
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Việt Nam, tháng 11/2017. Ảnh: Sputnik.
Kết quả hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, một chính trị gia ít kinh nghiệm nhưng khó lường, với Tổng thống Nga Vladimir Putin, một lãnh đạo lâu năm với lập trường cứng rắn, vẫn còn rất khó đoán, theo Business Insider.
Có rất ít hy vọng về việc đạt được đột phá trong hội nghị thượng đỉnh lần này, khi nhiều khía cạnh quan trọng trong quan hệ song phương đã bị sứt mẻ. Dưới đây là những gì lãnh đạo mỗi nước hy vọng đạt được tại cuộc gặp hôm nay ở Helsinki.
Trump kỳ vọng hội nghị hoành tráng
Những gì Trump mong muốn từ Nga vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, theo AP.
Tổng thống Mỹ sẽ tới dự hội nghị giữa những lời xì xầm về quan hệ với Moskva. Tuần trước, khi Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 12 viên chức tình báo quân sự Nga can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 nhằm trợ giúp Trump, những nghi ngờ càng trở nên lớn hơn.
Trong khi hầu hết hội nghị thượng đỉnh có mặt Tổng thống Mỹ đều được lên kế hoạch tỉ mỉ nhằm đạt kết quả thực tế, Trump tới gặp Putin mà không có chương trình nghị sự rõ ràng nào.
"Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ bước vào cuộc họp mà không trông đợi quá nhiều", Trump nói với các phóng viên vào tuần trước.
Điểm quan trọng của cuộc gặp ở Phần Lan đơn giản là tổ chức được một hội nghị thượng đỉnh và tăng cường quan hệ giữa Washington và Moskva cũng như giữa Putin và Trump, người đặt quan hệ cá nhân với các lãnh đạo nước ngoài gần trọng tâm chính sách đối ngoại của mình.
"Việc chúng ta có một hội nghị thượng đỉnh ở cấp độ này, tại thời điểm này trong lịch sử, đã là một kết quả đáng ghi nhận", Jon Huntsman, đại sứ Mỹ tại Nga, nhận xét. "Điều quan trọng ở đây là chúng ta bắt đầu một cuộc thảo luận", ông nói.

Dinh tổng thống ở Helsinki, Phần Lan, nơi lãnh đạo Nga – Mỹ sẽ gặp mặt. Ảnh: AFP.
Bị cuốn hút bởi viễn cảnh một hội nghị thượng đỉnh hoành tráng, Trump bày tỏ sự háo hức được tái hiện ở Helsinki một sự kiện truyền thông tầm cỡ tương đương hội nghị thượng đỉnh ở Singapore tháng trước, khi ông gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Dù được nhiều lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bày tỏ sự ủng hộ, hội nghị thượng đỉnh Helsinki vẫn khiến các nước lo ngại. Họ sợ rằng Trump sẽ rút khỏi các liên minh phương Tây truyền thống và cho phép Putin mở rộng tầm ảnh hưởng.
Tại Mỹ, một số thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội đã kêu gọi Trump hủy hội nghị thượng đỉnh với Putin, giữa bối cảnh các cáo trạng đối với gián điệp Nga được đưa ra.
Tuy nhiên, Trump bảo đảm rằng ông có thể đối phó với Putin, người mà ông coi như "đối thủ" hơn là kẻ thù.
Những ngày gần đây, Trump đã vạch ra một số mục mà ông muốn thảo luận với Putin, bao gồm vấn đề Ukraine. Dù "không vui" về việc Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine, Tổng thống Mỹ đổ lỗi cho người tiền nhiệm và nói sẽ tiếp tục quan hệ với Putin ngay cả khi Moskva từ chối "trả lại bán đảo".
Trump cũng cho biết ông và Putin sẽ thảo luận về cuộc chiến đang diễn ra tại Syria và việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Đây là các nội dung đàm phán mà giới chức Nhà Trắng cho rằng có thể thành công.
Tuy nhiên, vấn đề có thể đóng vai trò trung tâm trong cuộc thảo luận là việc can thiệp bầu cử, bao gồm nỗi lo sợ Nga tìm cách tác động đến cuộc bầu cử giữa kỳ của quốc hội Mỹ vào mùa thu này.
Cơ hội kết thân Putin mong đợi từ lâu
Đối với Putin, hội nghị lần này là cơ hội rất được mong chờ để hàn gắn quan hệ với Washington sau nhiều năm căng thẳng.
Putin muốn Mỹ và các đồng minh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, rút lực lượng NATO đang được triển khai gần biên giới Nga và khôi phục hoạt động thương mại bình thường với Moskva.
Về lâu dài, ông hy vọng sẽ thuyết phục Mỹ thừa nhận ảnh hưởng của Moskva đối với các nước láng giềng thuộc Liên Xô trước đây, cũng như thừa nhận Nga là nhân tố chủ chốt trên trường quốc tế với lợi ích phải được xem trọng.
Đây là những mục tiêu dài hạn và Putin hiểu rằng không thể đạt tiến bộ đáng kể nào chỉ từ một cuộc họp.
Hơn hết, ông nhận thấy hội nghị thượng đỉnh này là một cơ hội để phát triển quan hệ tốt với Trump và thiết lập nền tảng cho các liên lạc cấp cao thường xuyên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải, hàng trước) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện trong khi chuẩn bị chụp ảnh ở hội nghị APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 11/11/2017. Ảnh: AP.
"Quan hệ Nga - Mỹ không chỉ ở mức tệ nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nó chưa bao giờ tồi tệ như bây giờ", Fyodor Lukyanov, chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, bình luận.
"Việc các lãnh đạo của hai cường quốc hạt nhân có khả năng hủy diệt lẫn nhau cũng như hủy diệt phần còn lại của thế giới không gặp mặt là điều nguy hại và bất thường", Lukyanov nhận xét.
Moskva có phần lạc quan khi chứng kiến Trump chỉ trích các đồng minh NATO và cũng như tuyên bố muốn Nga trở lại nhóm các quốc gia công nghiệp hàng đầu G-7, nhưng nước này không quá phấn khích.
Konstantin Kosachev, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Điện Kremlin, viết trên blog rằng Nga sẽ không tham gia các cuộc đàm phán mơ hồ về "những chủ đề hão huyền", chẳng hạn như viễn cảnh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây hoặc Nga trở lại G-7.
Putin biết rằng sẽ là không thực tế khi mong đợi sự công nhận của Mỹ về việc Nga sáp nhập Crimea hay hy vọng Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc dỡ bỏ trừng phạt nhanh chóng. Thay vào đó, ông có thể sẽ tập trung vào các vấn đề có khả năng đạt được thỏa hiệp.
Syria là vấn đề mà Moskva và Washington có khả năng đạt được nhận thức chung, như Mỹ ngầm cho phép quân đội Syria triển khai dọc biên giới với Israel để đổi lấy việc Iran và nhóm Hezbollah rút lực lượng khỏi nước này.
Có rất ít hy vọng cho bất kỳ tiến bộ nhanh chóng nào về các vấn đề thảo luận khác trong cuộc gặp.
Kosachev cho biết sẽ là "vô nghĩa" nếu thảo luận về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ, điều mà Moskva kiên quyết phủ nhận. Ông cũng cảnh báo rằng yêu cầu Nga trả lại Crimea cho Ukraine hoặc thay đổi chính sách ở miền đông Ukraine cũng sẽ không có kết quả.
Về kiểm soát vũ khí, Mỹ và Nga có thể đạt được thỏa thuận về phần mở rộng của hiệp ước START mới, dự kiến hết hạn vào năm 2021, bao gồm số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai ở mức 1.550 cho mỗi nước.
Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung, được tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký năm 1987, được cho là kéo dài vô thời hạn nhưng đang ngày càng trở nên rắc rối. Mỹ cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước khi phát triển một tên lửa hành trình mới, điều mà Moskva phủ nhận.
Nga cam kết tuân thủ cả hai hiệp ước nhưng không còn tập trung nhiều vào các thỏa thuận kiểm soát vũ khí như trước đây, khi nước này cố gắng duy trì năng lực hạt nhân ngang ngửa với Mỹ.
Sau khi than phiền về kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ là mối đe dọa lớn đối với Nga, Putin đã công bố một loạt siêu vũ khí mới mà ông khẳng định sẽ làm cho lá chắn tên lửa của Mỹ trở nên vô dụng.
"Nga yếu hơn và kẻ yếu luôn tìm cách dựa vào luật pháp quốc tế. Nhưng tình hình giờ đã khác và Nga đang tự tin hơn nhiều", Lukyanov nói.
Tuyết Mai