Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 1/1 có bài phát biểu đầu năm gây chú ý với những lời tự tán dương và cả đe dọa. Ở phía đầu bên kia, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gửi lời chúc mừng năm mới tới cả bạn bè lẫn kẻ thù, đồng thời ca ngợi những bước tiến mà ông đã đạt được trong năm qua bằng một bài đăng trên mạng xã hội Twitter và một video liệt kê các thành tựu.
Theo Sunday Times, thông điệp năm mới của ông Trump và ông Kim có khá nhiều nét tương đồng.
Tán dương và đe dọa
Trong thông điệp năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định "thành công ngoạn mục" nhất đối với ông năm 2017 là sự ra đời của "một vũ khí nhiệt hạch siêu uy lực cùng hàng loạt vụ thử nghiệm các loại tên lửa mang vũ khí hạt nhân khác nhau". Triều Tiên hồi tháng 9 thử hạt nhân lần 6, mạnh nhất từ trước tới nay và tuyên bố đây là một quả bom nhiệt hạch.
Ông không quên dành một phần quan trọng trong bài phát biểu để gửi lời cảnh báo tới Tổng thống Trump. "Mỹ không bao giờ có thể chống lại tôi và đất nước chúng tôi trong một cuộc chiến tranh. Họ nên biết rằng toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong phạm vi vũ khí hạt nhân của chúng tôi và nút kích hoạt hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc của tôi. Đây là thực tế, không phải lời đe dọa", ông Kim nói.
Đáp lại, Tổng thống Mỹ chỉ trả lời ngắn gọn: "Chúng ta sẽ chờ xem". Dù có vẻ hững hờ, giới chuyên gia nhận định lời đáp trả của người đứng đầu Nhà Trắng vẫn mang đầy thách thức và phảng phất mùi đe dọa.
Ngoài ra, giống với nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong video điểm lại năm cũ, Tổng thống Mỹ cũng liệt kê những gì ông coi là thành tựu nổi bật trong năm đầu tiên nhiệm kỳ.
Đoạn video dài ba phút rưỡi quay cảnh Tổng thống Trump gặp mặt các quân nhân, nhân viên kiểm soát biên giới và những nhà lãnh đạo thế giới với phần nhạc nền sôi nổi. "Chúng ta đã tạo ra thế giới hiện đại và chúng ta sẽ tiếp tục định hình tương lai thế giới với sức mạnh và kỹ năng của đôi bàn tay người Mỹ", ông Trump nhấn mạnh.
Tổng thống Trump dẫn lại những thành công của ông trong việc bổ nhiệm mới một thẩm phán Tòa án Tối cao, gỡ bỏ một số quy định không phù hợp hay thông qua luật cải cách thuế lớn nhất 30 năm qua trị giá 1,5 nghìn tỷ USD.
"Một năm tuyệt vời đã qua và chúng ta mới chỉ bắt đầu. Cùng nhau, chúng ta sẽ khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại!", ông Trump quả quyết và khép lại video bằng lời chúc mừng năm mới.
Sau đó, trên mạng xã hội Twitter, Trump tiếp tục ca ngợi nước Mỹ "đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng thông minh hơn". Ông gửi lời chúc mừng năm mới tới cả "bạn bè, người ủng hộ, kẻ thù, những người căm ghét và cả truyền thông dối trá luôn đưa tin giả", tự tin rằng "2018 sẽ là một năm tuyệt vời với Mỹ".
Thông điệp không từ bỏ
Năm 2017, với hàng loạt vụ phóng tên lửa và một vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước tới nay, Triều Tiên đã khiến cả thế giới choáng váng và nghi ngại họ đang tiến rất gần đến mục tiêu trở thành quốc gia hạt nhân hiện đại.
Với thông điệp năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như muốn tiếp tục gieo hoài nghi khi đặt ra câu hỏi về việc liệu Mỹ sẽ phản ứng ra sao và liệu việc kìm hãm những động thái khiêu khích liên quan đến chương trình hạt nhân có thể làm hạ nhiệt căng thẳng hay không, theo Los Angeles Times.
"Đất nước chúng tôi cuối cùng đã có khả năng răn đe mạnh mẽ và đáng tin cậy, không thể bị đảo ngược bởi bất cứ thế lực nào, bất cứ cái gì", ông Kim nhấn mạnh. "Sức mạnh hạt nhân của đất nước chúng tôi có thể tiêu diệt và đáp trả bất kỳ mối đe dọa hạt nhân nào từ Mỹ, đóng vai trò như công cụ răn đe, ngăn chặn Mỹ chơi với lửa".
Triều Tiên lâu nay vẫn khẳng định họ cần một tên lửa tầm xa gắn đầu đạn hạt nhân để đối chọi lại cái mà họ coi là mối đe dọa hiện hữu từ Mỹ, quốc gia đang có 28.000 binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc.
Ông Kim cũng đề cao quân đội là thành phần tối quan trọng đối với an ninh quốc gia, đồng thời dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển công nghệ tên lửa và hạt nhân, trong khi vẫn cố gắng phát triển kinh tế, chống chọi với các lệnh trừng phạt quốc tế.
Việc người đứng đầu nhà nước Triều Tiên hàng năm đưa ra thông điệp năm mới là một truyền thống có từ thời cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Chúng thường chứa những cụm từ khó hiểu nhưng chủ yếu nhắm tới mục tiêu truyền thông điệp yêu nước tới người dân. Các bài phát biểu này thường được giới chuyên gia an ninh toàn cầu đánh giá, phân tích kỹ lưỡng nhằm tìm ra những manh mối về kế hoạch của các lãnh đạo Triều Tiên.
Bài phát biểu hôm 1/1 là thông điệp năm mới thứ 6 của ông Kim kể từ khi lên điều hành đất nước hồi năm 2011. Bài phát biểu đầu tiên được ông đưa ra năm 2013.
Trong những năm qua, ông Kim chủ yếu kêu gọi nâng cao chất lượng cuộc sống cho 25 triệu người dân. Ông cũng phát đi những thông điệp cảnh báo, đe dọa tới kẻ thù.
Càng ngày những phát biểu của nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên càng ít tập trung hơn vào hệ tư tưởng hay biểu hiện sự tôn kính, ca ngợi các bậc lãnh đạo đi trước. Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu cho thấy ông đã tập trung đủ quyền lực trong tay và sẵn sàng dành nhiều nỗ lực hơn để theo đuổi những sáng kiến, ý tưởng riêng.
Bài phát biểu hồi năm ngoái, với khoảng 4.700 từ, còn có một đoạn ông Kim thể hiện sự khiêm tốn, thừa nhận nỗi lo âu về những công việc mà ông đã hoàn thành trong năm 2016.
Tuy nhiên, sự thay đổi bất ngờ nhất trong bài phát biểu năm nay nằm ở lời gợi ý của ông Kim về việc cần phải giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc.
"Sự tham gia của Triều Tiên vào Thế vận hội mùa đông sẽ là cơ hội tốt để thể hiện sự đoàn kết của nhân dân và chúng tôi mong muốn Thế vận hội sẽ thành công. Quan chức từ hai nước có thể gặp khẩn để thảo luận về khả năng này", ông Kim nói.
Dù vậy, theo giới quan sát, thông điệp chính năm nay vẫn là lời tuyên bố đanh thép nhất của ông Kim Jong-un rằng Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác không thể ép buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân. Vì thế, những người mong muốn giải pháp hòa bình có lẽ nên tập trung trước tiên vào mục tiêu đóng băng một phần năng lực hạt nhân của Triều Tiên thay vì hy vọng họ sẽ dừng lại sau khi đã đầu tư quá nhiều vào chương trình hạt nhân.
"Đây là một mục tiêu dài hơi", John Delury, phó giáo sư tại Đại học Yonsei, Seoul, Hàn Quốc, nhận định. "Sẽ phải mất nhiều năm để họ từ bỏ chúng. Không có nền tảng cho những nỗ lực ngoại giao".
Vũ Hoàng