Tờ New York Times phân tích về những động thái mới nhất của hải quân Trung Quốc trong thời gian gần đây và tác động của chúng đối với các nước trong khu vực châu Á.
Theo các quan chức quân đội và giới phân tích, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sức mạnh hải quân ra bên ngoài bờ biển - từ các cảng dầu ở Trung Đông cho đến các tuyến hàng hải ở Thái Bình Dương - vốn là địa bàn kiểm soát của hải quân Mỹ.
Bắc Kinh gọi chiến lược mới là “phòng vệ xa bờ”, và tốc độ cải thiện khả năng hoạt động tầm xa của Trung Quốc khiến rất nhiều quan chức quân đội nước ngoài phải ngạc nhiên.
Chiến lược mới là một bước chuyển biến lớn so với học thuyết truyền thống trong đó sức mạnh của hải quân chỉ nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến xung quanh đảo Đài Loan hoặc bảo bệ bờ biển của Trung Quốc. Giờ đây các đô đốc Trung Quốc nói rằng họ muốn các tàu chiến phải hộ tống cho tàu thương mại, từ nơi xa xôi như vịnh Persian cho đến gần như eo biển Malacca, bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên các vùng biển giàu tài nguyên ở phía đông và nam Trung Quốc.
Cuối tháng 3 vừa rồi, hai tàu chiến của Trung Quốc đã cập cảng Abu Dhabi, đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc ghé thăm một cảng ở Trung Đông.
Máy bay hải quân và tàu chiến Trung Quốc trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập hải quân nước này. Ảnh: guardian.co.uk. |
Chiến lược tổng thể của hải quân Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng tự tin và sẵn sàng khẳng định quyền lợi của họ ở nước ngoài. Tham vọng của hải quân Trung Quốc cũng thể hiện rất rõ mỗi khi chạm với Mỹ. Một quan chức cấp cao Mỹ kể rằng cac quan chức Trung Quốc từng nói riêng với ông rằng Bắc Kinh sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài vào vấn đề Biển Đông.
Hiện nay Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và cũng là khách hàng khổng lồ tiêu thụ dầu và các tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, có lẽ Bắc Kinh cũng không còn bằng lòng với việc phó mặc vấn đề an ninh đường biển cho Mỹ nữa, và định nghĩa của nước này về lợi ích cốt lõi đã được mở rộng cùng với quyền lực kinh tế của họ.
Cuối tháng 3 vừa qua, đô đốc Robert F. Willard, Tổng tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, phát biểu trong một buổi điều trần trước quốc hội Mỹ rằng những bước phát triển gần đây của quân đội Trung Quốc là “rất mạnh mẽ”. Trung Quốc cũng vừa thử tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng tiêu diệt hàng không mẫu hạm. Và sau nhiều lần phủ nhận, gần đây giới chức Bắc Kinh khẳng định họ sẽ triển khai một đội hàng không mẫu hạm trong vài năm tới. Trung Quốc cũng đang phát triển một hạm đội ngầm tinh vi để ngăn chặn các tàu hải quân nước ngoài xâm nhập vùng biển chiến lược nếu xảy ra xung đột trong khu vực.
Phía nam đảo Hải Nam trên Biển Đông có một căn cứ tàu ngầm mới của Trung Quốc. Căn cứ này cho phép các tàu ngầm xuống tới vùng nước sâu trong vòng 20 phút và đi quanh Biển Đông. Đây là nơi có các tuyến hàng hải thương mại nhộn nhịp nhất thế giới, đồng thời cũng có nguồn dầu mỏ và khí gas tự nhiên lớn - tâm điểm các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Điều này gây quan ngại cho không chỉ các đô đốc hải quân Mỹ mà còn cho quan chức các nước Đông Nam Á - những nước đang lặng lẽ mua thêm nhiều tàu ngầm, tên lửa và vũ khí. Ông Huan Jing, một nhà nghiên cứu về quân sự Trung Quốc tại trường Đại học quốc gia Singapore bình luận: “Chúng tôi như bị mù. Chúng tôi cứ nghĩ quân đội Trung Quốc lạc hậu hơn mình tới 20 năm. Rồi đột nhiên nhận ra rằng Bắc Kinh đang đuổi kịp".
Trung Quốc cũng gây sức ép đối với Mỹ khi nhắc đến các tuyên bố của họ về vấn đề chủ quyền. Tháng 3 vừa rồi, giới chức cấp cao Trung Quốc nói với ông Jeffrey A. Bader và James B. Steinberg - hai quan chức Mỹ - rằng Trung Quốc sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào vào Biển Đông, nơi Trung Quốc coi là "lợi ích cốt lõi" về chủ quyền, ngang với Đài Loan hay Tây Tạng. Xem tiếp >
Hà Thu