Để tấn công những người sống ở bắc Kavkaz, trong đó có Chechnya, các địch thủ phải đi vòng xuống cực đông của nước cộng hòa này, qua ngả Azerbaijan và Dagestan, hoặc đi đường biển từ Caspian vào, miễn là bộ binh và kỵ binh của họ vượt qua được biển.
Bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy của Oliver Bullough, biên tập viên vùng Kavkaz của Institute for War and Peace Reporting; tác giả cuốn "Hãy để danh tiếng chúng ta chói sáng: Những chuyến đi giữa các dân tộc vùng Kavkaz". |
Nằm giữa hai biển, Đen và Caspian, rặng núi hùng vĩ Kavkaz nhìn xuống những đế chế hùng mạnh ở phương nam: Byzantium, Persia, Alexander Đại đế, Assyria, Mede. Nhưng ngược lại, ở phía bắc, nó dung dưỡng những bộ tộc người sống rất ung dung tự tại không phải lo về áp bức hay ngoại bang. Từ xa xưa, những người dân làng ở bắc Kavkaz tự quản lý mình, không công nhận bất kỳ ông chủ nào, họ cướp bóc lẫn nhau, buôn bán với nhau, an tâm vì đã có dãy Kavkaz chống lưng.
Họ sống như thế cho tới khi người Nga đến. Đế chế Nga thời huy hoàng mở rộng xuống phương nam bằng những cuộc viễn chinh dưới sự chỉ huy của Peter đại đế I, và sau đó là thời Nữ hoàng Catherine. Người Nga đã chiến đấu với người Nogai trên thảo nguyên, với các hậu duệ của hoàng đế Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn, với người Tatar ở Crimea, và cuối cùng là người Chechnya cùng các dân tộc khác ở Kavkaz.
Rặng núi Kavkaz trên bản đồ. |
Cuộc xung đột giữa các đội quân, một bên là quân đội của nhà nước Nga có tổ chức, tập trung, thiện chiến với bên kia là những người Kavkaz sống trên lưng ngựa, vô tổ chức và không đủ khả năng tập hợp để chiến đấu trong phạm vi rộng, là cuộc xung đột văn hóa lớn nhất trong lịch sử châu Âu. Người Nga giành những chiến thắng ban đầu, nhưng chẳng bao lâu sau đó người Chechnya phản công.
"Trong ngôi làng Aldy, một nhà tiên tri xuất hiện và bắt đầu giảng đạo. Ông ta dẫn dắt những kẻ mê tín và ngu muội đi theo ý chí của mình, tuyên bố rằng ông ta có khải huyền", một tướng Nga viết năm 1785.
Quân đội đế chế Nga tiến vào Aldy, muốn hủy diệt ngôi làng, nhưng nhà tiên tri có tên Ushurma mà ngày nay thường được biết đến với danh tính Sheikh Mansur, đã mai phục. Một nửa trong số 3.000 quân binh Nga chết trận, và Mansur trở thành người hùng của cộng đồng Hồi giáo ở Chechnya và vùng láng giềng Dagestan.
Nhưng Mansur không tồn tại lâu. Sau một vài trận thắng, ông ta chạy trốn, bị bắt và cuối cùng chết vì bệnh tật trong một tòa thành gần Saint Petersburg. Mansur là người đầu tiên chỉ ra kẻ thù lớn của người Nga ở vùng Kavkaz - đó là sự kết hợp giữa đạo Hồi với chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Trong suốt một thế kỷ sau đó, các thủ lĩnh tôn giáo miền cao nguyên đã lãnh đạo dân chúng ở Chechnya và Dagestan chống người Nga. Cuộc chiến đấu của họ cũng anh dũng, nhưng thất bại. Bởi họ chống lại nước Nga - một thế lực hùng mạnh từng đánh bại cả Napoleon. Thủ lĩnh cuối cùng của người cao nguyên vùng Kavkaz, Imam Shamil, đầu hàng quân đội của Sa hoàng, và nói khi bị dẫn giải đến trước đối phương năm 1859: "Nếu tôi biết nước Nga lớn như thế, tôi đã không bao giờ chiến đấu chống lại nó".
Shamil cũng nói rất thành thật về người Chechnya, những người đã chiến đấu vì ông ta nhưng không bao giờ tuân lệnh ông ta. Họ luôn chống cự lại việc phải tuân theo ai đó dù là người địa phương hay ngoại bang, mãi cho đến tận ngày nay vẫn thế.
Người Chechnya sống trên vùng đất của chính họ, trên một đất nước thua trận và vì thế văn hóa của họ không có cơ hội phát triển, những miếng đất đai tốt nhất của họ được dành cho người Cossack. Chính quyền của Sa hoàng đã không làm gì để biến những người thảo nguyên hoang dại thành các nông dân hiện đại của nước Nga, và đến năm 1917, khi cách mạng vô sản Nga thành công, những người cộng sản hứa sẽ đem đến cho người Chechnya ánh sáng của một nhà nước mới mà họ sẽ tạo ra.
Hai vợ chồng một phiến quân Chechnya. Người chồng bị quân đội Nga tiêu diệt năm 2009. Một năm sau đó, người vợ 17 tuổi cùng một "góa phụ đen" khác tiến hành vụ tấn công bằng bom vào ga tàu điện ngầm ở Moscow khiến 40 người chết và 90 người bị thương. Ảnh: AP |
"Những người này chịu đựng số phận khắc nghiệt ghê gớm và phải đối mặt nguy cơ tuyệt diệt", một quan chức cấp cao của nhà nước Liên Xô từng phát biểu. Ông xuất thân từ vùng Kavkaz, tên là Josef Djugashvili, thường được gọi là Stalin.
Có những suy nghĩ sai lầm cho rằng người Kavkaz muốn sống cuộc sống của các công dân Xô viết, nhưng thực ra họ không muốn thế. Tình trạng "băng đảng" tiếp tục hoành hành trên những ngọn núi. Năm 1932, khoảng 35.000 người Chechnya bị thanh trừng, và 6 năm sau lại thêm 14.000 người nữa. Đến năm 1944, chính quyền quyết định mạnh tay.
Ngày 23/2/1944, quân đội Liên Xô tiến vào Chechnya, trục xuất nhiều người bằng tàu hỏa, đưa họ đến Trung Á. Có đến 35% số người bị đưa đi đã chết trên đường hoặc khi đến miền đất mới giá lạnh giữa mùa đông. Đây là một thời khắc không thể quên trong lịch sử của người Chechnya. Cho đến khi chính quyền nhận ra đó là sai lầm, thì hầu như người Chechnya nào cũng đã mất người thân. Họ được trở về quê hương năm 1959, và hầu như đều mang theo di hài của thân nhân về quê hương, để họ được an nghỉ trên những sườn núi Kavkaz.
Họ đoàn kết cùng nhau nhờ niềm tin tôn giáo, sống trong những cộng đồng tín hữu khép kín và các nghi thức bí hiểm. Thế hệ lớn lên ở Trung Á nuôi trong mình một mầm mống đau khổ và hận thù. Mầm mống đó gặp đất đai màu mỡ là chính sách perestroika của Mikhail Gorbachev, để rồi nở rộ thành một bản tuyên bố độc lập ngay trong những ngày tàn của Liên bang Xô viết.
Trong số những quyết định của Yeltsin có một quyết định đặc biệt gây ảnh hưởng, đó là tiến hành cuộc chiến tranh chóng vánh chống các phần tử nổi loạn ở Chechnya, nhằm tăng tỷ lệ phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử năm 1994. Ông quyết định điều xe tăng đến Chechnya, nhằm vực dậy sự đoàn kết trong lòng một nước Nga đang bê bối. Năm 1996, Yeltsin lại quyết định điều binh lực mạnh. Nhưng đội quân hùng dũng của Moscow đã bị đánh tơi tả trên những đường phố của Grozny bởi những phiến quân Chechnya.
Nhưng người Chechnya, vốn như xưa, không thể nào tề tựu một chỗ kể cả là dưới ngọn cờ của Aslan Maskhadov - người từng dẫn dắt họ tới chiến thắng bất ngờ về quâ sự trước quân đội Nga. Khi không chịu sức ép từ bên ngoài, họ thôi không đoàn kết nữa, họ quay ra tranh cãi với nhau giữa các nhóm Hồi giáo, các băng đảng mafia, những người theo chủ nghĩa dân tộc và thế tục, và cả giữa những người Chechnya bình thường chỉ muốn sống yên thân.
Năm 1999, người Chechnya tấn công Dagestan với lý do ủng hộ các đồng minh của họ ở đó. Và thế là nhà lãnh đạo mới ở Moscow thấy là quá đủ. Thủ tướng Vladimir Putin không mắc phải một sai lầm nào của Yeltsin, ông không có ý định chiến đấu giữa các ngách phố ở Grozny. Pháo binh Nga san phẳng thủ phủ của Chechnya, phá tan từng khối nhà, khiến đối phương phải thò mặt ra vì không còn chỗ nấp. Phiến quân phải dạt vào rừng núi, nơi họ mất mạng vì mìn, thuốc nổ.
Nhiều nước phương Tây khi đó lên án Nga và dành sự cảm thông cho người Chechnya. Nhưng sự cảm thông cũng biến mất, bởi phiến quân đã dùng đến những biện pháp tàn bạo nhất để ép Moscow đến bàn đàm phán. Phiến quân bắt cóc cả một nhà hát ở Moscow dẫn đến 130 người chết; cuộc khủng bố ở trường học Beslan với hơn 300 người thiệt mạng chủ yếu là trẻ em. Phiến quân cho nổ ga tàu điện ngầm, tàu hỏa, máy bay. Tất cả đều không ăn thua. Moscow xiết chặt vòng kiểm soát, hàng loạt phiến quân trốn chạy, tìm đường sang các nước Tây Âu, vùng Vịnh và Trung Đông.
Một tòa chung cư ở Moscow bị phiến quân Chechnya đánh bom năm 1999. Ảnh: AP |
Đó cũng chính là con đường mà anh em nhà Tsarnaev đã đi và đến kết cục hôm nay. Từ Chechnya qua Kyrgyzstan và Dagestan, cuối cùng đến Boston. Những người đàn ông hoang dã của núi rừng, thích chinh chiến, sống không định hướng, gây một cuộc chiến vô nghĩa ở cách xa nhà hàng nghìn dặm.
Ánh Dương (lược dịch)