Người biểu tình chống chính phủ tại Bangkok. Ảnh: AP. |
Phe chống chính phủ tuyên bố sẽ biểu tình cho đến khi chính phủ được bầu của ông Samak phải từ chức. Một số bước đi được dự đoán từ trước đã trở thành sự thực, trong đó có việc thủ tướng Thái ban bố tình trạng khẩn cấp hôm qua tại Bangkok, nhằm nỗ lực giải tán hàng chục nghìn người biểu tình.
Dưới đây là những kịch bản được dự đoán có thể xảy ra tiếp theo tại Thái Lan:
Kêu gọi bầu cử đột xuất
Thủ tướng Samak Sundaravej có thể giải tán quốc hội để tổ chức một cuộc bầu cử đột xuất, với hy vọng sẽ tạt được gió khỏi cánh buồm đang căng của phe liên minh chống chính phủ PAD.
Tuy nhiên, với việc đảng Quyền lực Nhân dân của ông Samak vốn đang chiếm đa số trong quốc hội, gần như chắc chắn sẽ tái lập chiến thắng và lãnh đạo chính phủ kế tiếp, phe PAD sẽ không thể từ bỏ chiến dịch biểu tình của họ. Do PAD tự nhận thấy không có khả năng lật ngược thế cờ qua bầu cử.
Quân đội đảo chính
Đây là khả năng đã được giới quan sát tính đến, nhưng đích thân tư lệnh quân đội Thái Lan Anupong Paojinda hôm qua khẳng định sẽ không có đảo chính, chỉ vài giờ sau khi lệnh giới nghiêm được ban bố tại Bangkok. Ông nhấn mạnh rằng một cuộc nổi dậy nữa sẽ chẳng giải quyết được vấn đề chính trị ưu tiên nào của Thái Lan.
Tuy nhiên, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang và có nhiều người bị thương hoặc thiệt mạng, quân đội có thể cảm thấy có lý do để can thiệp, viện dẫn sự cần thiết phải có hoà giải dân tộc và buộc chính phủ đương nhiệm phải từ bỏ quyền lực.
Cảnh sát đàn áp biểu tình
Cho đến sáng nay 3/9, Thủ tướng Samak vẫn tỏ ra là người kiềm chế tốt khi chưa có hành động mạnh tay. Nhưng nhiều nhà quan sát băn khoăn rằng liệu ông có thể kiên nhẫn được bao lâu nữa?
Hàng chục người có thể thiệt mạng nếu cảnh sát được triển khai và đột kích khu vực chiếm đóng của người biểu tình trong khuôn viên trụ sở chính phủ, nơi rất nhiều phụ nữ trung tuổi ngồi cùng với những thanh niên được trang bị gậy gộc. Điều tất yếu là những phản ứng dữ dội sau chiến dịch của cảnh sát có thể sẽ châm ngòi cho sự sụp đổ của chính phủ Samak.
Thủ tướng Samak đồng ý từ chức
Thủ tướng Samak Sundaravej có thể sẽ phải nhượng bộ và từ chức cùng với nội các của mình. Việc sau đó phụ thuộc vào đảng Dân chủ đối lập. Nếu không thể thành lập được một chính phủ liên minh, chắc chắn một cuộc bầu cử sẽ diễn ra.
Tuy nhiên, ông Samak khẳng định sẽ không ra đi, bất chấp sức ép từ phe đối lập ngày càng gay gắt. "Tôi sẽ không từ chức hoặc giải tán quốc hội. Tôi sẽ không bị đánh bại", ông tuyên bố. Kết quả là cuộc biểu tình do PAD dẫn dắt chưa có dấu hiệu dịu bớt, cho dù Bangkok đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
PAD hết tiền và chấm dứt biểu tình
Không ai biết người nào thực sự đang đứng sau lực lượng chống chính phủ PAD, nhưng hầu hết các nhà phân tích cho rằng họ có một túi tiền rất dày và được coi sóc kỹ. Tuy nhiên, một khi khoản tài chính này không thể kham nổi chiến dịch biểu tình rầm rộ với sự tham gia của hàng chục nghìn người kéo dài nhiều ngày qua, thì tức khắc hoạt động này sẽ tan rã dần.
Kinh tế Thái Lan cũng đang chịu tác động trực tiếp của làn sóng biểu tình, khi thị trường chứng khoán sụt giảm đến 23% kể từ khi phong trào biểu tình mở màn hồi tháng 5 và bùng phát mạnh từ tuần trước. Tuần trước, đồng Baht của Thái cũng mất giá ở mức thấp nhất trong 9 tháng qua so với đồng USD và vẫn đang trên đà mất giá.
Quốc vương can thiệp
Quốc vương Bhumibol Adulyadej rất được người dân Thái sùng kính, có ảnh hưởng chính trị không chính thức nhưng rất lớn tại Thái Lan. Trong 6 thập kỷ ngự trên ngai vàng, vị vua trị vì lâu nhất thế giới này từng tác động vào một số tranh cãi chính trị tại xứ chùa vàng, đưa đến các chính quyền quân sự hoặc dân sự mới qua bầu cử.
Mới đây, Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã chỉ trích chính sách kinh tế và biện pháp giải quyết vấn đề lạm phát của chính phủ đương nhiệm. Vì vậy, mọi sự can thiệp của quốc vương không chắc sẽ là ủng hộ chính phủ ông Samak, cho dù mang quan điểm tán thành sự cần thiết của sự ổn định và hoà hợp dân tộc.
Việt Hà (theo Reuters)