Sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 1/1 trong bài phát biểu năm mới khẳng định nút kích hoạt hạt nhân luôn nằm trên bàn ông làm việc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập tức đáp trả. Trên mạng xã hội Twitter ngày 2/1, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh ông "cũng có nút kích hoạt hạt nhân nhưng nó to và uy lực hơn nhiều" của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Bình luận từ Tổng thống Mỹ đã vấp phải không ít ý kiến phản đối. Những người chỉ trích Trump cho rằng chiến lược ngoại giao Twitter ông đang thực hiện đã đủ tồi tệ nhưng chiến lược hạt nhân thông qua Twitter còn tồi tệ gấp nhiều lần và có thể dẫn tới những hệ lụy khủng khiếp. Giới phân tích lo sợ hành động của ông sẽ gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Mỹ với các nước trên toàn cầu, thậm chí dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân, theo USA Today.
"Những dòng tweet mới nhất từ Tổng thống Trump sẽ khiến các nhà lãnh đạo thế giới tin rằng ông ấy không chỉ bất ổn, thiếu tin cậy mà còn thực sự nguy hiểm", chuyên gia về chính sách hạt nhân Joe Cirincione nhận xét.
Đối với Eliot Cohen, quan chức cấp cao dưới thời chính quyền George W. Bush, phản ứng của ông Trump với dòng tweet "khoe" nút bấm hạt nhân giống như từ "một đứa trẻ 10 tuổi", ông chia sẻ. Kori Schake, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đánh giá "tính khí trẻ con" này rất "nguy hiểm" nếu xét trên khía cạnh chính sách ngoại giao và nó còn trở nên đặc biệt nguy hiểm khi liên quan tới các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Sự thiếu thận trọng của Tổng thống không những tạo ra nguy cơ chiến tranh mà còn khiến Mỹ đánh mất đi sự ủng hộ từ các đồng minh trong trường hợp chiến tranh thật sự bùng nổ", Schake nói. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ khiến họ cảm thấy ngại ngần khi chia sẻ thông tin tình báo về những mối đe dọa với Mỹ bởi lo ngại chúng có thể dẫn đến xung đột không mong muốn.
Tổng thống Trump và các cố vấn nói họ muốn giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình nhưng việc nhắc tới kích cỡ nút kích hoạt hạt nhân chắc chắn đã làm gia tăng tâm lý lo âu cả bên trong lẫn bên ngoài nước Mỹ, cây bút David Jackson từ USA Today nhận định.
Chính quyền Tổng thống Trump nói họ không muốn dùng tới sức mạnh quân sự nhưng chưa bao giờ loại bỏ lựa chọn này. Hồi tháng 8, Triều Tiên đe dọa tấn công Guam, lãnh thổ hải ngoại của Mỹ, bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Lúc bấy giờ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh báo thiệt hại về người trong một cuộc xung đột hạt nhân "sẽ vô cùng thảm khốc".
Theo David Rothkopf, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao thuộc Đại học Johns Hopkins, những dòng tweet Tổng thống Trump đăng tải rõ ràng sẽ khiến đồng minh của Mỹ băn khoăn vì "chúng cho thấy ông ấy là người thất thường và cực đoan". "Chúng cũng sẽ khiến kẻ thù của ta phản ứng nguy hiểm vì cùng lý do này", Rothkopf cho biết.
Nỗi lo lắng lớn nhất hiện nay là việc những phát ngôn mạnh miệng của Tổng thống Trump dễ bị đối thủ hiểu sai, từ đó dẫn tới một cuộc xung đột hạt nhân nghiêm trọng.
Hồi năm 2016, ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton đã nói: "Một người đàn ông mà bạn có thể đánh lừa bằng một dòng tweet là một người đàn ông bạn không thể tin tưởng giao phó vũ khí hạt nhân". Sự thiếu tin tưởng ấy còn có khả năng dẫn tới những hệ lụy khác, bao gồm sự suy yếu của những liên minh có Mỹ tham gia, Jackson bình luận. Mỹ giờ đây sẽ gặp khó khăn hơn trên con đường hiện thực hóa những mục tiêu toàn cầu, như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hay cải thiện hệ thống thương mại quốc tế.
Ngoài lời tuyên bố về nút kích hoạt hạt nhân, Tổng thống Trump còn khiến ngày 2/1 vừa qua thêm phần kịch tính khi ông ẩn ý kêu gọi truy tố Huma Abedin, cựu trợ lý của bà Clinton, và cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey. Ông đe dọa cắt viện trợ cho Pakistan và chính quyền Palestine. Cuối cùng, ông không quên chỉ trích truyền thông.
Theo Cirincione, những dòng tweet đầy mùi đe dọa của Tổng thống Trump "có thể khiến các đồng minh rời xa Mỹ, bắt đầu từ Hàn Quốc và châu Âu, đồng thời khiến những đối thủ đi đến kết luận rằng họ không thể đàm phán hay thỏa thuận với Mỹ".
Giới phân tích đánh giá các đồng minh của Mỹ sẽ không tránh khỏi thấy phân vân khi chia sẻ thông tin về các hoạt động quân sự và tình báo với một tổng thống mà họ cho là bốc đồng, thất thường.
Đồng minh sẽ "không thoải mái", bà Julianne Smith, giám đốc Chương trình An ninh Xuyên Đại Tây Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, trụ sở ở Washington, cho hay. "Họ không đảm bảo được rằng ông Trump sẽ bảo vệ những thông tin tuyệt mật đến cùng".
Trong khi đó, Tổng thống Trump nhiều lần quả quyết ông sẽ không bao giờ từ bỏ Twitter bởi đây là con đường tốt nhất giúp ông vượt qua truyền thông để tiếp cận cử tri.
Hồi cuối tuần trước, Trump khẳng định ông dùng mạng xã hội "không phải bởi vì thích chúng mà bởi đây là cách duy nhất để chống lại truyền thông rất thiếu trung thực và thiếu công bằng".
Vũ Hoàng