Trên kệ sách trong một văn phòng chật chội ở ngoại ô thủ đô Moskva, Nga, doanh nhân Igor Michurin đặt bức ảnh ông đang bắt tay với một trong những khách hàng quan trọng. Đó là một quan chức tại đại sứ quán Triều Tiên ở Nga, được Michurin gọi là Lee.
Michurin sở hữu hai công ty từng đạt doanh thu gần 671.000 USD trong năm 2016. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt các công ty này vào danh sách đen hồi năm ngoái, bởi doanh nhân người Nga này thường giao dịch với một công ty Triều Tiên bị cho là có vai trò trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, theo Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Michurin không phủ nhận việc kinh doanh với Triều Tiên, nhưng ông tin rằng mình không vi phạm bất cứ luật lệ nào.
Sự hợp tác giữa hai bên mang yếu tố lịch sử, bắt nguồn từ thời kỳ Liên Xô hỗ trợ và cung cấp nhiều thiết bị quốc phòng cho Triều Tiên sau Thế chiến II. Khi Triều Tiên bị Liên Hợp Quốc trừng phạt do thử hạt nhân, các doanh nghiệp Nga vẫn tiếp tục làm ăn với đối tác nước này. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 1 tuyên bố Nga đang giúp Triều Tiên tránh các lệnh trừng phạt. Đáp lại, Moskva cho biết đang tích cực giải quyết các trường hợp vi phạm.
Vào khoảng năm 2011, khi Michurin bắt đầu làm ăn với Lee, các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đã nhận ra cách Bình Nhưỡng sử dụng phụ tùng của các thiết bị dân dụng cũ, hoặc các bộ phận lỗi thời để sử dụng cho tên lửa. Những bộ phận này được đưa tới Triều Tiên từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm các đồng minh trước đây của Liên Xô.
Michurin đã bán cho Triều Tiên loại mặt hàng này. Ardis-Bearings, một trong các công ty của ông, chuyên kinh doanh vòng bi, có thể lắp giữa các bộ phận chuyển động để giúp máy móc vận hành trơn tru. Các vòng bi cũng có khả năng phục vụ mục đích quân sự và dân sự.
Liên Hợp Quốc tuyệt đối cấm các nước thành viên xuất khẩu một số mẫu hàng nhất định sang Triều Tiên. Michurin nói rằng ông không bán cho Lee những mẫu này. Thay vào đó, ông cung cấp "các dụng cụ sản xuất hàng loạt thông thường, nguyên vật liệu thừa, vòng bi cũ".
Mối quan hệ nồng ấm
Michurin là một người gốc Belarus. Ông thành lập doanh nghiệp riêng cách đây 7 năm, sau khi nghỉ việc tại một công ty nhỏ chuyên bán vòng bi ở Moskva. Doanh nhân 39 tuổi này nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ các khách hàng châu Á.
"Ngay khi tôi đăng quảng cáo bán vòng bi lên mạng, một số người châu Á luôn hào hứng", ông kể lại. "Họ hay mua các loại vòng bi khác nhau và dường như có nhu cầu rất lớn với mặt hàng này".
Cuối năm 2011, sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un qua đời, Michurin nói rằng Lee mời ông tới đại sứ quán Triều Tiên. Họ cùng dâng hoa trước di ảnh của cố lãnh đạo.
"Chúng tôi bắt đầu mối quan hệ nồng ấm", Michurin chia sẻ. Ông đã quay lại đại sứ quán vài lần, tham gia các buổi hòa nhạc, dùng bữa trong nhà hàng Triều Tiên và đàm phán trong các phòng họp.
"Chúng tôi đối xử với nhau như những người bạn. Ông ấy ở Moskva cùng gia đình, vợ và con ông ấy. Chúng tôi thường gặp nhau và trao đổi như người nhà", Michurin nói.
Năm 2013, Lee thuyết phục Michurin đóng góp 1.000 USD cho quỹ từ thiện của Triều Tiên có tên Kim Il-sung – Kim Jong-il. Trang web của quỹ không thể truy cập tại Nga, nhưng một đoạn video trên Youtube cho biết quỹ được thành lập sau khi Kim Jong-il qua đời, nhằm bảo tồn Cung điện Mặt trời Kumsusan và đóng góp cho giáo dục, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Đổi lại, Michurin nhận được một giấy chứng nhận có ghi "Chủ tịch vĩ đại Kim Nhật Thành và lãnh đạo vĩ đạo Kim Jong-il mãi tồn tại trong trái tim nhân loại", kèm theo chân dung hai cố lãnh đạo.
Giao dịch giữa Lee với doanh nhân Nga khá nhỏ lẻ. Lee thường bố trí người nào đó tới thu mua vài chục vòng bi cùng lúc. Số tiền lớn nhất phía Triều Tiên từng trả là 1.500 USD.
Michurin cho biết ông bán mặt hàng này với tư cách cá nhân. Theo luật thuế của Nga, giao dịch này không yêu cầu hợp đồng giữa hai bên hoặc cung cấp danh tính của khách hàng. Người bán chỉ cần đưa biên lai cho khách.
"Khi mua bánh mỳ từ một cửa hàng, liệu bạn có bị hỏi hộ chiếu và giấy tờ tùy thân không?", Michurin nhún vai.
Câu chuyện của Michurin về cách người Triều Tiên xây dựng quan hệ tương tự trải nghiệm của một doanh nhân Nga khác.
Ruben Kirakossian, người cung cấp các kim loại chuyên dụng cho nhiều công ty quốc phòng Nga, tiết lộ đã gặp các nhà ngoại giao Triều Tiên lần đầu tại một hội chợ thương mại ở Moskva. Sau đó ông đã tới thăm đại sứ quán, còn các quan chức ngoại giao của Bình Nhưỡng tới văn phòng ông. Kirakossian cho biết họ quan tâm đến một loạt sản phẩm, từ thuốc lá và rượu vang Armenia, đến thép và nhôm cuộn.
Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa Kirakossian vào danh sách đen hồi năm ngoái, cáo buộc ông thu mua kim loại cho tập đoàn thương mại Korea Tangun, đơn vị mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho rằng đang hỗ trợ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Kirakossian nói rằng ông không cung cấp bất cứ thứ gì, bởi ông không có loại mặt hàng mà Triều Tiên muốn, và họ cũng đề xuất những điều khoản không thực tế.
Cho thuê nhân công để kiếm lợi nhuận
Theo lời Michurin, ông Lee luôn tìm cách kiếm thêm lợi nhuận. Doanh nhân Nga tiết lộ rằng Lee từng đề xuất các đối tác thử thuê lao động giá rẻ từ Triều Tiên. Gần 100.000 người Triều Tiên di cư, hầu hết tới Trung Quốc và Nga, đã đóng góp khoảng 500 triệu USD mỗi năm để hỗ trợ tài chính cho Bình Nhưỡng, chính quyền Mỹ công bố.
Michurin đã thành lập công ty xây dựng và ký hợp đồng với một công ty Triều Tiên tên là Ryungseng. Công ty này tuyển dụng lao động ở Triều Tiên và sắp xếp chuyến bay đưa họ tới Moskva, còn Michurin sẽ trả các khoản phí và tiền lương cho họ.
Michurin đưa lao động Triều Tiên tới làm việc tại các công trường. Yuri Ilyushkin, một đại diện của chủ đầu tư Pekhra-Pokrovskoe, đánh giá các công nhân Triều Tiên "thậm chí còn tốt hơn so với một số người Nga. Không hoàn hảo, nhưng tốt".
Liên Hợp Quốc năm ngoái đã thông qua lệnh cấm sử dụng lao động người Triều Tiên. Michurin vẫn đang thuê 19 người, nhưng ông hy vọng họ sẽ rời đi khi giấy phép hết hạn.
Michurin cho biết Lee tiếp tục nhờ ông giúp đỡ vào năm 2015. Cuối năm đó, Lee đề xuất một cuộc gặp giữa Michurin và những người điều hành công ty Augur RosAeroSystems tại Moskva.
Theo thông tin trên trang web công ty, Augur hoạt động trong các dự án liên quan tới giao dịch quốc phòng nhà nước Nga từ cuối những năm 1990. Công ty từng tiến hành thử nghiệm cho Bộ Quốc phòng Nga. Quân đội Nga cũng sử dụng một số sản phẩm của họ.
Phía Triều Tiên muốn thảo luận về việc mua một khinh khí cầu với giá khoảng một triệu USD. Michurin tiết lộ ông đã hai lần đưa đoàn Triều Tiên tới nhà máy của Augur tại thị trấn Peresvet, phía đông bắc Moskva.
Mikhail Talesnikov, cựu giám đốc thương mại của công ty, xác nhận rằng Triều Tiên đã liên lạc với Augur hồi ông làm ở đó. "Họ muốn mua một số loại khinh khí cầu nhỏ và đề nghị hợp tác sâu rộng", ông nói. Nhưng Talesnikov không biết về các chuyến thăm nhà máy và chưa từng đàm phán với Triều Tiên.
Các khinh khí cầu không phải thiết bị quân sự. "Nhưng bạn có thể sử dụng chúng để giám sát, nghe lén, phát hiện khí độc. Nếu kết hợp với thiết bị vận chuyển, chúng có thể sử dụng với mục đích quân sự hoặc bán quân sự". Tuy nhiên, hai bên không đạt được thỏa thuận. Augur cho rằng hợp đồng này quá mạo hiểm, bởi nó mâu thuẫn với các lệnh trừng phạt quốc tế.
Michurin chia sẻ rằng người Triều Tiên có những đòi hỏi cụ thể. "Họ có xu hướng sao chép công nghệ, mong muốn thành lập liên doanh tại Triều Tiên, yêu cầu các thiết bị phi tiêu chuẩn và những khinh khí cầu kích cỡ khác thường". Ông đánh giá họ là những khách hàng rất đặc biệt, "thiếu tiền nhưng lại muốn mua hàng".
Dùng tên gọi khác cho công ty bị cấm
Lee và gia đình trở về Triều Tiên hơn hai năm trước, Michurin cho biết. Trước khi chia tay, họ gặp mặt tại một quán cà phê ở Moskva để chúc mừng mối quan hệ giữa hai bên.
Trước khi Lee về nước, một người Triều Tiên khác đã liên lạc với Michurin. Người đó tự giới thiệu là đại diện thương mại tại đại sứ quán ở Moskva, nói rằng muốn mua vòng bi cũng như các chi tiết khác.
Michurin tiếp tục bán thêm nhiều vòng vi cho những khách hàng châu Á mà ông cho rằng cũng là người Triều Tiên. Đầu năm ngoái, ông đã nộp danh sách thiết bị từng bán cho Bình Nhưỡng cho các quan chức ngoại giao Nga.
Ngày 1/6/2017, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Michurin và công ty của ông vào danh sách trừng phạt. Cơ quan này điều tra ra rằng Ryungseng, công ty mà Michurin ký hợp đồng nhập khẩu lao động Triều Tiên, chính là tên gọi khác của tập đoàn thương mại Korea Tangun vốn đã bị cấm vận.
Michurin nói rằng ông không biết gì cả. "Tôi gần như chắc chắn không có sự vi phạm từ phía tôi. Tại sao tôi lại bị nghi ngờ? Bởi bạn không thể nắm bắt hết quy định của luật pháp, có quá nhiều quy định. Tôi hy vọng mình không vi phạm bất cứ điều gì".
Ánh Ngọc