Triều Tiên lâu nay vẫn cho thấy họ là một quốc gia hiếu chiến thông qua các chiến dịch tuyên truyền và ngoại giao tràn ngập những lời đe dọa, lăng mạ và châm biếm đối thủ. Nhưng với hành động công kích đích danh Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/9, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đẩy chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của quốc gia này lên tầm cao mới nhưng cũng tạo ra mối nguy hiểm mới, theo New York Times.
Trong một tuyên bố sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất được đăng tải trên báo nhà nước Triều Tiên và kênh truyền hình quốc gia, ông Kim gọi ông Trump là "gã người Mỹ lẩm cẩm bị rối loạn tâm thần", người "đã phủ nhận sự tồn tại của đất nước tôi cũng như xúc phạm đất nước tôi trước toàn thế giới". Nhà lãnh đạo Triều Tiên thề sẽ "đáp trả bằng biện pháp khắc nghiệt nhất lịch sử".
Theo giới quan sát, quyết định công kích cá nhân nhằm vào bài phát biểu mà Tổng thống Trump đưa ra trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9 và thề trả đũa có thể khiến những căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân Triều Tiên leo thang theo cách chưa từng thấy.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên để bảo vệ Mỹ và đồng minh, đồng thời gọi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là "người tên lửa đang thực hiện một nhiệm vụ tự sát".
Khẩu chiến
Dù không đề cập tới vũ khí hạt nhân, đặt trong bối cảnh hiện nay, tuyên bố từ ông Kim vẫn là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy chính quyền Triều Tiên không có ý định thoái lui hay thỏa hiệp, ngay cả khi chiến tranh cận kề, cây bút Choe Sang-hun từ NYTimes nhận định.
Ông Kim khẳng định lời đe dọa từ Tổng thống Trump "chẳng những không khiến ông sợ hãi hay chùn bước" mà còn giúp xác nhận con đường nhà lãnh đạo Triều Tiên lựa chọn là hoàn toàn chính xác và ông sẽ "theo đuổi nó đến cùng".
Không lâu sau bình luận của ông Kim, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho lập tức đưa ra cảnh báo Bình Nhưỡng có khả năng sẽ "thực hiện một vụ thử bom nhiệt hạch lớn nhất từ trước tới nay trên Thái Bình Dương".
Ông Ri chắc chắn không thể công bố thông tin chấn động trên nếu không có sự chấp thuận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, giới phân tích hoài nghi liệu Triều Tiên có đủ công nghệ hay sự liều lĩnh chính trị để thực hiện một vụ thử nghiệm hạt nhân táo bạo như vậy hay không.
Tổng thống Mỹ hôm qua tiếp tục đáp trả nhà lãnh đạo Triều Tiên bằng một đòn công kích cá nhân khác. Trên mạng xã hội Twitter, ông chủ Nhà Trắng quả quyết rằng ông Kim "rõ ràng là một gã điên".
Hệ quả khó lường
Triều Tiên thường phát các thông báo nhân danh chính quyền hay quân đội và từ thời điểm lên nắm quyền hồi năm 2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn đọc diễn văn thường niên nhân dịp Năm Mới. Song tuyên bố hôm 22/9 là lần đầu tiên ông Kim công khai công kích một lãnh đạo nước ngoài. Cha và ông nội ông cũng chưa từng có phát ngôn nào trực diện như vậy, theo giới chức Hàn Quốc.
Kết quả là tình thế đối đầu giữa Triều Tiên với Mỹ đã bị biến thành cuộc đấu tay đôi giữa Kim Jong-un và Donald Trump, giới phân tích nhận xét.
"Điều này chưa từng có tiền lệ", Paik Hak-soon, nhà phân tích lâu năm về Triều Tiên tại Viện Sejong, ngoại ô thủ đô Seoul, Hàn Quốc, đánh giá, nhắc tới tuyên bố từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. "Đấy là cách mà lãnh đạo tối cao Triều Tiên hành động, ông Kim Jong-un phải phản ứng cứng rắn khi mà kẻ thù ngày càng đối đầu quyết liệt hơn, như cách ông Trump đang làm".
"Người Triều Tiên không có khái niệm khuất phục", ông Park nói. "Đó là điểm cốt lõi trong phong cách lãnh đạo cũng như động cơ của họ".
Tới nay, lãnh đạo Triều Tiên đã kiềm chế tung đòn công kích cá nhân nhằm vào Tổng thống Mỹ, ngay cả khi ông Trump gọi ông là "kẻ điên rồ", "hành động điên khùng" hay gần đây nhất là "người tên lửa".
Hôm 22/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói ông coi những phát ngôn mới nhất từ Tổng thống Mỹ là đòn công kích cá nhân, đồng thời cáo buộc ông Trump đưa ra "tuyên bố chiến tranh hung hăng nhất trong lịch sử".
Ông Kim cũng thêm rằng giọng điệu hiếu chiến của ông Trump chỉ cho thấy hình ảnh một nước Mỹ yếu đuối bởi "một con chó sợ hãi thường sủa to hơn".
Theo ông Koh Yu-hwan, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul, đối mặt với những lời đe dọa hủy diệt từ ông Trump, ông Kim chỉ có cách duy nhất là đáp trả lại với một mức độ cứng rắn tương ứng.
"Khi ông Trump đứng trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và đe dọa hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên, ông Kim Jong-un coi đó như lời tuyên bố của Mỹ trước thế giới về ý định dùng hành động quân sự đối phó đất nước ông", Koh bình luận. "Ông ấy phải đáp trả tương ứng, tung ra những quả bom ngôn từ tương tự".
Giới chuyên gia đánh giá vì đã đặt cả danh dự vào lời tuyên bố, ông Kim giờ đây chắc chắn không thể rút lui. Thay vào đó, chính quyền Triều Tiên sẽ tiến hành thêm nhiều vụ thử hạt nhân và tên lửa hơn nữa.
Trump cảnh báo Mỹ có thể phải 'hủy diệt hoàn toàn' Triều Tiên.
"Trump đã tự bắn vào chân mình với bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc", Lee Sung-yoon, chuyên gia Triều Tiên tại Trường Fletcher về Luật và Ngoại giao thuộc Đại học Tufts, nhận xét. "Bằng lời đe dọa hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên, ông ấy tạo ra ấn tượng trên khắp thế giới rằng chính Mỹ, không phải Triều Tiên, mới là bên gây hấn. Hệ quả là ông Trump đã trao cho ông Kim Jong-un cái cớ để tung thêm những đòn gây hấn mạnh mẽ hơn".
"Kim sẽ tận dụng cơ hội và tuyên bố rằng đấy là 'hành động tự vệ' trước lời đe dọa khó lường từ Trump", Lee nhấn mạnh.
Vũ Hoàng