Hai má ửng đỏ vì lạnh, mái tóc dựng đứng và đóng băng của Vương Phú Mãn trở thành hiện tượng trên mạng. Giờ thì bé trai Trung Quốc 8 tuổi này được biết đến với cái tên "cậu bé tóc băng" và em đảm nhận vai trò mới: ngôi sao tuyên truyền, theo NYTimes.
Phú Mãn trở thành tâm điểm chú ý vào tháng này khi một giáo viên tại trường học ở miền nam Trung Quốc chia sẻ bức ảnh tóc em đóng băng sau khi em đi bộ 5 km tới trường trong ngày đông lạnh giá. Hình ảnh đã làm dấy lên nhiều thảo luận về hàng chục triệu trẻ em sống thiếu thức ăn, quần áo và chỗ ở ở vùng nông thôn Trung Quốc.
Một trang web của đảng Cộng sản đã mời Phú Mãn đến thủ đô Bắc Kinh vào cuối tuần và ca ngợi em như một người hùng yêu nước. Em vẫy quốc kỳ tại quảng trường Thiên An Môn, mặc thử trang phục của cảnh sát chống bạo động và hứa sẽ trung thành với Trung Quốc và đảng Cộng sản.
"Cháu chắn chắn sẽ rời khỏi vùng núi", cậu bé nói. "Cháu sẽ học tập chăm chỉ và trở thành một cảnh sát".
Người dùng mạng Trung Quốc chia sẻ tranh vẽ Phú Mãn mặc trang phục cảnh sát và cầm súng trường. Một số khác so sánh cậu bé và những người lính biên phòng Trung Quốc làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. "Mắt tôi rơm rớm nước mắt", một người viết trên Weibo.
Trung Quốc từ lâu đã thường thần thượng hóa những con người phải chịu đựng khó khăn nhưng vẫn giữ niềm tin vào đất nước và đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích việc truyền thông vội vã thần tượng hóa cậu bé, nói rằng các quan chức đã sử dụng Phú Mãn như "đạo cụ sân khấu" để đánh lạc hướng chú ý khỏi vấn đề đói nghèo ở nông thôn.
David Bandurski, đồng giám đốc của Dự án Truyền thông Trung Quốc, cho rằng tình cảnh của Phú Mãn được miêu tả như là khó khăn của con người trong thời tiết khắc nghiệt của mùa đông, chứ không nhắc đến "gốc rễ xã hội và chính trị". Ông nhận xét rằng chính phủ Trung Quốc đã sử dụng Phú Mãn như "thuốc kháng sinh" với những chỉ trích về việc đối xử với người nghèo.
"Chỉ chào cờ thôi thì sẽ chẳng giải quyết được điều gì", Zhishang Suping, một nhà bình luận viết.
Những người khác lo ngại về ảnh hưởng của sự chú ý truyền thông đối với cuộc sống của Phú Mẫn. Một chuyên gia của China News Service viết: "Trong thời đại hiện giờ, dường như tất cả mọi thứ đều có thể gây sốt - của cải, gia đình, tự thiện và thậm chí cả tình cảnh khổ cực".
Haifeng Huang, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California cho rằng sự tập trung vào cá nhân Phú Mẫn đã giúp các nhà chức trách "tạm thời tránh việc thảo luận về chính sách và tránh bị đổ lỗi".
"Một câu chuyện đáng lẽ có thể khơi dậy những vấn đề quan trọng hơn đã bị bình thường hóa", giáo sư Huang nói thêm.
Fuman trở lại quê nhà vào ngày 22/1. Gia đình em đã nhận được khoảng 1.200 USD ủng hộ. Các tổ chức từ thiện thanh thiếu niên địa phương nhận được hàng trăm nghìn USD.
Tỷ phú Jack Ma, người sáng tập đoàn Alibaba, tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính cho các trường nội trú dành cho trẻ em sống ở các vùng nông thôn hẻo lánh.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh, Phú Mãn đã nói về người mẹ rời nhà đi tìm việc cách đây hai năm chưa về. Em cũng bày tỏ mong muốn sau này lớn lên sẽ đi bắt trộm cắp. Nhưng cậu bé dường như cũng mệt mỏi vì sự chú ý đột ngột đối với mình.
"Cháu tên là Vương Phú Mẫn", em nói, "không phải là cậu bé tóc băng".
Phương Vũ