Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Đông Á - Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ Jim Webb. Ảnh: TTXVN |
Thượng nghị sĩ Jim Webb kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ làm rõ tình hình này và báo cáo lên Quốc hội.
"Với sự gia tăng sức mạnh của một số thành tố nhất định trong quân đội, Trung Quốc ngày một gây hấn nhiều hơn. Ngày 21/6, Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa". Việc thành lập chính quyền trên khu vực mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền này là hành động đơn phương, vô căn cứ", Pacific News Center dẫn lời ông Webb phát biểu trong phiên họp của Thượng viện Mỹ hôm qua.
"Thành phố này của Trung Quốc sẽ quản lý hơn 200 đảo nhỏ, cồn cát và bãi đá trong phạm vi 2 triệu km2 trên biển. Họ có dân cư và đơn vị đồn trú trên một đảo đang có tranh chấp về chủ quyền và tuyên bố chính quyền đó sẽ quản lý toàn bộ khu vực Biển Đông".
Thượng nghị sĩ Webb cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đã từ chối giải quyết vấn đề này tại các diễn đàn đa phương. "Họ yêu cầu vấn đề này phải được giải quyết song phương, giữa hai nước với nhau. Vì sao lại như vậy? Bởi vì họ chiếm ưu thế hơn bất cứ nước nào trong khu vực. Có thể thấy rằng đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế".
"Điều này đi ngược lại với chính tuyên bố của Trung Quốc rằng sẵn sàng hợp tác với ASEAN để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC). Đây là vấn đề rất nan giải. Tôi sẽ đôn đốc Bộ Ngoại giao làm rõ tình tình này với Trung Quốc ngay lập tức".
Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong vụ tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp. Ảnh: TTXVN |
Thượng nghị sĩ Webb là người đầu tiên ủng hộ nghị quyết lên án Trung Quốc của Thượng viện Mỹ tháng 6/2011. Thượng viện Mỹ từng phản đối sử dụng vũ lực tại Biển Đông và kêu gọi một giải pháp hòa bình, đa phương để giải quyết những tranh chấp ở Đông Nam Á.
Ông Webb lên tiếng về những tranh chấp trên biển và vấn đề chủ quyền tại châu Á và bày tỏ quan ngại về vấn đề chủ quyền trong khu vực trong suốt 16 năm qua. Chủ tịch tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ từng trải qua nhiều cương vị công tác ở Đông Á và Đông Nam Á trong hơn 4 thập kỷ, từ sĩ quan Thủy quân lục chiến, phóng viên, cố vấn kinh doanh, quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng đến Bộ trưởng Hải quân Mỹ.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông và thực hiện nhiều hoạt động rầm rộ tại đây, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines. Biển Đông là nơi Trung Quốc cùng các nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối việc Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, và việc ngày 21/7 Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của “thành phố Tam Sa”.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để chuyển lời phản đối kế hoạch lập cơ sở đồn trú tại địa bàn của cái gọi là "thành phố Tam Sa" và phản đối sự xuất hiện của tàu quân sự hộ tống đội tàu cá ở gần khu vực các đảo tranh chấp trong quần đảo Trường Sa.
Vũ Hà