An ninh và tranh chấp trên Biển Đông đã nóng trong gần ba tháng qua, kể từ khi các tàu của Trung Quốc và Philippines đối mặt nhau tại bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Các ngón đòn từ pháp lý đến chính trị và kinh tế đều được đôi bên thi triển, khiến cho Biển Đông trở thành tâm điểm chú ý. Tại hội nghị Đối thoại an ninh châu Á (được gọi là Đối thoại Shang-ri La), Biển Đông đã là vấn đề chủ chốt trong các phát biểu và phân tích của các diễn giả và quan chức.
Tình hình giữa Bắc Kinh và Manila mới hạ nhiệt thì cuối tháng 6, Trung Quốc tuyên bố lập thành phố Tam Sa để quản lý cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Bước đi này lập tức nhận được sự phản đối mạnh mẽ của Hà Nội. Nhưng chỉ ít ngày sau, Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí nằm ngay trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam theo công ước về luật biển 1982.
Trung Quốc còn thông báo điều các tàu hải giám xuống tuần tra ở Trường Sa, tại bãi đá Châu Viên mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Các tàu Trung Quốc được cho là đã dàn đội hình diễn tập tại khu vực gần bãi đá. Truyền thông Trung Quốc thậm chí còn loan tin tàu của họ đã buộc tàu của Việt Nam lùi bước, tuy nhiên thông tin này được hãng thông tấn nhà nước của Việt Nam bác bỏ.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân đón tiếp tại Hà Nội năm 2010. Ảnh: AFP |
Tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra tuần tới ở Campuchia, chủ đề Biển Đông "là mối quan tâm chung" của tất cả các nước thuộc khối, như ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên ngoại giao của Việt Nam khẳng định tuần này.
Justin Logan, nhà nghiên cứu thuộc Viện Cato của Mỹ cho rằng trước sức mạnh ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc, các nước trong khu vực ASEAN đang đặt hy vọng vào một nỗ lực đã kéo dài, nhằm thiết lập các quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc (COC), nhằm tránh nguy cơ xung đột trong tương lai.
"Chắc sẽ có một số áp lực, chẳng hạn từ Mỹ, bởi Mỹ là một trong số các bên đề cập đến quy tắc ứng xử; nhưng cũng sẽ có sức ép từ ASEAN bởi họ đều muốn có một cái gì đó chấp nhận được đối với tất cả các bên", VOA trích lời ông Logan.
Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cũng cho rằng COC sẽ khó có thể tác động nhiều đến tình hình. Theo Logan, điều quan trọng để có thể mang lại biến chuyển là Trung Quốc thay đổi thái độ.
"Tôi nghĩ là người Trung Quốc chắc chắn sẽ không chịu, không chấp nhận việc cúi đầu trước sức ép của Mỹ. Nhưng chỉ cần họ cài số lùi một chút. Để cho các nước khác trong khu vực có thể theo đuổi cái mà họ thực sự muốn, đó là vừa có quan hệ tốt với Trung Quốc mà vẫn duy trì quan hệ tốt với Mỹ".
Về phía Mỹ, các quan chức đến từ Washington cho biết họ sẽ nói một cách rõ ràng trong các hội nghị rằng Bắc Kinh và Washington đã cam kết làm việc cùng với nhau.
"Đây là một thông điệp quan trọng cần được đưa ra, bởi tôi cho rằng đôi khi trong ASEAN có một mối lo là Đông Nam Á sẽ trở thành đấu trường nguy hiểm nơi Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell phát biểu.
Ông Campbell cho biết hợp tác kinh tế với các nước ASEAN cũng là một phần quan trọng trong chuyến công du của bà Clinton. "Một trong những điều quan trọng đối với Mỹ là đưa ra các sáng kiến kinh tế nhắm tới Đông Nam Á, và điều đó sẽ giúp nhấn mạnh các cam kết căn bản của Mỹ đối với kinh doanh", Campbell nói.
Thực tế là sau khi các hội nghị ASEAN kết thúc, Mỹ sẽ có một phái đoàn kinh tế hùng hậu nhất từ trước đến nay tới Siem Riep, Campuchia để bàn về việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh của Mỹ tại Đông Nam Á. Một số bộ trưởng cũng như các quan chức cấp cao của khu vực sẽ tham dự việc bàn thảo kinh tế này.
Thanh Mai