Nhưng không sự kiện nào tương xứng về sự kết hợp độc đáo giữa màn đụng độ trên đường phố và những cuộc cạnh tranh quyền lực nội bộ đang diễn ra ở Iran.
![]() |
Người biểu tình ủng hộ Mousavi mang dải băng màu xanh lá cây trên đường phố. Ảnh: Reuters. |
Tình hình càng trở nên nguy hiểm và khó đoán hơn bởi cuộc bầu cử và hậu quả của nó dường như làm mọi đối thủ phải bất ngờ, buộc họ phải liên tục ứng biến trước tình hình thay đổi chóng mặt. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và Thủ lĩnh tối cao Ayatullah Ali Khamenei có vẻ đã phải lùi bước trước cơn sốt ủng hộ ứng viên tổng thống đối lập Mir-Hossein Mousavi. Quyết định công bố chóng vánh chiến thắng cho Ahmadinejad đã làm dấy lên làn sóng phản đối chưa từng có, buộc Khamenei phải yêu cầu điều tra gian lận trong bầu cử.
Cho dù đã ra tay trấn áp những người biểu tình và bắt một số nhân vật chính trị, các lực lượng an ninh vẫn phải dè chừng không tung ra hết sức mạnh đối với những người phản đối. Việc đếm lại phiếu bầu đã mang đến cho Khamenei thêm chút thời gian, nhưng cuộc khủng hoảng về quyền lực của những người đang nắm quyền vẫn đang lớn dần theo từng ngày.
Bạo lực và nguy cơ bạo lực không khiến những người biểu tình nản lòng và Mousavi cũng không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ lùi bước. Khamenei có vẻ đang giằng co giữa các cách thức thỏa hiệp, làm sao để thuyết phục Mousavi chấm dứt biểu tình trong khi vẫn giữ Ahmadinejad trên ghế tổng thống. Nhưng kết cục của cuộc đấu trí này có thể phải phụ thuộc vào cách những người trong cuộc xử lý để có sự cân bằng giữa các lực lượng trên đường phố và trong chính trường.
Dưới đây là những kịch bản cho sự kết thúc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Iran, cũng những đánh giá về tính khả thi của chúng.
Một: Cuộc cách mạng 2.0
Nhiều người nghĩ đến tình huống như cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 ở Iran. Một phong trào biểu tình không vũ trang chỉ có thể lật đổ một chế độ đang nắm quyền với điều kiện các lực lượng an ninh đảo chính hoặc giữ thái độ trung lập. Nhưng các lực lượng an ninh chủ chốt của Iran đều ủng hộ Ahmadinejad. Và họ hầu như chưa sử dụng một chút nào trong sức mạnh của mình. Dù phe đối lập ngày càng thu hút nhiều người ủng hộ, thì vẫn có hàng triệu người Iran ủng hộ mạnh mẽ Ahmadinejad. Vì vậy, chính phủ không thể phá được phe đối lập, và phe đối lập cũng không thể nào lật đổ được chính phủ.
Hai: "Cách mạng nhung" ở Tehran
Những ngôn ngữ cứng rắn mà Ahmadinejad sử dụng để miêu tả phe đối lập cùng hơi hướng của một "cuộc cách mạng nhung" theo phong cách Đông Âu, có vẻ như sẽ dẫn đến một kết cục là cuộc càn quét đẫm máu. Điều đó sẽ xảy ra nếu lực lượng quân đội được triển khai ồ ạt. Rõ ràng, việc sử dụng bạo lực ở mức kiềm chế của Ahmadinejad cho tới nay không thể khiến Mousavi và những người ủng hộ e sợ.
Sử dụng sức mạnh quân sự có thể quét sạch đường phố, nhưng tai tiếng của một cuộc đàn áp sẽ là một vết thương chí tử đối với uy tín của chính quyền đương thời, vốn do các giáo sĩ dòng Shi'ite đỡ đầu. Một cuộc đàn áp sẽ có nguy cơ giảm uy tín của đế chế dựa trên uy quyền của các giáo sĩ.
Ba: Khamenei để hai ứng viên cạnh tranh trực tiếp
Khamenei mập mờ khi tuyên bố vị trí của mình là Thủ lĩnh tối cao - có nghĩa là "trên mọi người, dưới một người". Ông công nhận một cách chóng vánh chiến thắng của Ahmadinejad và yêu cầu mọi người dân Iran chấp nhận. Nhưng sự bất ổn gia tăng ngoài đường phố khiến Khamenei phải lùi bước và yêu cầu tiến hành điều tra về gian lận bầu cử. Nếu sự kết hợp của biểu tình leo thang và sự phản đối của các thành viên trong chính phủ buộc Khamenei kết luận rằng chiến thắng của Ahmadinejad là không chính đáng, ông sẽ phải yêu cầu bầu cử lại, hoặc, điều chỉnh kết quả để không ai chiếm đa số và Ahmadinejad và Mousavi sẽ phải cạnh tranh trực tiếp.
Với sự cứng rắn của Ahmadinejad cùng sự ủng hộ của lực lượng an ninh ở phía sau, Khamenei có nhiều khả năng tìm đến một thỏa hiệp sao cho Ahmadinejad vẫn tại chức.
Bốn: Bắt chước Zimbabwe
Một sự lựa chọn nữa có lẽ là dàn xếp một thỏa thuận tương tự cách giúp tổng thống Zimbabwe - Robert Mugabe - nắm quyền cho dù gần như thua trong cuộc bầu cử, theo đó yêu cầu phe đối lập chịu vào một vị trí quan trọng nhưng thấp hơn tổng thống trong chính phủ.
Bằng cách đó, Khamenei hy vọng phe đối lập sẽ bị mềm lòng khi được giao một vị trí trong chính quyền, đồng thời cam kết một cách thức điều hành ôn hòa hơn của Ahmadinejad. Tuy nhiên, viễn cảnh này chỉ khả thi khi Mousavi tin rằng mình thực sự thất bại trong cuộc chiến và sẽ bị bất lợi hơn nếu để người biểu tình tiếp tục ra ngoài đường phố. Nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy phe đối lập cảm thấy mình thất thế.
Diệu Minh (theo Time)