Trung Quốc và Mỹ đang liên tục tung ra các đòn áp thuế lên mặt hàng xuất khẩu của nhau, khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại khổng lồ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra tuyên bố rằng họ không sợ chiến tranh thương mại với Mỹ, dù quy mô nền kinh tế đối thủ lớn hơn rất nhiều.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc dễ bị tổn thương trong chiến thương mại hơn các quan chức nước này thừa nhận vì xuất khẩu chiếm phần lớn trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Mỹ mua nhiều mặt hàng từ Trung Quốc nên Washington có nhiều phương tiện để nhắm mục tiêu vào các nhà sản xuất Trung Quốc. Trong khi đó, những đòn áp thuế mà Bắc Kinh đưa ra đã chiếm hơn một phần ba số sản phẩm Trung Quốc mua từ Mỹ, khiến họ có ít lựa chọn để ra thêm đòn, theo NYTimes.
Tuy nhiên, về mặt chính trị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lợi thế giúp ông đối mặt với những hậu quả kinh tế và xã hội do chiến tranh thương mại gây ra tốt hơn Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sự kiểm soát và quyền lực tuyệt đối của ông Tập đối với hệ thống chính trị và truyền thông Trung Quốc đồng nghĩa với việc chính sách của ông sẽ không vấp phải nhiều chỉ trích. Trong khi đó, khi giá cả hàng hóa và chi phí sản xuất tăng cao vì chiến tranh thương mại, các nhóm lợi ích, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ gây thêm sức ép với Trump, trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11.
Chính phủ Trung Quốc cũng có quyền kiểm soát nhiều hơn với nền kinh tế, khiến họ có thể ngăn việc cắt giảm nhân lực hoặc đóng cửa nhà máy bằng cách yêu cầu ngân hàng hỗ trợ các ngành công nghiệp bị Mỹ áp thuế.
"Tôi cho rằng các quan chức tại Washington đã đánh giá quá cao mức độ tác động của những khoản thuế này với Trung Quốc", Arthur R. Kroeber, giám đốc điều hành của Gavekal Dragonomics, công ty nghiên cứu ở Bắc Kinh, cho hay.
Ông nói rằng các hành động của Mỹ có thể gây tác động đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhưng không đủ để buộc nước này đảo ngược các chính sách. Ngoài ra, các quan chức Trung Quốc dường như tin rằng họ có thể tận dụng những điều họ cho là điểm yếu của hệ thống chính trị Mỹ.
"Ngành nông nghiệp khá có ảnh hưởng trong quốc hội", Wang Yong, giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, giải thích lý do tại sao Trung Quốc nhắm vào các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành khi lên kế hoạch đáp trả Mỹ. "Họ muốn để các phe trong chính trường Mỹ tranh cãi với nhau".
Kroeber cho rằng nếu Mỹ lôi kéo được nhiều nước áp thuế với Trung Quốc thì đòn tấn công của họ sẽ có hiệu quả hơn nhưng Trump chưa thể xây dựng được một liên minh đủ vững chắc để làm điều đó.
Trong khi đó, ông Tập đã thành công trong việc thúc đẩy vị thế trên trường quốc tế, thể hiện Trung Quốc là bên bảo vệ các thỏa thuận đa phương, từ vấn đề thương mại toàn cầu đến biến đổi khí hậu - những điều mà Trump muốn từ bỏ.
People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trong một bài xã luận rằng các đòn áp thuế của Trump "hoàn toàn chống lại xu hướng toàn cầu hóa kinh tế". "Giờ họ nhắm mục tiêu vào Trung Quốc, ngày mai, họ có thể nhắm vào các nước khác", bài báo có đoạn viết.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng sử dụng tranh chấp thương mại để nói rằng Mỹ làm vậy nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu. Global Times, phụ san của People’s Daily, lập luận rằng xã hội Trung Quốc đoàn kết hơn Mỹ khi đối diện với nguy cơ chiến tranh thương mại, giúp họ có cơ hội chiến thắng cao hơn.
"Hầu hết người dân Trung Quốc sẽ ủng hộ mọi biện pháp đáp trả mà chính phủ đưa ra, vì họ biết rằng điều đó là cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình. Nước Mỹ thì đang chia rẽ vì vấn đề này, phe đối lập sẽ trỗi dậy khi Mỹ hứng chịu thêm thiệt hại từ chiến tranh thương mại", bài xã luận trên Global Times viết.
Thực tế, năm 2017, giá trị nền kinh tế Mỹ cao hơn đối thủ gần 7 nghìn tỷ USD và sức tăng trưởng của kinh tế Mỹ cũng mạnh mẽ hơn trong khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Dù nói rằng Trung Quốc quyết chiến đấu tới cùng trong chiến tranh thương mại với Mỹ, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu vẫn không loại trừ khả năng giải quyết căng thẳng. "Nếu Trump muốn đàm phán thì cánh cửa vẫn để mở", ông nói.
Phương Vũ