Toàn cảnh cuộc gặp Trump - Kim. Video: Nhà Trắng.
Tuyên bố chung được Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký ngày 12/6 tại Singapore không có nhiều cam kết cụ thể, mang tính ràng buộc, nhưng thỏa thuận này nhiều khả năng sẽ mở đầu cho chuỗi sự kiện có thể dẫn đến việc Mỹ đánh mất vị thế và ảnh hưởng của mình ở châu Á, theo Business Insider.
Trong buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, Trump bất ngờ tuyên bố rằng ông sẽ cho ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, dù điều này không được thể hiện trong thỏa thuận 4 điểm với Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng đây là sự nhượng bộ quá sớm mà Trump đưa ra trong thời điểm sốt sắng với ý tưởng rằng nó sẽ thúc đẩy Triều Tiên phi hạt nhân hóa một cách nhanh chóng.
Theo bình luận viên Alex Lockie, Mỹ không nhận lại được hành động nào tương tự từ phía Triều Tiên, ngoài lời cam kết "hướng tới phi hạt nhân hóa" không khác mấy so với những gì có trong Tuyên bố chung Panmunjom ký với Hàn Quốc hồi tháng 4. Trong khi đó, thứ mà Mỹ có thể mất đi trong thời gian tới là niềm tin vào cam kết an ninh của Washington đối với các đồng minh trong khu vực.
Với Mỹ, hơn 22.000 binh sĩ cùng nhiều khí tài hiện đại được triển khai ở Hàn Quốc chính là bàn đạp vững chắc để quốc gia này duy trì quyền lực và ảnh hưởng ở châu Á, đồng thời nó còn đóng vai trò là lá chắn nhằm ngăn chặn tham vọng toàn cầu ngày càng lớn của Trung Quốc.
Với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc, lực lượng quân sự Mỹ đồn trú không chỉ là một phần trong "chiếc ô hạt nhân" bảo vệ họ trước mối đe dọa từ Triều Tiên, mà còn là biểu tượng cho mối quan hệ liên minh gắn bó và cam kết sát cánh bên nhau nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Bởi vậy, quyết định ngừng tập trận được Trump đưa ra tại cuộc họp báo đã khiến nhiều quan chức quốc phòng của cả Hàn Quốc lẫn Mỹ bất ngờ và hoang mang. Trong khi đó, nó lại nhận được sự hoan nghênh và đồng tình của Triều Tiên, Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên dẫn lời Kim Jong-un rằng để đạt được hòa bình và ổn định trên bán đảo và tiến tới quá trình phi hạt nhân hóa, cả Washington và Bình Nhưỡng "cần phải tự cam kết kiềm chế những hành động thù địch nhắm vào nhau". Các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn từ lâu đã bị Triều Tiên coi là một loại hành động thù địch như vậy.
Với Trung Quốc, quyết định này của Trump không khác gì ý tưởng "ngừng đổi ngừng" mà Bắc Kinh đưa ra từ lâu, trong đó Mỹ chấm dứt các cuộc tập trận với Hàn Quốc để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa, hạt nhân.
Mỹ đã nhiều lần bác bỏ đề xuất này, cho rằng các cuộc tập trận song phương được lên kế hoạch và tiến hành một cách minh bạch giữa Washington và Seoul là hợp pháp, trong khi chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng thì không.
Theo Lockie, nếu chương trình hạt nhân bị coi là "phi pháp" của Triều Tiên buộc quân đội Mỹ phải ngừng tập trận chung với đồng minh, nó sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ với các lãnh đạo khắp thế giới rằng Mỹ hoàn toàn có thể bị "tống tiền" bằng vũ khí hạt nhân.
Nếu không thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận, lực lượng quân sự hùng hậu của Mỹ ở Hàn Quốc sẽ ngày càng bị hao mòn khả năng sẵn sàng chiến đấu. Điều có thể xảy ra tiếp theo là toàn bộ lực lượng này sẽ bị rút khỏi Hàn Quốc.
Trump từ lâu đã kêu ca về chi phí tốn kém của việc triển khai hàng chục nghìn binh sĩ ở Hàn Quốc và nhiều lần bày tỏ ý định rút lực lượng này về nước nếu Seoul không san sẻ gánh nặng tài chính. Cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong-un và cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa dường như đã giúp Trump tìm ra lý do để thực hiện điều này.
Nếu Mỹ và Triều Tiên nhất trí bình thường hóa quan hệ và một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên được ký kết, hơn 22.000 quân Mỹ đồn trú tại các vị trí trọng yếu ở Hàn Quốc sẽ không còn lý do để ở lại. Một khi quân Mỹ rời khỏi Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ có thêm không gian và đòn bẩy để phát huy ảnh hưởng của mình ra khu vực nhằm thực thi chiến lược "đẩy Mỹ khỏi châu Á".
Lá chắn kiềm chế Trung Quốc
Theo các chuyên gia phân tích, Trung Quốc có lý do để vui mừng với quyết định ngừng tập trận với Hàn Quốc của Trump, cũng như kết quả mà Mỹ đạt được trong hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ đưa nước này trở thành cường quốc "hàng đầu thế giới" và biến quân đội nước này trở thành lực lượng "tầm cỡ thế giới" trong vài thập kỷ tiếp theo. Việc Bắc Kinh đầu tư ngày càng lớn cho quân đội và các tuyên bố chủ quyền phi lý trên những vùng biển chiến lược ở châu Á đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo lắng.
Trong bối cảnh đó, nhiều đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực trông chờ vào một cam kết an ninh của Washington về trật tự quốc tế dựa trên luật pháp nhằm chống lại tham vọng của Trung Quốc. Lực lượng quân đội Mỹ đóng tại châu Á có vai trò rất quan trọng trong cam kết an ninh này.
Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, lực lượng Mỹ đồn trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải căng mình để đối phó trong nhiều năm qua. Việc đánh mất vị trí đứng chân ở Hàn Quốc có thể là "giọt nước tràn ly" khiến toàn bộ chiến lược an ninh của Mỹ ở châu Á sụp đổ, theo CNBC.
Những nhượng bộ của Mỹ và niềm tin của Trump vào "mong muốn phi hạt nhân hóa của Kim Jong-un" có thể dẫn tới kịch bản mà Trung Quốc mong chờ nhất, đó là Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt vốn đang bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên.
Theo Gregory Kulacki, chuyên gia về Trung Quốc tại Liên đoàn Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS), Trung Quốc và Triều Tiên từ lâu đã có một thỏa thuận bí mật là Bắc Kinh sẽ tiếp tục các hoạt động kinh tế với Bình Nhưỡng nếu chính quyền của Kim Jong-un chấp nhận đóng băng chương trình tên lửa, hạt nhân.
Nhưng để mở ra cánh cửa quan hệ kinh tế với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ phải vượt qua các lệnh cấm vận do Liên Hợp Quốc ban hành mà nước này có nghĩa vụ phải tuân thủ. "Muốn làm được điều này, Bắc Kinh bằng mọi giá phải có được sự nhượng bộ từ phía Washington trong vấn đề lệnh trừng phạt Triều Tiên", Kulacki nói.
Thỏa thuận mà Trump ký với Kim ở Singapore đã mở ra cơ hội đó. Ren Xiao, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, gọi đây là "cú hạ cánh êm ái", ám chỉ một tiến trình phi hạt nhân hóa được thực hiện từ từ, đi kèm với đó là quá trình mở cửa hội nhập của Triều Tiên nhưng không xa rời tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Khi đó, Trung Quốc sẽ thoải mái tăng cường vị thế của mình với Triều Tiên thông qua các hoạt động viện trợ kinh tế, ngoại giao và mở rộng ảnh hưởng xuống phía nam, nơi lực lượng quân đội Mỹ có thể không còn hiện diện ở Hàn Quốc để đóng vai trò như một lá chắn kiềm chế Bắc Kinh nữa.
Tuyên bố chung Trump – Kim nhấn mạnh cuộc họp thượng đỉnh là một sự kiện lớn mở ra "tương lai mới" cho quan hệ hai nước, nhưng Lockie cho rằng sự kiện này cũng có thể mở đầu cho việc Mỹ đánh mất ảnh hưởng ở châu Á, thậm chí là trên toàn thế giới, để nhường lại sân chơi cho Trung Quốc.