Tàu của hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận trên biển Hoa Đông hồi năm ngoái. Ảnh: Xinhua |
Trefor Moss, một nhà báo độc lập ở Hong Kong và chuyên về các vấn đề chính trị, quốc phòng, an ninh châu Á cũng như làm việc cho tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly cho tới năm 2009, đã đưa ra 7 lý do cho thấy một cuộc chiến ở Hoa Đông ít có khả năng xảy ra. Trong đó, phần lớn các lý do có liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.
Kịch bản ác mộng với Bắc Kinh
Trung Quốc có thể giành phần thắng trước Nhật Bản, nhưng ngược lại, thất bại cũng là một khả năng có thể xảy ra. Khi Trung Quốc khép lại quá khứ và hướng tới tương lai đáng tự hào hơn, viễn cảnh về một tình thế nguy ngập khó tránh khỏi có nguồn gốc từ cường quốc láng giềng giống như một ác mộng, đủ để thuyết phục Bắc Kinh làm mọi việc nhằm tránh tình cảnh không mong muốn.
Hiển nhiên, lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, không muốn được lịch sử nhìn nhận là người đẩy nước này vào một cuộc xung đột ác liệt với Nhật Bản. Nếu điều này xảy ra, sự nghiệp chính trị của ông Tập sẽ bị đe dọa, kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Ràng buộc kinh tế
Dù bên nào thắng hay thua, cuộc chiến Trung - Nhật sẽ có hại đối với cả hai nước. Nền kinh tế trì trệ mà Thủ tướng Abe đang cố gắng hà hơi tiếp sức bằng một gói kích thích trị giá 117 tỷ USD sẽ càng gặp khó khăn nếu thị trường màu mỡ Trung Quốc đóng cửa với các doanh nghiệp Nhật.
Tất nhiên, Trung Quốc cũng sẽ chịu tổn thất, khi các công ty Nhật đồng loạt rút khỏi thị trường này, kéo theo 5 triệu người lao động Trung Quốc bị mất việc, trong khi Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người cho tới năm 2020. Sự hỗn loạn trong nền kinh tế toàn cầu hóa sẽ khiến kinh tế của cả hai nước càng thêm suy thoái, đồng thời có nguy cơ khiến các chương trình của lãnh đạo mới tại hai nước bị đe dọa.
Dấu hỏi với khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc
Quân đội Trung Quốc đang được hiện đại hóa một cách nhanh chóng, nhưng vẫn có những hoài nghi về tính hiệu quả của lực lượng này nếu phải tác chiến thực sự. Tân Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ông Hứa Kỳ Lượng mới đây cho rằng có quá nhiều cuộc diễn tập của quân đội nước này đơn thuần chỉ là phô trương, và các đơn vị tinh nhuệ mới cần phải được thành lập nếu Bắc Kinh muốn bảo vệ các lợi ích. Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình cũng kêu gọi quân đội Trung Quốc cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu thực sự.
Chuyển giao lãnh đạo
Sự lãnh đạo dân sự và quân sự ở Trung Quốc được duy trì liên tục, với công cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo được bắt đầu hồi tháng 11 năm ngoái và vẫn chưa hoàn tất. Khi các nhà lãnh đạo mới đang làm quen với các vị trí và trách nhiệm mới, họ sẽ muốn tránh những vấp váp, ví dụ như một cuộc chiến với Nhật Bản.
Dấu hỏi về sự can thiệp của Mỹ
Có chuyên gia Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ không bao giờ can thiệp vào một cuộc xung đột ở châu Á với vai trò đại diện cho Nhật Bản hoặc bất cứ đồng minh nào khác trong khu vực. Tuy nhiên, quan điểm này xem chừng quá lạc quan. Sự can dự của Mỹ là một khả năng hiển hiện. Mỹ hoàn toàn có thể tìm cách ngăn chặn Trung Quốc, một khi nguy cơ xung đột tăng cao.
Chính sách tránh đối đầu quân sự của Trung Quốc
Trung Quốc luôn khẳng định nước này ưu tiên các giải pháp hòa bình để giải quyết những tranh chấp. Trên thực tế, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đưa các tàu hành pháp không có vũ trang hoặc có vũ trang ít ỏi tới những điểm nóng trên biển, hơn là điều động các tàu hải quân.
Tàu hải giám Trung Quốc và tàu tuần tra của tuần duyên Nhật Bản di chuyển gần nhau trên biển Hoa Đông hôm 4/2. Ảnh: AFP |
Đã có những lời kêu gọi về một chính sách cứng rắn hơn từ truyền thông Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa cho thấy nhiều chỉ dấu của việc nghe theo lời kêu gọi trên. Hải quân Trung Quốc đã có một hành động rõ rệt hơn tại khu vực tranh chấp với Nhật trên biển Hoa Đông, khi một trong số các tàu khu trục của Bắc Kinh bị cho là cho radar ngắm bắn vào một tàu hải quân của Tokyo. Đây là hành động mà Nhật bình luận là nguy hiểm và khiêu khích, có thể khiến căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc vẫn chưa được coi là sử dụng vũ lực.
Trung Quốc muốn giữ hình ảnh
Trung Quốc bấy lâu nay vẫn dành nhiều thời gian để nói với thế giới rằng nước này không phải là mối đe dọa với bất cứ quốc gia nào. Tại khu vực Đông Nam Á, cách Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền với các nước thành viên ASEAN vẫn còn chưa có được sự chấp nhận của các bên. Bởi vậy, nếu Trung Quốc bị coi là bên gây ra cuộc chiến với Nhật Bản, quốc gia vốn có quan hệ tốt với nhiều nước ASEAN, Bắc Kinh sẽ phải chứng kiến sự phản đối mạnh mẽ hơn từ khu vực Đông Nam Á. Đó không phải là điều Trung Quốc mong muốn.
Nhật Nam (trích The Diplomat)