Lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo 450 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tức gần như toàn bộ hàng nước này xuất khẩu sang Mỹ, có thể sẽ bị áp thuế cao hơn. Bắc Kinh gọi đe dọa của Trump là "tống tiền" và cảnh báo họ có thể đáp trả mạnh mẽ bằng các biện pháp tương xứng.
"Đáp trả là điều cần phải thực hiện. Nếu bạn không trả đũa, bạn sẽ thua nhiều hơn. Đó là lý do tại sao chiến thương mại xảy ra", Yukon Huang, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu Carnegie vì hòa bình quốc tế cho biết, theo AFP.
Nhưng Trung Quốc năm ngoái chỉ nhập 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Họ sẽ đáp trả Mỹ như thế nào? Các chuyên gia cho rằng ngoài việc áp thuế với hàng Mỹ, Trung Quốc có thể sử dụng các phương án khác.
Điện thoại, xe, thức uống của chuỗi cửa hàng cà phê Mỹ hay vé xem phim hành động mùa hè của Tom Cruise đều là những mặt hàng đắt khách ở Trung Quốc. Chúng có thể bị nhắm mục tiêu khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung biến thành cuộc chiến thương mại toàn diện, các nhà phân tích nhận định.
Bắc Kinh đã cho các quốc gia khác thấy rằng họ có thể sử dụng nhiều chiến thuật để trừng phạt kinh tế. Năm ngoái, khi Trung Quốc tức giận vì Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống tên lửa THAAD tại nước này, 120 cửa hàng thuộc tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã phải đóng cửa ở Trung Quốc vì "vấn đề an toàn", trong khi nhiều người Trung Quốc đến biểu tình tại các cửa hàng khác.
Du khách Trung Quốc, những người ưa chuộng mỹ phẩm Hàn Quốc, đã thôi đến Seoul sau khi Bắc Kinh cấm các tour du lịch nhóm.
Thực tế, một số ngành của Mỹ đã bị nhắm mục tiêu: Trung Quốc hồi tháng trước cho biết họ đã siết chặt kiểm tra các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như thịt lợn và ôtô và còn giữ hàng lại trong cảng "vì có vấn đề".
"Trung Quốc vẫn còn nhiều vũ khí để sử dụng", nhà kinh tế Andrew Polk đánh giá.
Vấn đề Triều Tiên
Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc thực hiện lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên là yếu tố đã khiến Bình Nhưỡng phải ngồi vào đàm phán và dẫn đến hội nghị giữa Trump và Kim Jong-un vào đầu tháng này.
Để Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Trump nhiều khả năng cần Bắc Kinh giữ nguyên các biện pháp trừng phạt, nhưng một cuộc chiến thương mại có thể thay đổi tư duy của Trung Quốc, Cheng Xiaohe, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, nhận xét.
Dường như muốn tận dụng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Kim Jong-un tuần này đã thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. "Hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ về Triều Tiên "sẽ trở nên rất phức tạp và rất khó khăn", Cheng nói.
Chuyên gia Huang cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài sẽ "ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tăng trưởng" và dẫn đến sự sụp đổ của thương mại toàn cầu. "Căng thẳng sẽ không tự biến mất. Có thể nó sẽ tồi tệ hơn trước khi tình hình được cải thiện", ông nói.