Lên nắm quyền sau khi cha qua đời năm 2011, nhiều người cho rằng Kim Jong-un, khoảng 34 tuổi, là một lãnh đạo thiếu kinh nghiệm, đặc biệt vì ông hiếm khi gặp các lãnh đạo nước ngoài và không ra nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ trong ba tháng gần đây, ông Kim đã thực hiện một chiến dịch ngoại giao phản ánh sự tự tin ngày càng tăng.
Tháng trước, ông điều em gái tới Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc, mời Tổng thống Hàn tới Bình Nhưỡng. Ông sau đó tổ chức một bữa tiệc để đón quan chức cấp cao Hàn tại Bình Nhưỡng và gửi lời mời gặp thượng đỉnh tới Mỹ. Tuần này, thế giới lần đầu được chứng kiến ông tương tác với một nguyên thủ nước ngoài khi ông đến Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tại Bắc Kinh, vợ chồng ông Kim và ông Tập đã có một bữa trưa "tràn ngập bầu không khí hài hòa và thân mật", theo mô tả của truyền thông Triều Tiên. "Khi nhìn vào ngôn ngữ cơ thể, ông ấy dường như rất thoải mái khi gặp ông Tập", Jung Pak, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Brookings nhận xét, theo WSJ.
Kim Jong-un nói lý do chọn Trung Quốc làm điểm công du đầu tiên. Video: CCTV.
Lãnh đạo Triều Tiên còn thể hiện sự khiêm tốn với việc chăm chú lắng nghe và ghi chép khi ông Tập phát biểu. Hình ảnh này có phần lạ lẫm vì trong các bức ảnh của truyền thông Triều Tiên, ông Kim thường được bao quanh bởi các tướng và quan chức cấp cao, những người ghi chép lời chỉ đạo tại chỗ của ông trong các chuyến thị sát.
Giới phân tích cho rằng các hành động của ông Kim là nhằm thể hiện sự kính trọng vì ông Tập đã củng cố quyền lực mạnh mẽ ở trong nước. Ông Tập hiện giờ được xem là lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông. Lãnh đạo Triều Tiên cũng muốn nhận được sự hậu thuẫn từ Trung Quốc để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với Trump.
"Triều Tiên, cho dù có thích hay không, cũng phải nhún nhường trước Trung Quốc. Họ phải thể hiện với Trung Quốc rằng họ tôn trọng và cần Trung Quốc. Họ không thể chuẩn bị gặp Trump mà không có sự hỗ trợ của Trung Quốc, vì vậy, đây là thời điểm Triều Tiên phải tỏ ra khiêm tốn", Graham Ong-Webb, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói.
Việc ông Kim để vợ là bà Ri Sol-ju tiếp đãi các sứ giả Hàn Quốc hồi đầu tháng và cùng ông tới Trung Quốc khiến ông hiện lên gần gũi và giống các lãnh đạo quốc tế khác hơn, Pak nhận xét. Sự đồng hành của phu nhân giúp tạo ra hình ảnh nhẹ nhàng, dễ gây thiện cảm hơn cho một lãnh đạo từng khiến thế giới lo sợ khi liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Người dùng mạng Trung Quốc khen ngợi bà Ri xinh đẹp, thân thiện và có phong cách cách ăn mặc hiện đại giống như các ngôi sao Hàn Quốc.
Lãnh đạo Triều Tiên đã giành được chiến thắng ngoại giao khi cử em gái Kim Yo-jong đến Hàn Quốc. Hình ảnh thân thiện và luôn mỉm cười của cô Kim đã gây ấn tượng với nhiều người. Lần này, người dùng mạng Triều Tiên còn nhận xét rằng bà Ri "rõ ràng một đệ nhất phu nhân giỏi ngoại giao, hơn cả em gái của Kim Jong-un".
Chuyến thăm của Kim Jong-un có sự tương đồng lớn với chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bố ông, Kim Jong-il, đến Bắc Kinh tháng 5/2000. Họ đều đến bằng một chuyến tàu đặc biệt và ở thăm trong ba ngày. Cả hai chuyến đi đều diễn ra trước khi Triều Tiên có cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc. Truyền thông nhà nước hai bên chỉ công bố về chuyến thăm sau khi nó kết thúc.
Mô phỏng đoàn tàu chở lãnh đạo Triều Tiên. Video: Next Media.
Không giống bố mình, Kim Jong-un không sợ bay và ông từng bay đến Thụy Sĩ để du học ở Bern. Việc ông Kim chọn đi tàu giống bố mình có thể khiến các lãnh đạo thế giới thấy rằng mặc dù trẻ tuổi, ông Kim muốn giữ một số truyền thống của gia đình, theo Washington Post.
"Chúng ta đang thấy chiến lược ngoại giao được Triều Tiên xây dựng cẩn thận", Jean Lee, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, Washington đánh giá. "Kim Jong-un cảm thấy đã giải quyết được câu hỏi liệu ông có thể bảo vệ người dân như một nhà lãnh đạo quân sự hay không. Bây giờ, ông ấy chuyển sự chú ý sang việc thể hiện cho thế giới thấy ông ấy có thể đóng vai trò của chính khách quốc tế".
Phương Vũ