Nhưng họ đã nhầm.
5 tháng sau, các quan chức Nga ngỡ ngàng và bất bình phản đối việc Mỹ triển khai các tên lửa đánh chặn ở Romania; một khẩu đội tên lửa Patriot mới cũng sẽ được bổ sung đến Ba Lan vào tháng này. Romania tuyên bố nước này là một địa điểm để đặt hợp phần lá chắn tên lửa của Mỹ. Tổng thống Traian Basescu, khẳng định rằng việc này đã được Hội đồng quốc phòng thông qua, dù về mặt hình thức còn chờ quyết định chính thức của quốc hội. BBC trích lời Basescu nói hệ thống đánh chặn sẽ "bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Romania” nhưng việc này “không nhằm mục đích chống lại Nga”.
Giới chức Mỹ cũng đang bận rộn "kiếm hàng" để trao giải cho Bulgaria bởi nước này tuyên bố họ cũng muốn cho Mỹ đặt một cơ sở tương tự.
Tổng thống Mỹ Obama không hoàn toàn từ bỏ ý định tạo lập một lá chắn tên lửa ở châu Âu. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ xây dựng một hệ thống mới linh hoạt hơn, giai đoạn đầu chủ yếu ở trên các tàu biển, và tiến lên đất liền sau đó. Ba Lan cũng sẽ có tên trong danh sách những địa điểm đặt tên lửa.
![]() |
Một tên lửa đánh chặn SM-3 được hải quân Mỹ phóng thử từ tàu chiến. Ảnh: AP. |
Việc này làm Nga giận dữ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Kremlin đã phàn nàn với Mỹ về sự sửng sốt của mình khi thấy Romania và Bulgari tham gia hệ thống lá chắn. Ông Viktor Zarvazin, Chủ tịch hội đồng quốc phòng của Duma quốc gia Nga nói rằng những kế hoạch trên có thể ảnh hưởng đến hệ thống an ninh ở châu Âu cũng như các cuộc hội đàm sắp tới về vấn đề cắt giảm vũ khí chiến lược Nga-Mỹ.
Thực tế là chính Mỹ cũng cảm thấy bị bất ngờ trước sự nhiệt tình của các đồng minh, theo The Economist. Washington đã chuẩn bị cho một cuộc đàm phán kéo dài kiểu như đã có với Ba Lan. Nếu tiến trình đàm phán dài hơn, họ sẽ có thời gian để xoa dịu Nga trong khi đang câu kéo Matxcơva đồng ý trừng phạt Iran.
Một khu vực ly khai của Moldova thân Nga đang nhắc lại lời đe dọa của Matxcơva về việc triển khai tên lửa ở vùng Kaliningrad để trả đũa việc Mỹ đặt tên lửa ở Ba Lan. Họ nói sẵn sàng để Nga triển khai tên lửa chiến thuật Iskander để trả đũa các nước "châu Âu mới" tham gia lá chắn tên lửa Mỹ. Nhưng thực ra đề xuất này nhằm chọc tức chính quyền mới thân phương Tây của Moldova hơn là lo lắng cho Nga. Dẫu sao, Matxcơva cũng từ chối đề xuất này.
Hệ thống trước đây của tổng thống Bush - đặt 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan cùng dàn radar tại Cộng hoà Czech - sẽ bị thay thế bằng một hệ thống mới nhỏ gọn hơn với những tên lửa hiện đại hơn được bố trí trên các tàu chiến, và sau này sẽ mở rộng lên trên đất liền.
Theo mô tả của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, được New York Times dẫn lại, thì hệ thống lá chắn của Obama được chia làm ba giai đoạn. Đến 2011, Lầu Năm góc sẽ triển khai trên các tàu lớp Aegis của hải quân Mỹ những tên lửa đánh chặn SM-3, ở phía đông Địa Trung hải.
Giai đoạn 2, đến năm 2015, sẽ triển khai các tên lửa SM-3 loại cải tiến trên mặt đất ở lãnh thổ các nước đồng minh; đồng thời bàn bạc với Ba Lan và Czech về việc đặt tên lửa trên lãnh thổ của hai nước này. Đến năm 2018, giai đoạn ba sẽ là triển khai số lượng tên lửa lớn hơn với khả năng cao hơn, cho phép lập thành một chiếc ô bảo vệ châu Âu và Mỹ trước các nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa tầm ngắn, trung và cuối cùng là tầm xa.
Gates lý giải: “Các cơ quan tình báo của chúng tôi chỉ ra rằng mối nguy hiểm đến từ Iran bây giờ là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung, ví dụ như Shahab-3, có tốc độ nhanh hơn trước rất nhiều. Đây là sự đe doạ không ngừng đối với lực lượng của chúng tôi tại lục địa Âu cũng như với các nước đồng minh khác”.
Nếu công nghệ của Mỹ phát triển như dự định thì đến năm 2018, lá chắn mới sẽ bao phủ gần như toàn bộ các nước thành viên châu Âu của NATO trước nguy cơ tấn công từ Iran, chỉ trừ một phần nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là thay đổi lớn so với kế hoạch trước đây, vốn chỉ định bảo vệ một mình Mỹ khỏi các cuộc tấn công liên lục địa và bỏ qua một phần lớn của châu Âu. Hệ thống mới thậm chí còn ít nguy hiểm hơn đối với kho vũ khí hạt nhân của Nga, The Economist đánh giá. Tên lửa đánh chặn SM-3 có tầm thấp hơn và bay chậm hơn so với loại tên lửa được đề nghị dưới thời tổng thống Bush. Hơn nữa, phần lớn hệ thống, bao gồm radar thăm dò và các tên lửa ở Romania, sẽ được triển khai sâu hơn về phía nam, do vậy nó không thể xung đột với các tên lửa của Nga phóng đến Mỹ qua Bắc Cực.
Lý do chính khiến Kremlin phản đối là về chính trị. Mặc dù đã miễn cưỡng chấp nhận việc các nước từng thuộc vùng ảnh hưởng cũ của Liên Xô gia nhập NATO, Nga cho rằng việc Mỹ thiết lập các căn cứ quân sự ở vùng này là vi phạm một lời cam kết đã có khi Liên Xô đồng ý để hai nước Đức thống nhất. (Còn các quan chức Mỹ thì khăng khăng nói chẳng có một lời hứa nào như thế từng tồn tại cả).
Phớt lờ nỗi tức giận của người Nga, Mỹ vẫn tiếp tục các kế hoạch an ninh của mình. Lầu Năm góc sẽ đưa tên lửa đến Ba Lan. Hơn nữa, Washington đang thúc ép NATO vạch ra một kế hoạch bảo vệ các nước vùng Baltic. Mỹ cũng sẽ tổ chức tập trận ở khu vực này vào cuối năm nay.
Trong nhiều năm qua, sự tức giận của Nga đối với hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ cuối cùng đã mang lại kết quả, nhưng đó lại không phải cái kết quả mà Kemlin mong muốn.
Hà Thu