5 trong số 6 nghi phạm hiếp dâm trong vụ trên đã nhanh chóng bị đưa ra tòa, truy tố về tội hãm hiếp và giết người. Tốc độ xử lý vụ này được cho là nhanh chưa từng có, khác hẳn với hàng năm dài chờ đợi mà các nạn nhân tội phạm hiếp dâm ở Ấn thường phải chờ đợi.
Thế nhưng đằng sau câu chuyện này là cả một vấn đề lớn ở quốc gia đông dân thứ nhì thế giới: sự trọng nam khinh nữ, tình trạng giết chết thai nhi gái.
Sinh viên Ấn Độ biểu tình phản đối một quan chức đảng cầm quyền Ấn Độ định hiếp dâm người dân khi ông ta đi công cán. Các biểu ngữ họ mang theo ghi: "Tôi sống trong một đất nước mà con gái không được an toàn kể cả trong bụng mẹ hay khi đã ra đời"; "Bảo vệ phụ nữ, bảo vệ quốc gia". Ảnh: AP |
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ở các nước như Ấn Độ và các nước châu Á khác, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ tăng lên. Đây là các nước có tỷ lệ nam cao một cách bất thường so với nữ, và tình trạng phá thai lựa chọn giới tính vẫn đang hoành hành.
"Sự mất cân bằng giới tính trực tiếp dẫn đến tình trạng buôn bán gái mại dâm và cô dâu", Mara Hvistendahl, tác giả một nghiên cứu về hậu quả của tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi, nói. Thường thì cái gì hiếm đều được cho là quý giá hơn, nhưng với việc thiếu nữ, thì số nam thanh niên ế vợ sẽ tăng lên và gây các hệ quả xấu cho nữ. Trong năm 2011, số ca hiếp dâm trên thế giới tăng 9,2%, số ca bắt cóc phụ nữ tăng 19,4%.
"Chúng ta đang nói về sự liên quan, chứ chưa nói đến nguyên nhân và kết quả. Nhưng rõ ràng, các bằng chứng lịch sử từ trước đến nay về testosterone (hormon sinh dục kích thích ham muốn) cho thấy rằng việc tồn tại một đám đông đàn ông không vợ trong dân chúng sẽ không phải là điều tốt", Hvistendahl nhận xét.
Trong tự nhiên, tỷ lệ sinh ra giữa nữ và nam khoảng 105 nữ so với 100 nam. Các bé trai thường yếu ớt hơn bé gái khi mới sinh, và tuổi thọ của nữ cũng thường cao hơn nam. Vì thế khi tính đến các yếu tố này, trong tự nhiên có thể đảm bảo tỷ lệ cân bằng giữa nam và nữ khi họ ở tuổi hôn nhân.
Thống kê dân số năm 2011 ở Ấn Độ cho thấy có 914 nữ so với 1000 nam, thấp nhất kể từ khi nước này độc lập năm 1947. Ở một số khu vực như bang miền bắc Haryana, chỉ có 830 nữ so với 1000 nam. Hơn hai mươi năm trước, nhà kinh tế học đoạt giải Nobek Amartya Sen cảnh báo rằng khoảng 100 triệu bé gái "mất đi" ở Ấn Độ do hệ quả của tình trạng thích sinh con trai.
Sự mất cân bằng này khiến những người đàn ông nghèo và ít học khó có cơ hội lấy vợ. Họ bị gạt ra ngoài lề thị trường hôn nhân và không thực hiện các chức năng xã hội đáng ra phải thực hiện của một người đàn ông trưởng thành. Theo The Economist, Trung Quốc hiện có số nam giới độc thân bằng cả dân số nam của Mỹ. Điều mỉa mai là những người đàn ông này hứng chịu hậu quả trong khi họ được cho là có ưu thế hơn: tỷ lệ giới tính mất cân bằng khiến đàn ông tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và chết sớm. Nghiên cứu ở một số loài động vật cho thấy tỷ lệ bất xứng dẫn đến sự cạnh tranh cao hơn giữa các con đực, sự cạnh tranh này dẫn đến stress và làm chúng chết sớm.
Sự phẫn nộ về tội ác đối với phụ nữ, đặc biệt là tại Ấn Độ trong những ngày này, đang tăng, nhưng điều đó chưa chắc dẫn tới kết quả là có thể giảm mức độ tàn bạo trong cách đối xử với phụ nữ. Ấn Độ gần đây bị đánh giá là nơi có điều kiện kém nhất đối với phụ nữ trong số các quốc gia G20. "Các bé gái bị mất" là một vấn đề quốc tế dai dẳng và việc lựa chọn giới tính thai nhi đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên một loạt quốc gia đang phát triển, không chỉ ở châu Á mà thậm chí tại cả một số quốc gia châu Âu. Vấn đề này cuối cùng sẽ thu hút sự chú ý của toàn thế giới, khi nó ảnh hưởng đến kinh tế, y tế và an ninh, và cuối cùng chúng ta sẽ nhận ra rằng việc hủy bỏ các thai nhi gái là mất mát to lớn đến nhường nào đối với thế giới.
Ánh Dương (theo Time)