Putin hôm nay nhậm chức, bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Nga thứ tư sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng ba. Chính phủ mới của ông có nhiệm vụ hoàn thành các mục tiêu đầy tham vọng mà Putin vạch ra trước quốc hội hai tháng trước, bao gồm cắt giảm tỷ lệ nghèo, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, cải thiện y tế, gia tăng tuổi thọ và thúc đẩy công nghệ để biến đổi nền kinh tế.
Ông cũng hứa hẹn về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 4% mặc dù các chuyên gia chỉ dự báo tỷ lệ này là 1-2% và nhấn mạnh mục tiêu quan trọng là tăng thu nhập cho người dân. Trong diễn văn nhậm chức, Putin kêu gọi người Nga sử dụng tất cả cơ hội để tạo ra những đột phá kinh tế và công nghệ nhằm "tăng khả năng cạnh tranh trong những lĩnh vực xác định tương lai."
Tuy nhiên, lãnh đạo 65 tuổi không giải thích cụ thể làm thế nào để đạt được những mục tiêu này. Thực tế, nền kinh tế Nga đang có dấu hiệu khởi sắc, tỷ lệ lạm phát tháng 12/2017 xuống thấp kỷ lục, đạt mức 2,5%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng duy trì ở mức tương đối thấp 5,1%. Ngân hàng UBS, Thụy Sĩ, dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong hai năm tới sẽ tiếp tục tăng.
Ngân hàng J.P. Morgan ước đoán đồng rúp của Nga sẽ không có nhiều biến động trong lúc giá dầu ổn định dần, góp phần thu hút dòng vốn đầu tư. Dù vậy, khôi phục kinh tế vẫn là một nhiệm vụ đầy khó khăn đối với chính quyền Putin và nó cần đến sự cải tổ về cấu trúc, theo AFP.
Nga cần giải quyết tình trạng thiếu nhân lực và gánh nặng lương hưu, đa dạng hóa nền kinh tế để giảm phụ thuộc vào năng lượng, cụ thể là đầu tư vào các doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh nhỏ, cũng như khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như robot, công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo, theo Chris Weafer, người sáng lập công ty tư vấn Macro Advisory.
Oleg Kouzmin, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, cho biết cộng đồng kinh doanh tại Nga hy vọng "các cải cách cụ thể và kế hoạch phát triển với các bước thực tế" sẽ được vạch ra sau lễ nhậm chức của Putin. Họ mong chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp để "giải quyết sự yếu kém của thị trường lao động" cũng như những yếu kém trong giáo dục và y tế. Việc hỗ trợ nhà đầu tư và phát triển tài chính tại các khu vực của Nga cũng sẽ được hoan nghênh.
Weafer đánh giá tranh luận công khai về tài chính cho cơ sở hạ tầng, thuế và chi tiêu công trong lĩnh vực giáo dục và y tế có thể diễn ra khi nhiệm kỳ mới của Putin bắt đầu. Tuy nhiên, Weafer nói rằng "không thực tế" khi hy vọng rằng những cải cách sâu sắc sẽ được đưa ra.
"Cải cách ở Nga sẽ tiếp tục tiến triển theo những bước nhỏ để không gây bất ổn hay hậu quả không lường trước", ông nói. "Tổng thống Putin rõ ràng thích một cách tiếp cận thận trọng".
Putin cũng thừa nhận nhiều thách thức đang chờ đợi ông trong thời đại mới trong diễn văn nhậm chức. Ông mô tả thời điểm hiện tại là thời kỳ có nhiều thay đổi hỗn loạn và nhấn mạnh "con đường phía trước không dễ dàng".
Quan hệ với phương Tây
Nhiệm kỳ mới của Putin bắt đầu khi Moskva vẫn đang trong thế đối đầu với phương Tây về nhiều vấn đề, trong đó có việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014, ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine và hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Thái độ cứng rắn của Moskva đối với phương Tây càng được củng cố sau khi Nga bị cáo buộc đầu độc cựu điệp viên ở Anh và can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng tình hình này khó thay đổi trong nhiệm kỳ mới.
"Đối với Putin, bất kỳ sự nhượng bộ nào cũng là dấu hiệu của sự yếu đuối. Vì vậy chúng ta không nên kỳ vọng rằng ông ấy sẽ thay đổi chính sách đối ngoại", Konstantin Kalachev, người đứng đầu nhóm tư vấn chính trị tại Moscow, cho biết.
"Ngoài ra, chính sách đối ngoại là một trong những nền tảng chính khiến ông nhận được nhiều sự ủng hộ trong nước. Putin cần phải đảm bảo sự đoàn kết của người dân, vì vậy, ông ấy cần có đối thủ ở bên ngoài để khơi gọi lòng tự tôn dân tộc", Kalachev nói thêm.
Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị độc lập Dmitry Oreshkin nói rằng cách tiếp cận của Tổng thống Nga đối với cộng đồng quốc tế sẽ phải thay đổi trong nhiệm kỳ này. "Nga đã không bị cô lập đến như vậy kể từ Chiến tranh Afghanistan", ông nói, nhắc đến can thiệp quân sự của Liên Xô tại Afghanistan năm 1979 -1989.
"Nhiệm vụ của ông ấy giờ đây không phải là mang về vùng đất mới cho Nga mà là khiến thế giới phải lưu ý đến lợi ích của Nga và chấp nhận những điều họ đã đạt được", Oreshkin nhận xét.
Phương Vũ