Số lượng chủ doanh nghiệp, du khách và sinh viên đến Mỹ đang giảm, đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể phát triển theo những hướng khó đoán và tốn kém, theo Washington Post.
Sự suy giảm mới này không phải là kết quả từ hành động chính thức của Bắc Kinh. Tuy nhiên, nó làm nổi bật một vũ khí lớn mà Trung Quốc có thể sử dụng nếu chiến tranh thương mại tiếp diễn: cắt giảm 60 tỷ USD mà người Trung Quốc chi tiêu mỗi năm cho các dịch vụ của Mỹ như đi lại và du lịch.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, số người Trung Quốc nhận được thị thực kinh doanh, giải trí và giáo dục từ tháng 5 đến tháng 9 năm nay đã giảm 102.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, tức 13%. Lượng người Trung Quốc đặt vé các chuyến bay đến Mỹ giảm 42% trong tuần đầu tiên của tháng 10, thời điểm họ có kỳ nghỉ dài ngày.
Không giống như thương mại hàng hóa mà Trump phàn nàn về thâm hụt lớn với Trung Quốc, Mỹ hưởng thặng dư thương mại dịch vụ đáng kể, khiến lĩnh vực này trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương nếu cuộc chiến thương mại kéo dài. "Chúng tôi đoán rằng họ sẽ thử một loạt biện pháp để khiến chúng tôi chùn bước", một quan chức Mỹ giấu tên nói.
Nguy cơ tẩy chay
Trung Quốc từng biến du lịch thành vũ khí. Trong căng thẳng ngoại giao với Hàn Quốc năm ngoái, Bắc Kinh cấm bán các tour du lịch trọn gói đến Seoul và đảo Jeju. Cuộc tẩy chay khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc thiệt hại gần 7 tỷ USD chỉ trong vài tháng, vì du khách Trung Quốc tuân theo chỉ đạo của chính phủ là tìm điểm du lịch khác.
Nếu bị tẩy chay, Mỹ sẽ mất đi các khách hàng giúp họ kiếm lời. Du khách Trung Quốc chi trung bình 6.900 USD cho mỗi chuyến đi. Các trường đại học Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng vì ngày càng có nhiều sinh viên Trung Quốc theo học ở đây. Năm ngoái, 350.000 sinh viên Trung Quốc đã sang Mỹ học đại học.
Tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, một trong những lựa chọn phổ biến nhất cho sinh viên từ Bắc Kinh hay Thượng Hải, lượng sinh viên Trung Quốc năm ngoái là 5.845 người, so với con số 950 vào 10 năm trước đó. Các trường Mỹ thích sinh viên nước ngoài vì họ thường trả học phí cao hơn so với người bản địa.
Nếu Trung Quốc quyết định mở rộng cuộc chiến thương mại bằng cách hạn chế chi tiêu của công dân trong đi lại, du lịch, dịch vụ tài chính hoặc hợp đồng tư vấn, Mỹ sẽ "lĩnh đòn" nhanh hơn là việc Bắc Kinh đánh thêm thuế đối với hàng hóa Mỹ, theo Joy Dantong Ma, nhà nghiên cứu tại Viện Paulson ở Chicago.
Các nhà sản xuất Trung Quốc cần thời gian để sắp xếp lại các chuỗi cung ứng phức tạp, nhưng du khách Trung Quốc có thể dễ dàng thay đổi kế hoạch nghỉ dưỡng, chẳng hạn như đến Tuscany, Italy thay vì Napa, California.
Hạng mục dịch vụ lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc là đi lại và du lịch và năm ngoái chúng đã mang lại cho các hãng hàng không, khách sạn và công ty lữ hành Mỹ 32 tỷ USD, gấp đôi so với doanh thu Mỹ bán máy bay sang Trung Quốc. Gần 3 triệu du khách Trung Quốc đến Mỹ vào năm 2016, tăng từ con số 525.000 trong năm 2009.
Hồi tháng 7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cảnh báo công dân đến Mỹ có nguy cơ chịu hóa đơn y tế cao, bạo lực súng và tội phạm đường phố. Cảnh báo này khiến Mỹ rơi xuống vị trí thứ 9 trong danh sách những điểm đến phổ biến nhất cho du khách Trung Quốc sau khi từng giữ vị trí thứ 6 năm 2017, theo Ctrip, công ty du lịch lớn nhất Trung Quốc.
"Nếu căng thẳng thương mại leo thang, nó sẽ lan sang các kênh khác như du lịch", Ma nói. "Các ngành dịch vụ rất khác với xuất khẩu hàng hóa. Khi nhu cầu hàng hóa biến mất, bạn không thấy điều đó ngay lập tức. Nhưng khi nhu cầu dịch vụ biến mất thì con số sẽ giảm ngay lập tức".
Khó xảy ra
Tuy nhiên, các lãnh đạo Trung Quốc có thể ngần ngại ra lệnh tẩy chay Mỹ vì lo ngại về cơn giận dữ từ các công dân trung lưu muốn con họ có tấm bằng ở Mỹ hay chỉ đơn giản là muốn tham quan Hollywood hoặc Manhattan.
Hồi tháng 7, một thanh niên Nội Mông cho phát nổ một quả bom nhỏ gần Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Nhưng chưa đầy một giờ sau, người dân vẫn trở lại xếp hàng ngoài trời để xin visa, dù máu của kẻ đánh bom vẫn còn trên vỉa hè.
Zhou, 50 tuổi, đã xếp hàng trong 6,5 giờ để xin visa đi du lịch Los Angeles, San Francisco và Las Vegas. Đây là dấu hiệu cho thấy việc khiến người Trung Quốc tẩy chay Mỹ sẽ khó hơn nhiều so với Hàn Quốc.
"Tôi nghĩ rằng việc đó khó xảy ra", Andy Rothman, chiến lược gia đầu tư của công ty tư vấn Matthews Asia, nói. "Mỹ lớn hơn và quan trọng hơn Hàn Quốc. Mối quan hệ cũng quan trọng hơn. Nếu chính phủ Trung Quốc ra quyết định như vậy thì sẽ vấp phải nhiều phản ứng tiêu cực từ người dân".
Tại Los Angeles, điểm đến hấp dẫn nhất với du khách Trung Quốc tại Mỹ, các quan chức du lịch rất thận trọng về nguy cơ mà căng thẳng thương mại có thể mang đến. Hội đồng du lịch thành phố cho biết 1,2 triệu du khách Trung Quốc dự kiến đến trong năm nay, gấp hơn hai lần so với năm 2013.
"Chúng tôi theo dõi tình hình rất sát sao", Smits nói. "Tình hình hiện giờ vẫn tích cực nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể thay đổi trong thời gian ngắn".