"Tình hình ở Biển Đông đang yên tĩnh nhưng đó là khoảng lặng của cơn bão. Căng thẳng có thể gia tăng từ nguy cơ Trung Quốc đe doạ sử dụng vũ lực với nước cùng có tranh chấp", Giáo sư Renato Cruz De Castro, Đại học De La Salle, Philippines, trao đổi với VnExpress.
Ông Castro chia sẻ bên lề hội thảo "Hướng đến những vùng biển mở và tự do ở Châu Á: Vai trò của luật biển trong việc duy trì trật tự trên biển" tại Hà Nội ngày 12/9. Sự kiện do Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp tổ chức với Đại sứ quán Anh và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Philippines cho rằng các nước liên quan cần theo dõi sát diễn biến tiếp theo trên biển. Ông lưu ý một điểm sáng trong bức tranh hiện nay là Indonesia đang trở nên cứng rắn hơn với tham vọng mở rộng kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc.
Nhắc đến phán quyết của Toà trọng tài quốc tế với vụ kiện của Philippines, trong đó bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Castro cho biết có đến 80% người dân Philippines ủng hộ phán quyết.
"Chúng tôi không chấp nhận việc Trung Quốc kiểm soát vùng biển. Người dân Philippines đang gia tăng đề xuất chính phủ thay đổi chính sách với Trung Quốc, cần phải cứng rắn hơn trong bảo vệ quyền lợi của mình, không gác lại vấn đề này trong thảo luận với Bắc Kinh", ông Castro nhấn mạnh.
Giáo sư Robert Beckman, Đại học quốc gia Singapore, đánh giá phán quyết của Toà án quốc tế không giúp giải quyết vấn đề an ninh ở Biển Đông.
"Phán quyết không đề cập đến tính hợp pháp của hoạt động xây đảo ở Biển Đông, đó rõ ràng là thách thức lớn với an ninh ở đây", ông Beckman nói.
Theo phán quyết hồi tháng 7 năm ngoái, trong phần xem xét tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc, Tòa trọng tài chỉ khẳng định việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo là "vi phạm chủ quyền của Philippines". Tòa không chỉ rõ hoạt động này có vi phạm luật quốc tế hay không.
Trong khi đó, chính phủ nhiều nước và giới nghiên cứu lên án Trung Quốc cải tạo nhiều đảo ở Trường Sa, xây dựng các căn cứ quân sự và triển khai nhiều loại vũ khí đến đây. Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 6 cho biết đến cuối năm ngoái, Trung Quốc đã hoàn thành các cơ sở quân sự phi pháp ở Trường Sa. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ tháng 12/2016 cho biết Trung Quốc dường như đã đặt những vũ khí như hệ thống phòng không và chống tên lửa trên tất cả 7 đảo nhân tạo nước này xây dựng ở Biển Đông.
Giáo sư Beckman cũng lưu ý một nhân tố khác đe dọa an toàn ở khu vực, đó là việc hải quân các nước cáo buộc lẫn nhau có các hành vi thái quá, sử dụng tàu cá ngụy trang. Tuy nhiên các bên chưa thảo luận vấn đề này một cách chính thống.
"Điều này cần ưu tiên giải quyết, căng thẳng leo thang rất dễ dẫn đến xung đột", ông Beckman nói.
Giới quan sát từ vài năm gần đây cảnh báo tình trạng Trung Quốc sử dụng tàu cá làm lực lượng dân quân ở Biển Đông, lấy cớ để công kích đối phương nếu những tàu này bị tấn công. Theo đó, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh muốn lợi dụng sự khó khăn trong việc phân biệt tàu dân và quân sự để hỗ trợ cho hoạt động hải quân, xóa nhòa ranh giới trong định nghĩa giữa tàu chiến và tàu dân sự theo luật hải chiến.
Khẳng định Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới, Phó giáo sư Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện ngoại giao, nhấn mạnh yêu cầu cần có tự do hàng hải ở khu vực này ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Điều đó khiến các nước cần phải thảo luận để xem có thể làm gì để giải quyết vấn đề.
Cùng chia sẻ mối quan ngại về diễn biến ở Biển Đông, ông Kentaro Nishimoto, Phó giáo sư, Khoa Luật, Đại học Tohoku, Nhật Bản, cho rằng tình hình hiện tại ở đây "vẫn khó khăn".
Tuy nhiên, ông Nishimoto lưu ý Trung Quốc không hoàn toàn "tảng lờ" phán quyết của Toà án quốc tế. Bắc Kinh ra tuyên bố không chấp nhận kết luận của toà nhưng vẫn theo dõi sát sao phản ứng của các nước.
Chuyên gia người Nhật khẳng định luật pháp quốc tế không thể giúp thay đổi mọi điều "trong một đêm", nhưng về dài hạn Trung Quốc sẽ xem xét lại vì cần tìm cách xây dựng vị trí ở khu vực. Do đó các nước quan tâm đến tự do hàng hải ở Biển Đông cần kiên trì việc tôn trọng luật pháp quốc tế, dần dần thuyết phục Trung Quốc tuân theo.
"Tôi cho rằng điểm mấu chốt là chúng ta muốn có một trật tự dựa trên luật pháp hay một trật tự dựa trên vũ lực? Tôi tin rằng cả khu vực đều mong có trật tự dựa trên luật lệ", ông Nishimoto nói.
Khánh Lynh