Tại Hội thảo Quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông vào ngày 27 và 28/11 tại TP. HCM, PGS. TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao đã chỉ ra các tín hiệu lạc quan gần đây trong vấn đề Biển Đông, bao gồm tin tức về những va chạm nghiêm trọng xảy ra trong năm đã giảm so với các năm trước, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành bộ khung Bộ quy tắc ứng xử COC, Tuyên bố về thực thi Bộ quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (CUES) được thông qua, hay việc ba nước ASEAN, Malaysia, Indonesia và Philippines đã tiến hành diễn tập tuần tra chung trên biển.
Tuy nhiên, "nhiệt độ có thể hạ trong chốc lát nhưng cơn sốt vẫn còn âm ỉ vì gốc bệnh vẫn chưa được xử lý", PGS. TS. Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh.
Trong khi tranh chấp vẫn còn tiếp diễn, các biện pháp giải quyết xung đột đang dần tỏ ra vô hiệu trên thực tế. Luật pháp quốc tế, một trong những biện pháp hòa bình được các bên ủng hộ, vẫn chưa được tôn trọng, điển hình là với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vào tháng 7/2016, tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".
"Ở góc độ khu vực, những nỗ lực nhằm quản lý tranh chấp vẫn mang tính đối phó và chắp vá," PGS. TS. Vũ Tùng nhận định. "Nói cách khác, vẫn còn rất ít nỗ lực hướng đến giải quyết triệt để các yêu sách đối lập nhau, từ đó triệt tiêu các động lực chính, dẫn đến sự phát triển phức tạp của tình hình."
Đồng tình với quan sát này, Tiến sĩ Euan Graham từ Viện Lowy (Australia) cảnh báo sự tĩnh lặng hiện nay có thể là chỉ dấu cho những mối lo ngại lớn hơn.
"Người ta vẫn nói "không có tin tức gì là tốt", nhưng tôi lại không nghĩ điều này có thể áp dụng cho biển Đông," ông Graham trao đổi với VnExpress bên lề hội thảo. "Nó có nghĩa những thách thức mới đang được đặt ra cho các nước tranh chấp, ví dụ như Mỹ không còn chú trọng đúng mức vào tình hình ở khu vực như trước đây. Và điều này tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát các đảo và thực thể trên biển."
Tình hình có vẻ có lợi hơn cho Bắc Kinh sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền với quan điểm thân Trung Quốc và dường như bỏ rơi quyết định của Tòa Trọng tài trước đó.
"Đã hơn một năm kể từ phán quyết của Tòa trọng tài, nếu Philippines không tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi của tòa án thì đó sẽ không phải là tin tốt cho các nước trong khu vực," giám đốc chương trình An ninh Quốc tế của Viện Lowy cho biết.
Một diễn biến đáng ngại khác là nguy cơ "quân sự hoá Biển Đông" ngày càng lớn trong khi khu vực còn thiếu cơ chế kiểm soát hoạt động của các lực lượng. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có mức tăng trưởng chi tiêu quốc phòng nhanh nhất, lên đến 450 tỷ USD trong năm 2016, theo Viện Hoà Bình Stockhom. Tuy nhiên ngoài quy ước CUES cho hải quân, vẫn chưa có cơ chế nào để điều chỉnh, quản lý hoạt động của lực lượng chấp pháp và dân sự, vốn là nhân tố chính trong nhiều va chạm nghiêm trọng trên biển trong suốt một thập kỷ qua.
Không quá kỳ vọng vào COC
Một trong những chủ đề được bàn luận sôi nổi nhất tại hội thảo là nội dung và mức độ hiệu quả của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
"Các bên mới chỉ đạt được khung sườn cho COC. Theo tôi, quá trình đàm phán còn rất chậm, và bản thân văn bản này không có tính thiết thực cao," bà Shafiah Muhibat, nghiên cứu viên cao cấp từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia đánh giá bên lề hội thảo.
COC hiện nay không phải được kỳ vọng có thể giải quyết tranh chấp, mà chỉ là một biện pháp xây dựng lòng tin, để các nước cùng hiểu rõ về những gì không nên làm trong khu vực tranh chấp.
"Điểm quan trọng nhất vẫn là liệu văn bản này có ràng buộc về pháp lý hay không, và phần khung hiện nay vẫn chưa trả lời được câu hỏi đó," bà Muhibat nói thêm.
Theo học giả Indonesia, thành công của COC đến nay chỉ mới dừng ở mức độ cho thấy Trung Quốc và ASEAN có sự đồng thuận trên một nền tảng chung, và bàn đàm phán cho Bộ quy tắc trở thành một kênh liên lạc giữa hai bên. "Nhưng văn bản này sẽ không có ý nghĩa thực tế nếu vẫn chỉ dựa vào mức độ tình nguyện chấp hành của các nước. Về cơ bản, nó sẽ là sự lặp lại của những gì chúng ta đã đạt được thông qua DOC trước đó."
Bà Muhibat cũng không lạc quan về khả năng đạt được điều kiện ràng buộc pháp lý trong các vòng đàm phán tương lai. "Đây là một cái đích rất khó, vì Trung Quốc chắc chắn sẽ không đồng ý ký vào một Bộ quy tắc ràng buộc như vậy. Chúng ta có khả năng sẽ phải chấp nhận thỏa hiệp với kết quả thấp hơn."
Tiến sĩ Euan Graham cảnh báo nếu không có ràng buộc pháp lý cần thiết, COC sẽ là một bước lùi chứ không phải bước tiến cho ASEAN.
"Chúng ta không nên chỉ chú trọng vào khả năng hợp tác trên bề mặt, mà còn phải chú trọng đến nội dung thực chất bên trong", ông Graham nhấn mạnh.
Nguyễn Nhung