8 giờ sáng nhiệt độ đã lên tới trên 30 độ C tại thành phố Thanh Viễn, phía bắc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nơi tọa lạc Học viện Bóng đá Hằng Đại. Hầu hết 48 sân bóng tại học viện bóng đá lớn nhất thế giới này đã có người sử dụng. Những đứa trẻ trong trang phục đỏ và vàng duỗi người, tập chạy và sút bóng. Trong 90 phút tiếp theo, trước khi các lớp học văn hóa bình thường bắt đầu, chúng sẽ đổ mồ hôi như tắm.
"Chúng cần uống nước liên tục trong cái nóng này, không thì chết mất", huấn luyện viên 28 tuổi người Tây Ban Nha Ibon Labaien nói với SCMP. Ông là một trong 22 huấn luyện viên được câu lạc bộ Real Madrid lựa chọn để thực hiện dự án chung đầy tham vọng với tập đoàn bất động sản Hằng Đại. Labaien làm việc cùng một trong số 116 huấn luyện viên người Trung Quốc tại học viện, giao tiếp thông qua một phiên dịch viên.
Học viện Hằng Đại hoạt động theo mô hình nội trú, liên kết với Đại học Sư phạm Hoa Nam ở Quảng Châu, mở cửa vào năm 2012 với mục tiêu "hồi sinh bóng đá Trung Quốc và nuôi dưỡng các ngôi sao bóng đá tương lai". Học viện là cơ sở hạ tầng quan trọng mà Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình đặt hy vọng sẽ giúp nền bóng đá đất nước vươn tầm thế giới vào giữa thế kỷ này.
Labaien đánh giá cơ sở hạ tầng tại đây có thể sánh ngang với các câu lạc bộ ở Tây Ban Nha. Học viện tốn hơn một tỷ nhân dân tệ (156 triệu USD) để xây dựng, bao gồm hơn 20 tòa nhà theo phong cách lâu đài, trong đó có một ký túc xá rộng 21.000 m2 và 4 tòa tháp chứa các căn hộ đầy đủ tiện nghi dành cho nhân viên. Khán phòng trong học viện đủ chỗ cho hơn 1.000 người và sân vận động có sức chứa hơn 3.000 người.
"Chúng tôi có khoảng 2.500 đứa trẻ trong độ tuổi từ 8 đến 17. Học phí lên tới 50.000 nhân dân tệ (khoảng 7.700 USD) một năm, nhưng các học viên tiềm năng nhất sẽ được đưa vào đội hình ưu tú và nhận học bổng toàn phần", giám đốc quan hệ công chúng Lee Lingzhi giải thích.
Những đứa trẻ ưu tú rất dễ phát hiện. Chúng mặc đồng phục hơi khác, có gắn logo của thương hiệu thể thao Anta, đồng thời được hưởng một số đặc quyền như dùng bữa tại căng tin bán đồ ăn phương Tây.
"Những người giỏi nhất sẽ được mài dũa ở Madrid trong ba năm sau khi tròn 14 tuổi", Lee cho biết. Thế hệ đầu tiên tham gia dự án sẽ trở về vào năm tới và có cơ hội thi đấu cho câu lạc bộ Quảng Châu Hằng Đại Đào Bảo, đội bóng số một Trung Quốc.
Đội Hằng Đại đã giành 7 danh hiệu Siêu cúp Trung Quốc liên tiếp từ 2011 đến 2017. Dù vậy, tất cả huấn luyện viên của học viện đều cho rằng đội nhà "không có cửa" tại bất kỳ giải đấu lớn nào ở châu Âu.
"Bóng đá Trung Quốc vẫn rất tệ", theo Mikel Lasa, người phụ trách đào tạo các học viên lớn nhất và một số cầu thủ trong đội hình B của Hằng Đại. "Các cầu thủ thiếu kỹ năng và hiểu biết về cuộc chơi. Tôi phải dạy đi dạy lại các bước căn bản, thậm chí với những người đã thi đấu chuyên nghiệp. Họ thiếu tài năng", Lasa cho biết.
Tuy nhiên, khi tới Trung Quốc để tiếp quản đội tuyển nước này vào năm 2011, huấn luyện viên Jose Antonio Camacho nhìn nhận vấn đề hoàn toàn khác. "Trung Quốc hiện là cường quốc thể thao, đứng tốp đầu về huy chương tại các kỳ thế vận hội. Tôi thấy không có lý gì chúng ta lại không tìm được 22 cầu thủ bóng đá tốt trong số 1,3 tỷ người", Camacho nhận định.
Nhưng dường như Camacho chưa tìm thấy những cầu thủ này. Ông không những không thể đưa Trung Quốc tới vòng chung kết World Cup 2014, mà còn chịu những thất bại 0-8 trước Brazil vào tháng 9/2012 và 1-5 trước Thái Lan vào tháng 6/2013, dẫn tới việc bị sa thải.
Trung Quốc mới chỉ tham gia World Cup một lần vào năm 2002 khi giải đấu được Hàn Quốc và Nhật Bản đồng tổ chức, nhưng không ghi nổi một bàn thắng nào. Vì vậy, việc Trung Quốc vắng mặt tại World Cup năm nay tại Nga không có gì bất ngờ. Dù được hàng chục triệu người cổ vũ, Trung Quốc vẫn liên tiếp bị "hạ bệ" trên sân cỏ.
Kế hoạch của chính phủ
Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2015 tiết lộ ba mong muốn của ông là đội tuyển được tham gia World Cup thêm lần nữa, Trung Quốc đăng cai World Cup và vô địch trong vòng 30 năm tới. Những mong muốn này đã trở thành yêu cầu, dẫn tới thành lập Chương trình Cải cách và Phát triển Bóng đá Trung Quốc.
"Việc phát triển và hồi sinh bóng đá sẽ cải thiện tình trạng thể chất của người Trung Quốc, làm phong phú đời sống văn hóa, thúc đẩy tinh thần yêu nước và tập thể, nuôi dưỡng văn hóa thể thao và phát triển ngành này", nội dung chương trình cho biết.
Kế hoạch hướng tới các mục tiêu đầy tham vọng như tăng số lượng trường tiểu học và cấp hai mà bóng đá đóng vai trò chủ đạo trong môn thể dục từ 5.000 lên 20.000 trường vào năm 2020, đạt 50.000 trường vào năm 2025. Trong 7 năm tới, chính phủ mong muốn 50 triệu người Trung Quốc sẽ chơi bóng đá và 30 triệu trong số đó được đào tạo bài bản.
Mục tiêu dài hạn của kế hoạch là biến bóng đá thành môn thể thao được đông đảo người dân hưởng ứng, thể hiện nỗ lực tổ chức World Cup và tăng đáng kể khả năng cạnh tranh của đội tuyển bóng đá nam trên trường quốc tế. Manu Merino, một huấn luyện viên người Tây Ban Nha khác tại học viện Hằng Đại, tin rằng kế hoạch đã giải quyết được vấn đề chính.
"Những đứa trẻ ở châu Âu, châu Mỹ và châu Phi bắt đầu chơi bóng ngay khi chúng biết đi. Sau đó, chúng thi đấu với bạn bè ở bất cứ nơi đâu, có rất nhiều câu lạc bộ để tham gia và tập luyện, cũng như những giải đấu để thử sức. Đó là lợi thế lớn trước Trung Quốc, nơi hầu như không có sân bóng và chỉ có vài câu lạc bộ", Merino cho biết.
Tuy nhiên, Kayleigh Renberg-Fawcett, đồng giám đốc Trung tâm Bóng đá Trung Quốc - Anh, cho rằng vấn đề không dừng lại ở đó. Bà đánh giá cơ hội làm cầu thủ tại Trung Quốc bị giới hạn do đặc điểm của hệ thống giáo dục và sự thiếu nhận thức về lợi ích của thể thao. Nếu không chơi bóng đủ tốt ngay từ đầu, những đứa trẻ khó có thể theo đuổi sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp.
Khó thay đổi nhận thức
"Môn thể dục ở đây giống như quân đội vậy. Ở châu Âu, chúng tôi chơi nhiều môn thể thao, còn ở Trung Quốc họ tập thể dục tập thể. Sự thiếu tự do khiến lũ trẻ sống rất kỷ luật, nhưng thiếu đam mê, sáng tạo và dũng cảm. Chúng sợ đưa ra quyết định và ngại nói lên suy nghĩ của mình", Labaien cho biết.
Những đứa trẻ 11, 12 tuổi do Labaien huấn luyện hầu như luôn giữ im lặng. Chúng chăm chú vào chiến thuật mà ông giải thích bằng biểu đồ trên bảng, nhưng gặp khó khăn trong việc áp dụng lên sân cỏ.
"Nếu bạn không nói với chúng chính xác những gì cần làm, chúng sẽ vô vọng. Chúng cũng hiếm khi nói chuyện với nhau trên sân, nên việc điều phối các đường chuyền và chiến lược trong trận đấu gần như là không thể", huấn luyện viên người Tây Ban Nha cho biết. Tình trang tương tự xảy ra trong lớp học khi những đứa trẻ giữ im lặng suốt tiết đến khi có thông báo hết giờ.
Tình trạng tham nhũng
Javier Ferreras là nhà tìm kiếm tài năng của Học viện Hằng Đại. Ông thường tới các tỉnh xa xôi như Nội Mông và Tân Cương, nơi các tiêu chuẩn thấp hơn so với vùng duyên hải phía đông giàu có, nhưng vẫn ẩn chứa những "viên ngọc thô".
"Các nhà tìm kiếm ở Trung Quốc có xu hướng chọn những đứa trẻ có thể chất tốt, nhưng lợi thế này có thể mai một theo thời gian. Tôi muốn tìm đứa trẻ biết phối hợp, có kỹ thuật và tinh nghịch, bởi đó là những phẩm chất mà phần lớn giới trẻ Trung Quốc thiếu sót", ông cho biết.
Những đứa trẻ được Ferreras lựa chọn trải qua một tuần thử nghiệm trước khi được nhận học bổng toàn phần tại Hằng Đại. Nhưng công việc của ông không dễ dàng như thế.
"Thậm chí với đứa trẻ 10 tuổi, những nhà quản lý các giải đấu vẫn cố kiếm lợi nhuận từ chúng. Nạn tham nhũng trong những giải đấu hàng đầu có thể đã bị loại bỏ, nhưng vẫn phổ biến tại những cấp thấp trong hệ thống", Ferreras tiết lộ.
Mối quan hệ cá nhân đóng vai trò lớn trong bóng đá, nên Ferreras phải đánh giá lại những người tỏ ra tôn sùng ông. Ông cũng từ chối nhận phong bì của những người muốn con họ được nhập học tại Hằng Đại .
"Nhiều người nhận thức được rằng bóng đá có thể trở thành ngành kinh doanh lớn. Thậm chí một số phụ huynh đưa ra mức giá lên tới 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.500 USD) để giúp con họ được nhận", ông cho biết. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu quá trình huấn luyện, những trở ngại khác lại nảy sinh.
Chính sách một con
"Tôi rất ngạc nhiên khi thấy các cầu thủ ở đây không ăn mừng bàn thắng. Họ quay lưng lại và tiếp tục chơi như không có gì xảy ra. Chúng tôi phải ép họ ôm lấy nhau sau một chiến thắng, nhưng họ cảm thấy lúng túng và không thực hiện một cách tự nhiên", Merino cho biết. Ông tin rằng lý do nằm ở chính sách một con của Trung Quốc.
"Chúng được gia đình và giáo viên nhấn mạnh rằng phải trở thành người giỏi nhất, nhưng không biết cách hợp tác và quan tâm tới người khác. Điều này có thể hiệu quả với những môn thể thao cá nhân mà Trung Quốc vượt trội nhờ khả năng cống hiến của các vận động viên, nhưng không áp dụng được trong bóng đá hoặc bất cứ môn thể thao đồng đội nào khác", huấn luyện viên Lasa nói thêm.
Cây bút Jonathan White của SCMP cũng cho rằng chính sách một con tồn tại suốt 37 năm ở Trung Quốc đã tác động tới sự phát triển của bóng đá.
"Chủ nghĩa cá nhân không phải đặc điểm của riêng Trung Quốc, nhưng chính sách một con đã góp phần gây ra điều này. Ảnh hưởng trầm trọng của nó lên mỗi cá nhân thể hiện qua việc không biết phối hợp theo nhóm, chia sẻ hay làm gì đó khác ngoài trở thành trung tâm của sự chú ý", nhà báo giải thích.
Tương lai của bóng đá Trung Quốc
"Chúng tôi đã thắng một số giải đấu quốc tế, chứng minh rằng đầu tư lớn sẽ mang lại kết quả. Nhưng Trung Quốc cần thời gian để phát triển đầy đủ tiềm năng của mình", huấn luyện viên Jose Ignacio Artieda tỏ ra hy vọng dù còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Trung Quốc cần bao nhiêu thời gian lại là câu hỏi lớn. "Khi tôi tới đây ba năm trước, tôi đoán là cần 20 năm. Nhưng bây giờ tôi cho rằng cần tới 60 năm", huấn luyện viên Merino cười lớn. Nhà báo White cũng nghi ngờ về khả năng Trung Quốc trở thành cường quốc bóng đá vào năm 2050.
Việc đăng cai tổ chức World Cup cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển. Điều này đã xảy ra với Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và các môn thể thao cá nhân. Merino nói thêm rằng quan trọng nhất là phải kiên nhẫn, tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Quá trình đào tạo cầu thủ trẻ cũng tạo ra nhiều lợi nhuận từ việc bán dịch vụ đào tạo tới tiếp thị và bán sản phẩm. Các câu lạc bộ khắp châu Âu đã chạy đua theo dự án của Real Madrid ở Quảng Châu và hợp tác với những đội bóng khác ở Trung Quốc. Câu lạc bộ Sơn Đông Lỗ Năng Thái Sơn thậm chí còn đưa ra một chiến lược chủ động hơn khi mua lại đội Desportivo của Brazil và đưa các cầu thủ xuất sắc nhất của mình tới nước này thi đấu.
"Các cầu thủ Trung Quốc rất nhanh nhẹn, nhưng chúng tôi cần học thêm về chiến thuật. Tôi đã thi đấu tại Desportivo hai năm và cải thiện kỹ năng rất nhiều. Tôi hy vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển bóng đá nước nhà khi trở về", Zeng Yuming, cựu học viên tại học viện bóng đá Sơn Đông Lỗ Năng, trả lời kênh truyền hình CGTN.
Tại trường quốc tế Taihu cách Thanh Viễn khoảng 1.200 km về phía bắc, hiệu trưởng Sami Kuo không quan tâm nhiều tới đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, ngôi trường này đã đưa bóng đá vào nhằm phục vụ mục đích khác.
"Những đứa trẻ đang ngày càng béo và ích kỷ hơn. Việc lạm dụng công nghệ và các giá trị vật chất xã hội ngày nay có nguy cơ tạo ra một thế hệ không khỏe mạnh và dễ bị bệnh, những đứa trẻ chỉ biết quan tâm đến bản thân. Chúng tôi sử dụng bóng đá trong trại hè để nâng cao tinh thần đồng đội và cải thiện tình trạng thể chất của trẻ em", Kuo cho biết.
Ánh Ngọc