Liên minh do Mỹ dẫn đầu ngày 7/2 không kích và pháo kích lực lượng thân chính phủ Syria, khiến hơn 100 chiến binh thân chính quyền thiệt mạng. Cuộc tấn công được thực hiện sau khi lực lượng liên kết với Tổng thống Bashar al-Assad tấn công vào trụ sở Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nơi có sự hiện diện của các cố vấn Mỹ, theo Washington Post.
Đây là cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất liên quan đến Mỹ và Syria kể từ khi quân đội Mỹ bắt đầu triển khai tới đông bắc Syria vào cuối năm 2015 để hỗ trợ các chiến binh người Kurd và Arab chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Chính phủ Syria và đồng minh Iran đã liên tục kêu gọi quân đội Mỹ rời Syria khi cuộc chiến chống IS đã gần kết thúc. Họ thường xuyên đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh để đẩy người Mỹ ra ngoài nếu họ không rời đi.
Tuy nhiên, chính quyền Trump tháng trước công bố chiến lược mới cho Syria, khẳng định quân đội Mỹ sẽ vẫn ở đông bắc Syria, khu vực nhiều dầu mỏ nhất của quốc gia này, cho đến khi có một thỏa thuận hòa bình kết thúc cuộc nội chiến ở Syria, bao gồm sự chuyển giao quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad.
Không có dấu hiệu cho thấy thỏa thuận hòa bình đó sẽ sớm đạt được. Việc quân đội Mỹ tiếp tục ở lại Syria để hậu thuẫn lực lượng người Kurd khiến Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran và chính phủ Syria xích lại gần nhau trong một liên minh để chống lại sự hiện diện của Mỹ.
"Mỹ đang bị sa lầy", Robert S. Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Syria, hiện là thành viên cao cấp của Viện Trung Đông, nhận xét. "Mỹ đã tự cô lập mình đến mức Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria đều đồng ý rằng những gì Mỹ đang làm ở Syria là xấu", ông nói.
Nhiều người trong quốc hội Mỹ cũng đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu sự hiện diện của Mỹ ở vùng đông bắc Syria có nguy cơ khiến Mỹ ngày càng tham gia sâu vào cuộc chiến tại Syria hay không.
Thượng nghị sĩ Tim Kaine nói rằng vụ không kích "đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về sự hiện diện của chúng ta ở Syria". "Tôi rất lo ngại rằng chính quyền Trump đang cố tình tham gia vào một cuộc xung đột lớn hơn mà không thông qua ý kiến của quốc hội và không có mục tiêu rõ ràng".
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis bác bỏ việc cuộc tấn công thể hiện sự can thiệp sâu của Mỹ trong cuộc nội chiến Syria. "Chúng tôi ở đó để chống IS", ông nói. "Đó là những gì quân đội Mỹ đang làm. Nếu người Mỹ "tham gia nhiều hơn vào cuộc xung đột thì chúng tôi đã di chuyển sang phía bên kia sông Euphrates để tiếp tục chiến đấu với lực lượng ủng hộ chính phủ Syria rồi".
Nhưng chiến sự vẫn tiếp tục trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy mạnh cuộc tiến công vào khu vực Afril ở tây bắc Syria để chiến đấu với dân quân người Kurd. Ankara cũng đang đe doạ tấn công các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn ở phía đông, xung quanh thị trấn Manbij, nơi quân đội Mỹ thường xuyên tuần tra. Ở tây Syria, lực lượng chính phủ Syria do Nga và Iran hậu thuẫn cũng đang tập trung chiến đấu với phiến quân chống chính quyền.
Nếu căng thẳng vẫn tiếp tục, SDF và các cố vấn quân sự Mỹ sẽ phải chiến đấu ở ba mặt trận - chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, IS và liên minh chính phủ Syria. Lực lượng của chúng tôi đang "bị tấn công từ mọi phía", Kino Gabriel, phát ngôn viên của SDF ở đông bắc Syria nói.
"Có nhiều mặt trận tại Syria và nhiều người đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm mà không có giải pháp", Panos Moumtzis, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho cuộc khủng hoảng Syria, nhận xét.
Phương Vũ