Sau khi cuộc chiến thương mại nổ ra, giới quan sát cho rằng các quan chức ở Bắc Kinh dường như đã nhận ra tâm lý "chống Trung Quốc" ở Washington lớn đến mức nào, thậm chí coi đây là một "chiến lược quan trọng của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc", theo SCMP.
Chuyên gia Jeremy Goldkorn cho rằng Trung Quốc sẽ sớm có các biện pháp thích ứng với sức ép này từ Mỹ, trong đó tăng cường quan hệ với Nga được coi là một chiến lược quan trọng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến công du đến Vladivostok để tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF), gặp gỡ lãnh đạo các quốc gia trong khu vực và trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước ống kính các phóng viên quốc tế, ông Tập và Putin cùng vui vẻ làm bánh kếp ăn cùng trứng cá muối, sau đó cùng nâng ly vodka chúc mừng mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Hai ông còn tới thị sát cuộc tập trận Vostok-2018 với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ, khí tài của cả Nga và Trung Quốc.
Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua cho biết đây là cuộc gặp thứ ba của lãnh đạo hai nước chỉ trong vòng 4 tháng qua, cho thấy "tầm cao và sự đặc biệt của quan hệ Nga – Trung". Bài viết cũng khẳng định hai bên "ủng hộ lẫn nhau một cách vững chắc, bảo vệ lợi ích của mình cũng như lợi ích chung của cộng đồng quốc tế".
Việc ông Tập trong chuyến thăm khẳng định hai nước sẽ nỗ lực "đưa quan hệ Trung – Nga lên một tầm cao mới" dường như cho thấy Moskva và Bắc Kinh đang là đồng minh thân thiết nhất của nhau, gắn bó với nhau vì những lợi ích chung.
"Đây chưa hẳn là một liên minh, nhưng nó phát đi tín hiệu cho thấy cả hai bên đều coi nhau như những đồng minh tiềm năng", Jacqueline Westermann, chuyên gia tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận xét về quan hệ giữa Nga và Trung Quốc.
Bình luận viên Bill Birtles của ABC cho rằng đây là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hút sự ủng hộ quốc tế, đặc biệt là Nga, trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải vất vả chống đỡ với đòn thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp tung ra. Trong cuộc gặp với ông Tập, Putin nhất trí "phản đối chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại", dường như là nhằm làm hài lòng người láng giềng phương đông.
"Trước đây, Nga luôn thể hiện sự ngờ vực đối với Trung Quốc, nhưng việc lãnh đạo hai nước giờ đây công khai trao đổi về xây dựng một mối quan hệ tin cậy lẫn nhau phát đi một thông điệp quan trọng", Westermann nhận định.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những cam kết, những cái bắt tay đầy thân tình giữa ông Tập và Putin ở Vladivostok vẫn chưa thể xóa bỏ mối hoài nghi lẫn nhau vốn tồn tại từ lâu giữa hai cường quốc.
Putin đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá nhiều tỷ USD của Trung Quốc, nhưng chắc chắn sẽ lo lắng khi các dự án cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh vung tiền đầu tư ở khu vực Trung Á sẽ làm suy giảm ảnh hưởng truyền thống của Moskva tại đây.
Về phần mình, Trung Quốc lo ngại cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Nga và phương Tây có thể phá vỡ trật tự thế giới hiện nay, gây ra tình trạng hỗn loạn có thể ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Bắc Kinh được hưởng lợi từ chủ nghĩa toàn cầu hóa hơn Moskva rất nhiều, nên họ không muốn phá vỡ hiện trạng, theo Economist.
Tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc hiện nay không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào nhau. Đối mặt với các lệnh cấm vận kinh tế ngặt nghèo của phương Tây, Moskva buộc phải thay đổi chiến lược, thực hiện chính sách "xoay trục" sang châu Á – Thái Bình Dương để tìm kiếm các đối tác và khách hàng mới. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại khốc liệt với Mỹ cũng thúc đẩy Trung Quốc quay sang phía tây và hướng tới nước Nga.
"Người Nga muốn cho Mỹ, NATO và cả phương Tây thấy rằng các lệnh cấm vận không phát huy hiệu quả và Nga sẽ không thay đổi định hướng chiến lược của mình", tiến sĩ Alexey Muraviev đến từ Đại học Curtin nói.
Trung Quốc cũng cần Nga để đa dạng hóa thị trường, trong bối cảnh các mặt hàng của nước này đang hứng chịu mức thuế cao tại thị trường Mỹ trong đòn thương mại của Trump. Bắc Kinh còn muốn cho Washington thấy rằng khi không chơi với Mỹ, họ vẫn còn những người bạn khác để có thể dựa vào.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy quan hệ giữa Nga và Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. "Tình hữu nghị không thể chia cắt" giữa Liên Xô và Trung Quốc được Stalin và Mao Trạch Đông tuyên bố vào năm 1950 suýt biến thành cuộc chiến tranh biên giới chưa đầy 20 năm sau đó. "Việc chúng tôi có thể trở thành bằng hữu và không bao giờ phải đề phòng lẫn nhau gần như là bất khả thi", Fu Ying, một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc, nói về mối quan hệ với Nga.
Bình luận viên Birtles cho rằng kịch bản này khó có thể lặp lại, nhưng khi cả ông Tập lẫn Putin đều đang nỗ lực đưa đất nước của mình vĩ đại trở lại, hai lãnh đạo nhiều khả năng sẽ tiếp tục dè chừng lẫn nhau để đảm bảo lợi ích quốc gia không bị ảnh hưởng khi hai nước tăng cường hợp tác nhằm đối phó với phương Tây.