Tháng 1/2015, quân đội Anh tuyên bố Lữ đoàn 77 sẽ "tập trung vào các hoạt động tâm lý không gây sát thương bằng cách sử dụng mạng xã hội như Facebook và Twitter để chống lại kẻ thù". Nhiệm vụ chính của đơn vị này là định hướng hành vi công chúng chống lại việc tuyên truyền của khủng bố.
Anh không phải là nước duy nhất hình thành các "đội quân mạng" để chiến đấu trên mạng xã hội. Theo báo cáo công bố vào năm nay của S. Bradshaw và P. Howard từ Đại học Oxford, chính phủ các nước đang tập trung vào các nền tảng Internet để tác động đến ý kiến công chúng.
Chiến lược
Đội quân mạng sử dụng một loạt các chiến lược, công cụ và kỹ thuật trên mạng xã hội. Họ thường xuyên tương tác với người dùng qua các bình luận. Một số tập trung vào các thông điệp tích cực nhằm củng cố lập trường của chính phủ. Số khác tập trung đả kích những người bất đồng chính kiến.
Chẳng hạn, Israel yêu cầu những người nắm giữ vị trí quan trọng trong chính phủ luôn phải bình luận nhã nhặn. Trong khi đó, Tổ chức thanh niên IRELI có liên hệ với chính phủ Azerbaijan thường đăng những bình luận gay gắt. Các nhà báo Mexico tố cáo họ bị quấy rối qua mạng xã hội bởi đội quân mạng.
Trong một số trường hợp, các bình luận không rõ ràng mang tính tích cực hay tiêu cực. Đội quân mạng Cộng hòa Czech thường không đăng bình luận mang cảm tính mà chỉ đăng những thông tin chứng thực. "Đảng 5 hào" - tên gọi đội quân mạng Trung Quốc - thì thường tập trung vào việc làm sao lãng hoặc chuyển hướng chú ý khỏi vấn đề đang được thảo luận.
Một chiến lược khác là quấy rối một cá nhân, tổ chức cụ thể trong nhiều ngày, thường là đối thủ trong cuộc bầu cử hay người có ý kiến đối lập. Theo Korean Herald, nhân viên Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc đã phát động một loạt chiến dịch chống lại đảng đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.
Một số quốc gia điều hành các tài khoản, trang web và ứng dụng chính thức để tuyên truyền chính trị. Israel có hơn 350 tài khoản chính thức bằng ba thứ tiếng: tiếng Hebrew, tiếng Arab và tiếng Anh.
Đội quân của Ukraine, còn có tên gọi là "đội quân của sự thật", điều hành một trang web mà người dân và tình nguyện viên có thể truy cập và chia sẻ những thông tin được coi là trung thực. Ecuador mở trang web có tên là Somos + để theo dõi những người dùng mạng để chỉ trích.
Ngoài các tài khoản chính thức, nhiều đội quân mạng dùng tài khoản ảo để che giấu danh tính. Các tài khoản ảo này có thể là các "bot" - mã được thiết kế để tương tác và bắt chước người dùng. Theo báo cáo của Oxford, chiến lược này được áp dụng tại các nước Argentina, Azerbaijan, Iran, Mexico, Philippines, Hàn Quốc... Những bot này có thể được dùng để tăng lượng like và chia sẻ, tạo ra cảm giác rằng quần chúng rất ủng hộ các quan điểm được tuyên truyền.
Đội quân mạng cũng có thể tự xây dựng nội dung để truyền bá thông điệp như viết blog, làm video trên Youtube, viết những tin tức giả, chế ảnh. Lữ đoàn 77 đã làm các video trên YouTube để thuyết phục người Hồi giáo ở Anh không đến Syria.
Một chiến binh mạng Nga còn điều hành một blog tiên tri về sức khỏe và các mối quan hệ, với mục tiêu là ngầm truyền bá chính trị vào những khía cạnh tưởng chừng như phi chính trị của đời sống, theo NYTimes.
Cách tổ chức
Đội ngũ tuyên truyền viên có thể là đơn vị chính thức do chính phủ thành lập, nhưng cũng có thể được thuê ngoài hoặc là tình nguyện viên.
Nếu thuộc chính phủ, chiến binh mạng là những viên chức làm việc cho một bộ hay một nhánh hành pháp. Tuyên truyền viên Argentina và Ecuador có liên kết với văn phòng tổng thống còn lực lượng ở Venezuela nằm dưới sự quản lý của Bộ Thông tin.
Chính quyền cũng có thể thuê công ty bên ngoài để làm việc này. Mỹ thuê một công ty quan hệ công chúng để phát triển công cụ quản lý tài khoản mạng xã hội. Cơ quan Nghiên cứu Internet là công ty tư đã điều phối một số chiến dịch mạng xã hội cho Điện Kremlin.
Cũng có một số nhóm tình nguyện đảm đương công việc này, đa phần là các tổ chức thanh niên như IRELI ở Azerbaijan, Nashi ở Nga. Họ thường không được trả tiền nhưng có thể được trao phần thưởng, bằng khen hay học bổng. Ở Azerbaijan, công việc tình nguyện trong IRELI được coi là bước đệm cho các vai trò cao cấp trong quản lý hành chính.
Một số chiến binh mạng là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội được chính phủ tuyển chọn và được trả thù lao, chẳng hạn như ở Ấn Độ. Vì những người này không liên quan trực tiếp đến chính phủ hoặc đảng phái chính trị, "tiếng nói độc lập" của họ dễ được công chúng đồng cảm hơn.
Tại một số nước, đội ngũ này được tổ chức theo hệ thống phân cấp cụ thể như một công ty hay chính phủ. Cấp trên sẽ giám sát, phê duyệt nội dung đăng tải và cấp dưới được giao nội dung hàng ngày.
Tuyên truyền viên Trung Quốc và Nga được trao danh sách các ý kiến hoặc chủ đề để thảo luận hàng ngày, thường liên quan đến một vấn đề chính trị cụ thể đang diễn ra. Ở Serbia, cấp trên theo dõi rất sát sao hoạt động của cấp dưới. Trong khi đó, đội ngũ tại Arab Saudi lại được tổ chức lỏng lẻo và ít bị kiểm soát hơn.
Nguồn tài chính
Quy mô đội quân mạng ở các nước có sự chênh lệch khá lớn, từ các nhóm 20 người ở Cộng hòa Czech cho đến mạng lưới trên hai triệu người ở Trung Quốc.
Ecuador chi trung bình 200.000 USD cho mỗi hợp đồng với các công ty tư. EGHNA, bên làm việc cho chính phủ Syria, cho biết chi phí dự án thông thường là khoảng 4.000 USD.
Chính quyền cũng tổ chức các khóa đào tạo chiến binh mạng. Họ mở lớp học hoặc thậm chí trại hè. Chiến binh mạng Nga được học tiếng Anh để đảm bảo viết đúng ngữ pháp khi giao tiếp với người phương Tây. Thanh niên Azerbaijan được đào tạo kỹ năng viết blog để bài đăng tiếp cận được nhiều đối tượng mong muốn hơn.
Tại Triều Tiên, những thanh thiếu niên giỏi máy tính được đào tạo bởi chính phủ và những người giỏi nhất được chọn vào đại học quân sự. Năm 2010, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng của Mỹ tài trợ cho một dự án 8,9 triệu USD để nghiên cứu cách dùng mạng xã hội nhằm định hướng hành vi và theo dõi cách người dùng phản ứng với nội dung trên mạng.
"Các đội quân mạng sẽ còn phát triển và nhiều khả năng nó vẫn sẽ tiếp tục là hiện tượng toàn cầu", báo cáo của Đại học Oxford kết huận.
Phương Vũ