Ba thượng nghị sĩ Mỹ, trong đó có Marco Rubio, tuần trước giới thiệu dự luật Minh bạch Ảnh hưởng Nước ngoài, với yêu cầu Viện Khổng Tử của Trung Quốc khi hoạt động trên đất Mỹ phải được đăng ký là "đặc vụ nước ngoài", theo Business Insider.
Ông Rubio cho rằng đạo luật này nhằm làm cho các hoạt động của chính phủ nước ngoài ở Mỹ trở nên minh bạch hơn. John Garnaut, cựu cố vấn về Trung Quốc của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, cũng cho rằng dự luật trên là "hướng đi đúng" của Mỹ bởi các cơ quan như Viện Khổng Tử có liên hệ mật thiết với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFW), tổ chức đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu của Trung Quốc.
Theo Garnaut, UFW là một cơ quan trực thuộc Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, có trách nhiệm thực thi quyền lực mềm và các sáng kiến gây ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế. Cùng với việc Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực để thực hiện tham vọng "Giấc mơ Trung Hoa", vai trò và vị thế của ban này cũng ngày càng được mở rộng.
Trong tài liệu được đăng ngày 21/3, Xihua cho biết UFW sẽ được tăng cường quyền lực đáng kể khi tiếp nhận và giám sát các cơ quan quản lý về đạo đức, tôn giáo và Hoa kiều hải ngoại.
Đây được coi là một phần trong chiến dịch tái cấu trúc, sáp nhập nhiều cơ quan đảng và chính phủ Trung Quốc do ông Tập thực hiện, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động và khả năng lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với mọi mặt đời sống xã hội.
UFW từng được ông Tập ca ngợi là "vũ khí thần kỳ" để Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng và thực thi quyền lực mềm trên khắp thế giới, tuy nhiên các hoạt động của tổ chức này trước đây chưa được thể chế hóa và thường không được đề cập công khai.
"Đảng Cộng sản Trung Quốc trước đây chỉ đạo Mặt trận Thống nhất một cách bí mật", một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Trung Quốc nói với SCMP. "Trong cấu trúc mới, tổ chức này không còn phải 'giấu mình' sau các cơ quan chính phủ nữa".
Theo cấu trúc này, Ủy ban Các vấn đề Đạo đức Quốc gia sẽ báo cáo với UFW, trong khi Cục Các vấn đề Tôn giáo và Văn phòng Hoa kiều Hải ngoại sẽ được sáp nhập thành hai cục trong UFW. Với nỗ lực tái cấu trúc này, Viện Khổng Tử từ nay có thể sẽ nằm dưới quyền điều hành trực tiếp của UFW.
Động thái này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các quốc gia như Mỹ và Australia đang ngày càng tỏ ra lo ngại với các chiến thuật dùng "vũ khí thần kỳ" gia tăng ảnh hưởng ngầm của Bắc Kinh trên lãnh thổ nước mình.
Theo ông Garnaut, lợi thế lớn nhất của Trung Quốc hiện nay là nhiều quốc gia trên thế giới đang tạo ra những "hố đen" khổng lồ về quyền lực mềm và ảnh hưởng địa chính trị, tạo điều kiện cho Bắc Kinh lấp chỗ trống một cách dễ dàng.
Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ tuần trước, Garnaut chỉ ra một điểm chung trong các chiến dịch sử dụng "vũ khí thần kỳ" để gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh: đó là khi các quốc gia như Mỹ, Australia ngừng đầu tư vào lĩnh vực đào tạo tiếng Trung trên toàn cầu, Trung Quốc sẽ tiếp quản và củng cố vị thế.
"Trung Quốc đang thực sự lấp chỗ trống mà chúng ta không làm được, đó là năng lực về đào tạo tiếng Trung, sự hiểu biết về chính trị và lịch sử Trung Quốc đương đại", Garnaut cảnh báo, trước khi đề cập đến các tổ chức văn hóa được chính phủ Trung Quốc điều hành trên khắp thế giới. "Viện Khổng Tử đã tìm ra một hố đen rất lớn mà họ có thể lấp đầy", ông nói.
Garnaut cho rằng sự bất cập trong đầu tư và vận hành các chương trình học tiếng Trung của các quốc gia sở tại như Mỹ và Australia đã tạo điều kiện cho sự nở rộ của Viện Khổng Tử và Lớp học Khổng Tử. Theo ông, các trường đại học ở những nước này cần nỗ lực để khôi phục khả năng tự giảng dạy tiếng Trung nhằm không phải dựa vào chính phủ Trung Quốc để lấp chỗ trống.
Trung Quốc đang duy trì hơn 1.500 Viện và Lớp học Khổng Tử với mục đích quảng bá ngôn ngữ và văn hóa nước này tại các trường đại học, trung học ở 142 quốc gia trên khắp thế giới. Những tổ chức này được coi là có vai trò quan trọng trong quyền lực mềm và hoạt động tuyên truyền quốc tế của Trung Quốc.
Giới phân tích phương Tây lo ngại rằng UFW có thể sử dụng các tổ chức như Viện Khổng Tử như một nền tảng để có thể gây tác động đến quá trình ra quyết định ở các trường đại học. "Chúng ta phải ngăn chặn điều đó", Garnaut nói trong phiên điều trần.
Theo chuyên gia này, ngoài Viện Khổng Tử, Trung Quốc còn có nhiều "vũ khí" khác để gia tăng ảnh hưởng trên thế giới. "Ít nhất chúng ta cũng biết về Viện Khổng Tử với một mức độ minh bạch nhất định. Điều mà cá nhân tôi lo ngại là có nhiều viện, cơ quan nghiên cứu khác có chức năng tương tự nhưng chưa được chú ý đến", Garnaut cho biết.
Không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, Trung Quốc cũng đang tìm cách tận dụng cơ hội để thúc đẩy quyền lực mềm trên nhiều phương diện khác, chẳng hạn như sáng kiến Vành đai và Con đường liên kết 70 quốc gia trên thế giới.
"Vành đai và Con đường rõ ràng là một nỗ lực lấp chỗ trống nữa của họ", Garnaut nói. "Nếu chúng ta không tiếp tục hỗ trợ sự phát triển như trước đây tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, đây sẽ là cơ hội cho người khác".
Trí Dũng