Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đọc Thông điệp Liên bang chính thức đầu tiên của mình lúc 21h ngày 30/1 (9h sáng 31/1 theo giờ Việt Nam) trước lưỡng viện quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Mike Pence.
Khái niệm Thông điệp Liên bang được đề cập trong Hiến pháp Mỹ, trong đó nhấn mạnh tổng thống "phải thường xuyên trình bày trước quốc hội về thông tin đất nước và đưa ra các biện pháp điều hành mà ông cho là cần thiết và thích hợp để quốc hội xem xét", theo CNN.
Thông điệp của Trump
Nhà Trắng tuần trước thông báo Tổng thống Trump sẽ công bố khung chính sách nhập cư hoàn chỉnh trước Thông điệp Liên bang, nên giới quan sát dự đoán đây sẽ là trọng tâm trong thông điệp của ông Trump năm nay. Một quan chức Nhà Trắng cho biết bài phát biểu của Trump sẽ đề cao sự đoàn kết khi ông tìm cách kêu gọi sự ủng hộ của quốc hội đang bị chia rẽ nghiêm trọng.
Trump cũng sẽ nhắc lại bài diễn văn của ông tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ cuối tuần trước và nói về tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, cũng như những lợi ích của chính sách cải cách thuế gần đây và chính sách thương mại "nước Mỹ trên hết".
Về chính sách an ninh quốc gia, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ đề cập đến vấn đề Triều Tiên và quan điểm "hòa bình thông qua sức mạnh", quan chức chính quyền Trump cho hay. Tổng thống cũng sẽ tận dụng cơ hội này để hé lộ các chi tiết về kế hoạch cơ sở hạ tầng của ông, trong đó có dự án xây tường biên giới với Mexico.
Tuy nhiên, các quan sát viên cũng cho rằng với tính cách khó lường của mình, Trump hoàn toàn có thể bỏ qua những vấn đề đã được các trợ lý soạn thảo sẵn và đưa ra những quan điểm "ngẫu hứng" trong Thông điệp Liên bang.
Trong khi đó, cử tri Mỹ đang rất mong chờ Tổng thống Trump trong Thông điệp Liên bang đầu tiên của mình sẽ đưa ra những thông tin chi tiết về chương trình chăm sóc y tế, cũng như đề cập đến cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Những gì Trump đưa ra trong Thông điệp Liên bang có thể có tác động lớn tới cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ năm 2018. Các cuộc thăm dò cho thấy đảng Dân chủ đang giành ưu thế trước đảng Cộng hòa, vốn đang chiếm đa số ở lưỡng viện.
Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ tuyên bố sẽ tẩy chay Thông điệp Liên bang của Trump. Tùy thuộc vào thông điệp Trump đưa ra, cử tri sẽ tán dương hoặc chỉ trích hành động của các nghị sĩ này, điều có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ, theo Politico.
Các kỷ lục và dấu mốc
Theo Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ, Tổng thống George Washington đưa ra "thông điệp thường niên" đầu tiên trước quốc hội vào ngày 8/1/1790. Tổng thống Mỹ thứ ba là Thomas Jefferson phá vỡ tiền lệ và đưa ra thông điệp thường niên của mình bằng văn bản gửi đến quốc hội. Truyền thống này được duy trì trong suốt hơn 100 năm, cho đến khi Tổng thống Woodrow Wilson bắt đầu trực tiếp đọc thông điệp trước toàn thể quốc hội vào năm 1913.
Thông điệp thường niên của Tổng thống Calvin Coolidge vào năm 1923 là bài phát biểu đầu tiên được truyền đi trên khắp nước Mỹ bằng sóng phát thanh. Đến thời Tổng thống Franklin Roosevelt, bài phát biểu này mới bắt đầu được gọi là "Thông điệp Liên bang" và thuật ngữ này được chính thức hóa dưới thời Tổng thống Harry Truman.
Hiện không có quy định cụ thể nào cho thời lượng của bài phát biểu Thông điệp Liên bang. Cựu tổng thống Bill Clinton đang giữ kỷ lục về Thông điệp Liên bang dài nhất. Bài phát biểu 2000 từ của ông kéo dài suốt một giờ, 28 phút và 49 giây. Trong khi đó, bài phát biểu của Washington vào năm 1790 được cho là ngắn nhất, với khoảng 833 từ và chỉ kéo dài 10 phút.
Hiện chưa rõ Trump sẽ thực hiện Thông điệp Liên bang của mình trong bao lâu. Bài phát biểu trước toàn thể quốc hội của ông hồi năm ngoái kéo dài khoảng một giờ, nhưng đó không phải là Thông điệp Liên bang.
Có những tổng thống Mỹ không đưa ra bất cứ thông điệp liên bang nào trong suốt thời gian cầm quyền. Tổng thống William Henry Harrison và James Garfield đều qua đời khi đang đương chức và chưa kịp thực hiện bài phát biểu.
Tới nay, Tổng thống Barack Obama là người Mỹ gốc Phi duy nhất từng phát biểu trước một phiên họp toàn thể của quốc hội nước này.
Thông điệp Liên bang mới chỉ bị hoãn một lần duy nhất vào năm 1986. Khi Tổng thống Ronald Reagan sắp đọc Thông điệp Liên bang thì thảm họa tàu vũ trụ Challenger nổ tung sau khi phóng diễn ra. Bài phát biểu bị hoãn lại một tuần sau thảm kịch.
Đáp trả của phe đối lập
Sau khi Tổng thống đọc xong Thông điệp Liên bang, đại diện của đảng đối lập sẽ đưa ra phát biểu phản biện để "vặn lại" các chính sách của người đứng đầu Nhà Trắng.
Bài phát biểu phản biện đầu tiên với Thông điệp Liên bang được lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Everett Dirksen và lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Gerald Ford đưa ra vào năm 1966 để đáp trả diễn văn của Tổng thống Lyndon B. Johnson. Các bài "phản pháo" của đảng đối lập được thực hiện không thường xuyên trong 10 năm sau và trở thành thông lệ kể từ năm 1982.
Năm nay, nghị sĩ Joe Kennedy sẽ thay mặt đảng Dân chủ đối lập đưa ra bài phát biểu phản biện Thông điệp Liên bang của Trump. Joe Kennedy, 37 tuổi, được coi là ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ trong thời gian gần đây.
Là cháu nội của Robert F. Kennedy, Joe Kennedy là một thành viên trong "làn sóng trẻ" của đảng Dân chủ và bài phát biểu phản biện này là cơ hội đầu tiên để nghị sĩ này có thể tỏa sáng trước cử tri cả nước. Ông từng đưa ra một số bài phát biểu được chia sẻ rộng rãi khi chỉ trích các chiến thuật của đảng Cộng hòa cũng như cách phản ứng của Trump trước cuộc tuần hành của những kẻ theo chủ nghĩa da trắng cực đoan tại Charlottesville.
Việc thực hiện bài phát biểu phản biện cũng có thể gây ra áp lực rất lớn. Năm 2013, khi đáp trả Thông điệp Liên bang của Obama trên sóng truyền hình trực tiếp, thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa đã dừng lại để uống nước, châm ngòi cho làn sóng chỉ trích của dư luận, trong đó có Trump.
Khoảnh khắc Marco Rubio dừng phát biểu để uống nước.
Người sống sót được chỉ định
Khi Trump đọc Thông điệp Liên bang trước lưỡng viện, các thành viên quốc hội, thẩm phán Tòa án Tối cao, tướng lĩnh thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và tất cả thành viên Nội các của Tổng thống – ngoại trừ một người – sẽ tham dự. Thành viên Nội các đó được gọi là "người sống sót được chỉ định".
"Người sống sót" sẽ được đưa đến một địa điểm bí mật ở bên ngoài Washington, cách xa địa điểm Trump thực hiện bài phát biểu để đề phòng một sự cố mang tính hủy diệt có thể vô hiệu hóa toàn bộ ban lãnh đạo của nước Mỹ. Truyền thống này bắt đầu từ thập niên 1960, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi nước Mỹ luôn lo sợ hứng chịu đòn tấn công hạt nhân từ Liên Xô.
Người này phải có đủ tư cách trở thành tổng thống, nhưng trong trường hợp một quan chức cấp cao hơn, chẳng hạn như phó tổng thống, sống sót sau sự cố, quan chức đó sẽ trở thành tổng thống kế tiếp chứ không phải "người sống sót được chỉ định".
"Người sống sót" được chỉ định khi Trump có bài diễn văn trước lưỡng viện hồi năm ngoái là Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Cựu binh David Shulkin.
Khách mời
Khi đọc Thông điệp Liên bang, các tổng thống Mỹ duy trì truyền thống mời khách đến dự. Những vị khách này thường ngồi ở khu vực gần đệ nhất phu nhân, nhiều người là các công dân bình thường có liên quan đến một phần chương trình nghị sự sắp tới của tổng thống.
Năm nay, Trump sẽ mời 15 người đến dự Thông điệp Liên bang, bao gồm một cảnh sát nhận nuôi con của người nghiện ma túy, các công dân được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế của Trump, người thân của các nạn nhân bị băng đảng MS-13 sát hại.
Các nghị sĩ quốc hội cũng được phép mời khách tới tham dự sự kiện này. Joe Kennedy sẽ mời thượng sĩ Patricia King, một người lính chuyển giới, tới dự để phản đối chính sách cấm người chuyển giới gia nhập quân đội của chính quyền Trump.
Trí Dũng