Ngày 15/3, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, nhân chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Việt Nam đến Australia.
Đánh giá về dấu mốc này, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, cho hay khuôn khổ mới phản ánh sự tiến triển đáng kể trong hợp tác song phương trong suốt 45 năm qua.
"Việt Nam và Australia đã xây dựng lòng tin chiến lược dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và dựa trên những lợi ích chung", ông Thayer nói.
Sau khi trở thành Đối tác Toàn diện năm 2009, hai nước hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, tàu hải quân Australia nhiều lần thăm Việt Nam. Australia là bạn hàng lớn thứ 8 của Việt Nam trên thế giới, với kim ngạch hai chiều năm 2017 đạt gần 6,5 tỷ USD. Hai nước chia sẻ cam kết về bảo đảm hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế ở khu vực, hợp tác chặt chẽ trong các diễn đàn khu vực và quốc tế như Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Theo Giáo sư Thayer, khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược, Việt Nam và Australia có thể có những cơ hội hợp tác mới, như tổ chức họp thường niên cấp bộ trưởng quốc phòng, thực hiện Đối thoại an ninh hàng năm ở cấp thứ trưởng. Hai nước cũng sẽ gia tăng hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển thông qua các cuộc họp ở cấp bộ trưởng phụ trách lĩnh vực kinh tế. Những thách thức trong việc thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
"Việt Nam sẽ tiếp tục đón các tàu của Hải quân Hoàng gia Australia đến thăm, hai bên cũng có thể tập trung vào hợp tác về xây dựng năng lực trong lĩnh vực hàng hải và hàng không", ông Thayer đánh giá về hợp tác an ninh giữa hai nước. Ở phạm vi khu vực, Việt Nam và Australia có thể cùng các nước ASEAN khác tham gia các cuộc diễn tập Milan của Ấn Độ.
Bày tỏ sự lạc quan về hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam và Australia, Tiến sĩ Lê Thu Hường, Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI), nhận định mức quan hệ mới tạo nên một khuôn khổ vững chắc cho hợp tác giữa hai nước.
"Việt Nam và Australia đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong khu vực, vì thế việc hai nước thúc đẩy hợp tác song phương là điều đương nhiên", bà Hường nói.
Chuyên gia của ASPI cho rằng hai bên có rất nhiều hợp tác có ý nghĩa như nông nghiệp, giáo dục, khoa học công nghệ. Bà đặc biệt quan tâm đến hợp tác về năng lượng tái tạo và an ninh năng lượng, đặc biệt ở khu vực Mekong. Nhắc đến khả năng hai nước tuần tra chung hay mua bán vũ khí, Tiến sĩ Hường cho hay bà chưa nghe nói về các hoạt động này giữa hai nước. Bà cho rằng cần thận trọng khi đặt quá nhiều kỳ vọng vào các lĩnh vực nói trên.
Australia thận trọng trong vấn đề Biển Đông
Giáo sư John Blaxland, Giám đốc Viện Đông Nam Á, Đại học Quốc gia Australia (ANU), lưu ý để tránh bị nhìn nhận là một nước ủng hộ một bên có tranh chấp ở Biển Đông, nên Australia hiện khá thận trọng về các hoạt động của mình ở khu vực này. Mặc dù vậy, Australia và Việt Nam vẫn nhận thấy sự tương đồng lớn trong lợi ích và mối quan ngại, dẫn tới việc gia tăng hợp tác để xử lý các thách thức.
"Hai nước ngày càng nhất quán về việc cần ủng hộ lẫn nhau trong nỗ lực bảo đảm các nước trong khu vực tuân theo các quy tắc và luật lệ quốc tế", ông Blaxland nói.
Trong khi Australia nỗ lực mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các nước ASEAN để giải quyết các thách thức chung, Việt Nam cũng ủng hộ việc cần có hợp tác ở quy mô lớn ở khu vực.
Là người theo dõi sát tình hình an ninh châu Á, Giáo sư Thayer đánh giá Việt Nam, Australia và ASEAN cơ bản hợp tác về mặt chính trị và đối ngoại, thống nhất quan điểm tranh chấp cần được giải quyết hoà bình, tuân theo luật quốc tế, không đe doạ sử dụng hay sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và hướng đến sớm có Bộ Quy tắc ứng xử COC. Các bên cũng kiên trì kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ Phán quyết của Toà trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016, trong đó bác bỏ Đường lưỡi bò của Bắc Kinh.
Theo Tiến sĩ Lê Thu Hường, việc ký kết khuôn khổ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Australia không phải là một nhân tố "làm thay đổi cuộc chơi". Tất cả phụ thuộc vào việc hai bên phát triển mối hợp tác này như thế nào trong tương lai.
Đồng tình với ý kiến này, Giáo sư Thayer cho rằng những kết quả hợp tác giữa hai nước "ấn tượng nhưng chưa đủ". Ông cho hay Việt Nam và Australia cần thảo ra một Chương trình hành động cho những năm tới, nêu rõ các ưu tiên. Ông gợi ý Việt Nam và Australia cần đẩy mạnh hợp tác về an ninh, quốc phòng để cùng xử lý các thách thức an ninh gia tăng trong khu vực.
"Khuôn khổ Đối tác Chiến lược cần có tầm nhìn về tương lai, phản ánh thực tế rằng hai nước có những lợi ích quốc gia ngày càng trùng nhau", ông Thayer nhấn mạnh.
Việt Anh