Tổng thống Guatemala Jimmy Morales ngày 24/12 tuyên bố quyết định chuyển đại sứ quán nước này từ Tel Aviv đến Jerusalem, bất chấp việc Liên Hợp Quốc vừa thông qua nghị quyết lên án động thái này của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo Haaretz.
Morales, 48 tuổi, người được gọi là "Donald Trump của Guatemala", là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới theo bước Trump chuyển đại sứ quán nước mình tới Jerusalem. Bình luận viên Allison Kaplan Sommer cho rằng Tổng thống Morales có nhiều lý do để đưa ra quyết định này.
Từ trước tới nay, Morales luôn tìm mọi cách chiều lòng Tổng thống Trump quyền lực của nước Mỹ, người có rất nhiều điểm tương đồng với ông. Cũng giống ngôi sao truyền hình thực tế Trump, Morales xuất thân là một diễn viên hài có thâm niên 16 năm hoạt động trong lĩnh vực giải trí và chưa từng làm chính trị. Khi ông tuyên bố ra tranh cử tổng thống Guatemala vào năm 2015, nhiều người cho rằng đây chỉ là một trò cười.
Nhưng cũng như Trump, Morales đánh bại một cựu đệ nhất phu nhân, tận dụng nỗi bất bình của công chúng với tầng lớp chính trị tinh hoa để đắc cử Tổng thống Guatemala. Ông cũng lãnh đạo một đảng cánh hữu và ủng hộ các giá trị truyền thống như chống phá thai và cho phép thi hành án tử hình.
Sau khi đắc cử, Morales không hề giấu giếm sự ủng hộ của mình đối với Trump. Không giống như những người đồng cấp Mỹ Latin khác, Morales không ra tuyên bố lên án kế hoạch xây tường biên giới của Trump nhằm ngăn cản dòng người tị nạn đổ tới từ khu vực Trung Mỹ. Tổng thống Guatemala vào tháng 4/2016 thậm chí còn đề xuất đưa "lao động giá rẻ" từ nước này tới giúp Mỹ xây tường biên giới với Mexico.
Morales dường như cũng đã lắng nghe rất kỹ lời đe dọa của Trump về việc cắt viện trợ đối với những nước ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Mỹ. Không chỉ bỏ phiếu chống lại nghị quyết, Guatemala sau đó còn có những động thái tiếp theo để thể hiện sự ủng hộ với Mỹ, trong bối cảnh Trump tuyên bố sẽ siết chặt viện trợ nước ngoài nhằm phục vụ mục tiêu "Nước Mỹ trên hết".
Guatemala là quốc gia Trung Mỹ giáp biên giới với Mexico ở phía tây bắc, dựa nhiều vào nguồn hỗ trợ từ Mỹ. Hồi tháng 5, ông Trump tuyên bố sẽ giảm bớt viện trợ cho các nước Trung Mỹ, trong đó nguồn viện trợ cho Guatemala sẽ giảm gần 40% so với năm 2016, xuống còn 80,66 triệu USD.
Theo bình luận viên Sommer, lý do thứ hai khiến Morales công khai lên tiếng ủng hộ Trump là muốn hướng sự chú ý của dư luận ra nước ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh gia đình ông đang gặp nhiều bê bối trong nước.
Những cam kết chống tham nhũng của Morales khi tranh cử bị dội một gáo nước lạnh hồi đầu năm khi anh trai kiêm cố vấn thân cận của ông, Samuel "Sammy" Morales, cùng con trai ông là Jose Manuel Morales, bị bắt với cáo buộc tham nhũng và rửa tiền.
Hồi tháng 8, Morales gây bất bình khi ra lệnh cho Ivan Velasquez, người đứng đầu một ủy ban chống tham nhũng quốc tế của Liên Hợp Quốc, rời khỏi Guatemala với cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Quyết định này được đưa ra sau khi ông Velasquez và Chánh công tố viên Guatemala Thelma Aldana muốn yêu cầu Tòa án Tối cao tước bỏ quyền miễn trừ của Tổng thống Morales để điều tra hành vi tham nhũng.
Tòa án Tối cao đồng ý với đề xuất này và vấn đề đã được đưa ra trước quốc hội Guatemala để thảo luận. Tuy nhiên, Morales và những người ủng hộ cho rằng đây là một "cuộc săn phù thủy chính trị" chống lại ông do các đối thủ cánh tả cầm đầu.
Quan hệ khăng khít với Israel
Ngoài việc thể hiện sự ủng hộ với Trump và giảm bớt căng thẳng trong nước, tuyên bố chuyển đại sứ quán tới Jerusalem còn thể hiện mối gắn bó lâu dài giữa ông Morales cũng như đất nước Guatemala với Israel, theo Sommer.
Morales lớn lên trong cộng đồng Công giáo Phúc âm ở Guatemala, vốn có chung quan điểm với Israel rằng Jerusalem phải thuộc về người Do Thái. Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Israel là một trong những quốc gia đầu tiên Morales công du tới sau khi đắc cử. Trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày vào tháng 11/2016 này, ông được các lãnh đạo cấp cao Israel đón tiếp rất trọng thị và được nhận bằng tiến sĩ danh dự tại Đại học Hebrew của Jerusalem.
Guatemala là một trong 16 quốc gia đầu tiên đặt đại sứ quán tại Jerusalem vào năm 1980, khi quốc hội Israel thông qua luật tuyên bố thành phố này là thủ đô. Tuy nhiên, các đại sứ quán này sau đó bị dời đến Tel Aviv sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết lên án hành động của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế.
Guatemala và Israel cũng có lịch sử hợp tác quân sự rất gắn bó. Trong thập niên 1970 và 1980, Israel đã cung cấp cho Guatemala nhiều xe thiết giáp, pháo, súng trường cũng như các kỹ thuật viên và cố vấn quân sự.
Trong những năm sau đó, Israel trở thành nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự chính cho Guatemala, lấp đầy chỗ trống mà Mỹ để lại sau khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter chấm dứt hỗ trợ quân sự và tài chính với cáo buộc Guatemala vi phạm nhân quyền.
Với vũ khí cùng sự hỗ trợ về tình báo, an ninh, liên lạc của Israel, quân đội Guatemala chống lại các phong trào nổi dậy sau đó. Ngay cả khi cuộc nội chiến Guatemala kết thúc vào năm 2000, quan hệ quân sự giữa hai nước vẫn được duy trì.
Đảng Mặt trận Tập hợp Quốc gia cầm quyền của ông Morales hiện nay được thành lập từ một nhóm tướng lĩnh quân đội về hưu, từng có quan hệ gắn bó với Israel. Với những yếu tố này, không có gì ngạc nhiên khi ông Morales tuyên bố ủng hộ Trump và quyết định chuyển đại sứ quán về Jerusalem, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, Sommer bình luận.
Trí Dũng