chuyên gia nhận định đây là dấu hiệu của sự không thoải mái xen lẫn lo âu ở Trump. Nhiều quan chức suy đoán Tổng thống Mỹ dường như đang rất mong chờ cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc để thảo luận vấn đề Triều Tiên.
Kỳ vọng khó thành
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trump đang cân nhắc rút khỏi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Trái lại, các cố vấn của Trump lo ngại ông có thể phát đi quá nhiều dấu hiệu về mong muốn gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên. Họ hoài nghi rằng khi cảm nhận được sự "hăm hở" ở Tổng thống Mỹ, Kim sẽ đưa ra những đề nghị "hấp dẫn ban đầu" nhưng "lu mờ dần theo thời gian".
Mặt khác, quyết định của Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran còn khiến con đường đàm phán với Triều Tiên trở nên khó khăn hơn. Nếu không thể đạt những bước tiến như người tiền nhiệm Barack Obama đã làm với thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2015, trong trường hợp này là chuyển 97% nguyên liệu hạt nhân ra khỏi Iran, Trump khó có thể gây được ấn tượng rằng cuộc đàm phán với Triều Tiên là một thành công vang dội, giới chuyên gia nhận xét.
Các trợ lý cũng không khỏi lo âu trước những hiểu biết của Tổng thống Mỹ về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Những cố vấn từng làm việc trong chính quyền Mỹ cho biết Trump thường tỏ ra không hứng thú trước các cuộc họp chi tiết về hạt nhân, chẳng hạn như năng lực làm giàu urani, quá trình sản xuất plutoni, chế tạo vũ khí hạt nhân hay chương trình tên lửa.
Trong khi đó, Tổng thống Moon và các quan chức Hàn Quốc cho hay lãnh đạo Triều Tiên dường như lại hiểu cặn kẽ về chương trình vũ khí khi hai người gặp nhau. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng có bình luận tương tự về nhà lãnh đạo Triều Tiên sau hai lần làm việc với Kim ở Bình Nhưỡng.
Đàm phán cùng Triều Tiên là trải nghiệm mới không chỉ đối với Trump mà kể cả với các thành viên cấp cao trong chính quyền của ông. Giới chức Hàn Quốc cho biết cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton gần như ngày nào cũng liên lạc với những đối tác ở Seoul nhằm tìm ra một chiến lược hữu hiệu.
Bolton đã thể hiện rõ ràng quan điểm rằng Tổng thống Trump nên tận dụng cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên ở Singapore để tuyên bố rằng Bình Nhưỡng bắt buộc phải từ bỏ toàn bộ kho vũ khí và cơ sở hạ tầng hạt nhân nếu muốn những biện pháp trừng phạt kinh tế được nới lỏng.
Hàn Quốc chủ trương theo đuổi cách tiếp cận xây dựng niềm tin truyền thống, thuyết phục Triều Tiên nhượng bộ để đổi lại việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt một cách từ từ. Song Trump đã bày tỏ rằng ông sẽ không lặp lại cách thức này bởi 4 tổng thống Mỹ trước ông đều không thành công với nó.
Đến nay, các quan chức chính quyền Mỹ đều nói họ kỳ vọng Kim sẽ đồng ý phi hạt nhân hóa tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và tiến trình dự kiến diễn ra trong 6 tháng tới, bao gồm bàn giao một số vũ khí hạt nhân, đóng cửa các cơ sở sản xuất hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế tới Triều Tiên.
Nhưng những người từng đàm phán với Triều Tiên hầu hết đều cho rằng viễn cảnh trên khó có cơ hội xảy ra.
Bất đồng trong khái niệm 'phi hạt nhân' của Trump và Kim Jong-un
"Nếu Trump thực sự hy vọng Triều Tiên bàn giao vũ khí hạt nhân trong vòng 6 tháng mà không đòi hỏi gì, điều đó rõ ràng là thiếu tính thực tế", ông Joseph Yun, điều phối viên Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ, người vừa nghỉ hưu cách đây vài tháng, nhận xét. Ông dự đoán Tổng thống Trump sẽ buộc phải đi theo từng bước như những người tiền nhiệm đã làm bởi "không có cách nào khác".
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tháng trước khẳng định "chính quyền Trump luôn đề cao cảnh giác" và "nắm rõ mọi rủi ro". Ông quả quyết rằng thước đo thành công duy nhất là một Triều Tiên "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược".
Các nhà phân tích tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhiều năm nay vẫn cảnh báo họ không tin lãnh đạo Triều Tiên sẽ đánh đổi toàn bộ năng lực vũ khí hạt nhân bất kể những đề xuất mà Mỹ và đồng minh mang tới "béo bở" đến đâu. Song theo CIA, Triều Tiên có khả năng sẽ hoãn việc thử nghiệm và từ bỏ một phần năng lực hạt nhân nếu ông Kim thương thảo và loại bỏ được phần lớn hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực.
Ván cờ dài
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Bolton từng tuyên bố Washington có kế hoạch áp dụng "mô hình Libya" cho việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Bolton muốn Triều Tiên loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân, tháo dỡ chúng và đưa đến Tennessee giống như Libya. Cuối năm 2003, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đồng ý loại bỏ chương trình hạt nhân và kho vũ khí hóa học của nước này để được dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Nhưng sau đấy, Gaddafi bị giết vào năm 2011 trong một cuộc nổi dậy có sự hậu thuẫn từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thế nhưng, Triều Tiên rõ ràng không bao giờ chấp nhận mô hình như vậy và trong tuyên bố hồi tuần trước, Bình Nhưỡng cũng đã khẳng định sẽ không cúi mình "trước các siêu cường" để đi đến một thỏa thuận tương tự.
Tuy nhiên, khi các phóng viên hỏi về Libya, Tổng thống Trump đã cố phủ nhận quan điểm của Bolton và trấn an rằng mô hình Libya sẽ không được áp dụng cho Triều Tiên. "Chúng tôi không nghĩ tới mô hình Libya khi thảo luận về vấn đề Triều Tiên", Trump nói. "Nếu chúng tôi đạt được thỏa thuận, tôi nghĩ ông Kim Jong-un sẽ rất, rất vui".
Tổng thống Trump có thể đúng: Ông Kim nhiều khả năng còn hàng thập kỷ phía trước lãnh đạo Triều Tiên và thu về vô vàn lợi ích nếu điều kiện kinh tế đất nước được cải thiện. Nhưng, ông chắc chắn sẽ không đặt cược toàn bộ vận mệnh đất nước vào bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào. Ngoài ra, hầu hết các phân tích tình báo những năm gần đây đều hoài nghi trước viễn cảnh ông Kim, cũng nhưng tầng lớp lãnh đạo ở Triều Tiên, sẵn sàng từ bỏ sự bảo đảm mà vũ khí hạt nhân mang đến.
Michael Green, giáo sư tại Đại học Georgetown, chuyên gia hàng đầu về châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), cho rằng ông Kim thậm chí còn đang hướng tới một mục tiêu cao hơn.
"Trump có thể đang chuẩn bị cho một ván cờ sai lầm, ván cờ hai người chơi, nhưng ông Kim lại đang dồn tâm trí cho một ván cờ với hai bàn cờ và nhiều người chơi", Green viết trên tạp chí Foreign Affairs. "Trên một bàn cờ sẽ là tương lai của chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, thứ mà Tổng thống Trump đến để đàm phán. Bàn cờ còn lại sẽ là những gì ông Kim và những người chơi khác đều biết cũng đang bị đe dọa: tương lai địa chính trị ở Đông Bắc Á".
Theo giáo sư Green, ông Kim có lẽ đã xác định mình là người chơi trên bàn cờ dường như sẽ còn diễn ra rất lâu sau khi chính quyền Trump kết thúc.
Ba lần Triều Tiên "bỏ rơi" Mỹ trong đàm phán hạt nhân.
Vũ Hoàng