Gần 130 nước phản đối quyết định của Trump về Jerusalem
Nghị quyết do Ai Cập đệ trình nhằm phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel được thông qua ngày 21/12 tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc với tỷ lệ 128 ủng hộ trên 193 nước thành viên. Đây được coi là thất bại đáng xấu hổ với Mỹ, bất chấp việc ông Trump dọa cắt viện trợ các nước ủng hộ nghị quyết, theo CNN.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cảnh báo Washington "sẽ ghi nhớ ngày này". Nhưng lời đe dọa đó thực tế đến đâu và chính phủ nào sẽ phải "chịu đòn"?
Ngân sách viện trợ quân sự khổng lồ
Một trong những nước dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực từ Mỹ nhất lại chính là Israel, quốc gia được hưởng lợi từ quyết định gây tranh cãi của Washington. Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) cho biết Tel Aviv nhận được 3,1 tỷ USD tiền viện trợ quân sự từ Washington trong năm ngoái, chỉ xếp sau Afghanistan và Iraq, nơi Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự từ năm 2001 và 2003.
Quốc gia thứ 4 trong danh sách nhận viện trợ quân sự từ Mỹ là Ai Cập nhạy cảm hơn cả với lời đe dọa của Trump. Cairo nhận khoảng 1,1 tỷ USD từ chương trình hỗ trợ quân sự nước ngoài của Washington, nhưng lại là nước đi đầu trong việc đòi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết số tiền viện trợ từ Mỹ chiếm 20-25% ngân sách quốc phòng Ai Cập trong những năm gần đây. Phần lớn khoản tiền này đã bị đóng băng do Mỹ lo ngại vấn đề nhân quyền tại Ai Cập. Washington đã xây dựng kế hoạch nối lại viện trợ vào năm sau, nhưng Tổng thống Trump có thể sẽ thay đổi quyết định này.
Tuy nhiên, Mỹ khó lòng cắt viện trợ quân sự cho Ai Cập trong dài hạn. Ngân sách đầu tư cho Cairo tăng vọt sau khi nước này ký thỏa thuận hòa bình và cải thiện quan hệ với Tel Aviv hồi năm 1979, đồng thời Ai Cập cũng đóng vai trò quan trọng với lợi ích an ninh của Mỹ trong khu vực.
Hỗ trợ phát triển nước ngoài
Ngân sách quốc phòng có thể là vũ khí lớn nhất mà Washington đưa ra để đe dọa những nước phản đối, nhưng nó cũng là khoản tiền khó bị cắt nhất. Hầu hết các quốc gia nhận viện trợ quân sự đều có vị trí địa chiến lược then chốt với Mỹ, khiến Washington không thể từ bỏ khoản đầu tư trong tình hình hiện nay.
Các khoản hỗ trợ phát triển do USAID cung cấp sẽ là đối tượng dễ bị cắt nhất, dù quyết định này sẽ gây hiệu ứng xấu với các doanh nghiệp Mỹ đầu tư ở nước ngoài. Tổng thống Trump từ lâu đã hoài nghi về viện trợ nước ngoài, cho rằng Mỹ đang bị lợi dụng. Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã tìm cách giảm bớt các khoản hỗ trợ với tổng trị giá 43 tỷ USD, tương đương 2% ngân sách liên bang Mỹ và chỉ bằng 10% tiền đầu tư vào dự án tiêm kích tàng hình F-35.
Các nước châu Phi chiếm phần lớn danh sách 10 nước nhận viện trợ nhiều nhất từ USAID, trong đó bao gồm Ethiopia, Nam Sudan, Kenya, Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo. Khác với khu vực Trung Đông, các quốc gia này dành ít sự ủng hộ cho Palestine, do không phải đối mặt với áp lực phản đối quyết định của Mỹ trong nước.
Tuy nhiên, những nước châu Phi cũng khó hứng chịu thiệt hại quá lớn, do còn nhận được viện trợ từ nhiều nguồn khác ngoài Mỹ. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết trong giai đoạn 2014-2015, Ethiopia nhận được 700 triệu USD từ Mỹ, 800 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB), 526 triệu USD từ Anh và 224 triệu USD của Liên minh châu Âu (EU).
Nam Sudan có thể phải cẩn trọng hơn nếu mất nguồn tiền từ Mỹ, vốn lớn bằng 4 nhà tài trợ tiếp theo cộng lại. Tuy nhiên, Kenya, Nigeria và Conga đều nhận được khoản ngân sách lớn từ các nguồn ngoài Mỹ, điển hình là WB và nước Anh.
Việc Mỹ rút viện trợ khỏi châu Phi sẽ là cơ hội tuyệt vời cho Trung Quốc, nước đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu lục này. Bắc Kinh đang dần thay thế Washington trong vai trò nhà tài trợ cho các quốc gia đang phát triển. "Nếu Mỹ thực hiện lời đe dọa này, nhiều người sẽ tìm tới Trung Quốc", ông Nick Bisley, giảng viên chuyên ngành quan hệ quốc tế tại đại học La Trobe Australia, nhận định.
Phá vỡ thông lệ ngoại giao
Rất khó để đánh giá tính nghiêm trọng trong những phát biểu đe dọa của ông Trump và bà Haley, cũng như liệu Mỹ có gây áp lực với một số quốc gia để giành lợi thế trong cuộc bỏ phiếu hay không. Tuy nhiên, Washington đã không thể làm lung lay đủ số nước để chiếm đa số ủng hộ trong vấn đề Jerusalem, cũng như áp lực viện trợ không tạo nên hiệu ứng mà chính quyền Trump hy vọng.
"Việc cá nhân hóa, biến cuộc bỏ phiếu thành lựa chọn ủng hộ hoặc chống Tổng thống Trump, là một chiến thuật dại dột đến kỳ lạ", chuyên gia Richard Gowan thuộc tổ chức nghiên cứu ECFR tuyên bố. Một nhà ngoại giao giấu tên khẳng định các nước luôn kiên trì tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) về tình trạng của Jerusalem.
"Với nhiều nước thành viên, đặc biệt là phương Tây, phiếu bầu đã phản ánh quan điểm được họ theo đuổi suốt 50 năm qua. Giải pháp hai nhà nước, phân chia Jerusalem thông qua đàm phán... Họ bị ép phải từ bỏ chính sách kéo dài 50 năm mà không có lý do rõ ràng", nhà ngoại giao giấu tên khẳng định.
Mọi thành viên trong Hội đồng Bảo an, kể cả đồng minh lâu năm của Mỹ là Nhật Bản và Anh, đều bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Ai Cập soạn thảo. Ông Bisley cho rằng phát biểu của Tổng thống Trump và Đại sứ Haley "thô lỗ và thiếu tinh tế", biểu hiện của một chính quyền không có tầm nhìn rộng về quan hệ quốc tế và vai trò của Mỹ trên thế giới.
"Họ nhìn mọi thứ trong ngắn hạn và không thấy hậu quả tiêu cực của lời đe dọa này. Không hề có suy nghĩ nào về bức tranh toàn cảnh và ý nghĩa của một thế giới liên kết với nhau", ông Bisley tuyên bố.
Áp lực do Mỹ đưa ra sẽ khiến nước này bị cô lập khi cần sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc với những vấn đề như Iran hay Triều Tiên. "Cộng đồng ngoại giao tại New York thường sẵn sàng chịu đựng những lời đe dọa của bà Haley, nhưng lần này sẽ khác", nhà ngoại giao giấu tên khẳng định.
Tử Quỳnh