Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: AP. |
Nga và Kazakhstan từ lâu vẫn duy trì quan hệ khăng khít do mối duyên nợ lịch sử, cũng như nhiều lợi ích ràng buộc nhau. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Kazakhstan đã phát triển mối bang giao với cả phương Tây và Trung Quốc, một phần lý do họ nới lỏng dần mối thâm giao với Matxcơva.
Sức hấp dẫn của Kazakhstan chính là trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào của nước này. Cùng với hai nước cộng hòa Trung Á khác là Uzbekistan và Turkmenistan, Kazakhstan đang là mảnh đất chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty Nga và phương Tây.
Tuy nhiên, Nga sở hữu lợi thế đặc biệt lớn trước đối thủ vì có khả năng kiểm soát các tuyến đường xuất khẩu năng lượng của cả vùng Trung Á. Do vậy Kazakhstan đang tìm cách thoát dần khỏi sự kiểm tỏa này bằng việc tận dụng các tuyến đường xuất khẩu thay thế và tính đến khả năng xây dựng riêng cho mình các trung tâm xuất khẩu năng lượng.
Nhằm tránh vuột mất nguồn lợi, Nga thuyết phục Kazakhstan ký thỏa thuận dài hạn về việc xuất khẩu dầu mỏ qua tuyến đường ống từ Baku (Azerbaijan) tới Novorossiysk, hải cảng chính của Nga tại Biển Đen. Bên cạnh đó, Nga còn duy trì vị thế là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Kazakhstan và sẽ là đối tác chính của nước này trong kế hoạch phát triển hải quân (hoạt động trên vùng biển kín Caspian).
Đó là bối cảnh chung trong chuyến thăm đầu tiên của tân tổng thống Nga Dmitry Medvedev đến Kazakhstan. Ngay sau đó, ông sẽ đáp máy bay đến Bắc Kinh đúng vào thời điểm mối quan hệ song phương Nga - Trung Quốc phát triển nhiều mặt, đặc biệt là sự bùng nổ về lĩnh vực thương mại hai chiều (tăng gấp 8 lần trong vòng một thập kỷ qua).
Sự phát triển đặc biệt nóng của nền kinh tế Trung Quốc dẫn đến việc nước này có nhu cầu gay gắt về dầu mỏ và khí đốt. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các công ty năng lượng Nga tận dụng phát triển trong tương lai.
Về mặt chính trị, Nga và Trung Quốc cùng chia sẻ quan điểm chống lại một thế giới đơn cực với quyền thống trị thuộc về Mỹ. Thể hiện rõ nhất của lập trường này là việc hai nước lập ra Tổ chức Hợp tác Thượng Hải năm 2001, tập hợp Nga, Trung Quốc và 4 nước vùng Trung Á. Tổ chức này đang vươn từ thế bị chỉ trích là diễn đàn "nói là chính" thành một tổ chức khu vực có sức nặng.
Bên cạnh đó, cả Nga và Trung Quốc đều đang tìm cách thiết lập một tam giác mà đỉnh còn lại là một cường quốc khu vực khác là Ấn Độ. Thời gian gần đây, hai nước Nga và Trung Quốc còn tổ chức hàng loạt cuộc tập trận quân sự chung có quy mô lớn.
Người tiền nhiệm của ông Medvedev là đương kim thủ tướng Vladimir Putin từng nhấn mạnh đến việc nước Nga hướng về châu Âu, khi ông vươn lên đỉnh cao quyền lực 8 năm trước. Nhưng cho đến khi ông rời điện Kremlin, mối quan hệ Nga với EU và rộng hơn là với phương Tây lại bị bủa vây bởi những bất đồng và khủng hoảng. Thỏa thuận đối tác chiến lược mới giữa Matxcơva với EU cũng lâm vào bế tắc suốt hơn hai năm qua.
Còn tân tổng thống Dmitry Medvedev rất hiếm khi tỏ dấu hiệu cho thấy ông muốn khởi động một trang mới trong mối quan hệ giữa Nga với phương Tây. Với việc chọn Kazakhstan và Trung Quốc để thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới, dường như ông muốn gửi đi một thông điệp rằng, Nga sẽ tiếp tục giữ lập trường vì "một thế giới đa cực".
Ẩn sau động thái thăm hai nước nói trên còn là tín hiệu mà Matxcơva muốn phương Tây hiểu rằng, họ không nên trông đợi bất cứ sự hạ nhiệt nhanh chóng nào trong quan điểm của Nga.
Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev sang phía tây sẽ là cuộc gặp giữa ông với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin, vào đầu tháng 6 tới.
Đình Chính (theo BBC)