Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ cánh xuống căn cứ không quân Hmeymim ở Syria hôm 11/12, người đầu tiên chào đón ông ở chân cầu thang máy bay là một sĩ quan cấp cao quân đội Nga. Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau đó mới bước tới chào và cùng ông Putin bước đi dọc đường băng, qua những chiếc tiêm kích và trực thăng tấn công Nga.
Theo bình luận viên Anshel Pfeffer của Haaretz, thông điệp phát đi từ hành động này là rất rõ ràng: Chuyến công du đầu tiên của ông Putin tới Syria không phải là một chuyến thăm cấp nhà nước thông thường. Tổng thống Nga tới đây để kiểm tra tiền đồn mới nhất của Moscow ở nước ngoài.
Trong chuyến thăm bất ngờ này, Putin ra lệnh cho quân đội Nga đồn trú tại Syria rút một phần lực lượng về nước. "Các bạn đã cho thấy những phẩm chất tốt đẹp nhất của người lính Nga - can trường, dũng cảm, tinh thần tập thể, sự quyết đoán và kỹ năng xuất sắc. Tổ quốc tự hào về các bạn", ông Putin nói trước các binh sĩ Nga tại căn cứ Hmeymim. "Các bạn sẽ về nhà, mang theo chiến thắng".
Pfeffer cho rằng chuyến công du "ca khúc khải hoàn" và tuyên bố rút quân trong chiến thắng này của ông Putin có hai mục đích rất rõ ràng: vừa trấn an dư luận trong nước, vừa thể hiện quyền lực và sức ảnh hưởng vượt trội ở Trung Đông.
Các binh sĩ Nga đã hiện diện ở Syria để tham gia chiến dịch tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được 27 tháng. Lực lượng này đã liên tiếp lập chiến công, yểm trợ hiệu quả cho quân đội chính phủ Syria giành lại những thành phố chiến lược, kiểm soát được 98% lãnh thổ từ tay IS và các nhóm nổi dậy. Tuy nhiên, với người dân Nga, họ dường như chưa quen với việc để con em của họ tham chiến lâu dài ở Trung Đông.
Bình luận viên Hamza Hendawi và Vladimir Isachenkov của AP cho rằng Putin dường như rất hy vọng rằng chuyến công du Trung Đông của ông sẽ khơi dậy đáng kể lòng tự hào quốc gia của người dân Nga, đặc biệt là trong bối cảnh cử tri nước này sắp bầu cử Tổng thống vào ngày 18/3. Ông Putin trước đó đã tuyên bố sẽ tiếp tục ra tranh cử Tổng thống.
Giới quan sát cho rằng với tỷ lệ ủng hộ khoảng 80% như hiện nay, ông Putin gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử và những âm hưởng chiến thắng từ Syria có thể giúp ông củng cố điều này. Thành công trong chiến dịch quân sự ở Syria và ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Trung Đông sẽ góp phần tô đậm hình ảnh Putin như một người khôi phục vinh quang và quyền lực toàn cầu mà nước Nga từng để mất sau khi Liên Xô tan rã.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng Putin sẽ không rút toàn bộ lực lượng ở Syria về nước và các chiến đấu cơ của Moscow vẫn sẽ tiếp tục dội bom vào các mục tiêu cuối cùng mà IS đang cố thủ. Với chiến dịch quân sự này, Nga giờ đây đã có những căn cứ quân sự lâu dài ở Trung Đông để làm bàn đạp củng cố và phát huy ảnh hưởng tại khu vực chiến lược này.
Lần dừng chân ở căn cứ Hmeymim chỉ là một phần trong chuyến công du Trung Đông của ông Putin, các chặng tiếp theo gồm thủ đô Cairo của Ai Cập và Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi Nga phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria tháng 9/2015, nhiều nhà quan sát phương Tây dự đoán rằng hành động này sẽ kết thúc trong thảm họa. Nhưng giờ đây, không có bất cứ ai nghi ngờ về chiến thắng của Moscow.
Chiến dịch quân sự của Nga không giống với những lần can thiệp "vì dân chủ và tự do" của Mỹ và đồng minh trong những năm gần đây. Trong gần hai năm rưỡi qua, Nga không có bất cứ dấu hiệu nhân nhượng nào trước lực lượng khủng bố, sẵn sàng dội bom, phóng tên lửa với cường độ mãnh liệt nhất để bẻ gãy ý chí kháng cự của phiến quân ở Aleppo, Palmyra hay bất cứ thành trì nào khác.
Putin chơi theo quy tắc của Moscow và những quy tắc đó giờ đây đang mang lại thành công vang dội. Ông đã bảo vệ được đồng minh al-Assad, củng cố liên minh khu vực chiến lược với sự tham gia của Iran, đảm bảo quyền tiếp cận lâu dài vùng biển, vùng trời Địa Trung Hải cho quân đội Nga và khẳng định vị thế bản thân như lãnh đạo thế giới duy nhất có ảnh hưởng thực sự ở Trung Đông.
Khẳng định vị thế ở Trung Đông
Putin quyết tâm thực hiện chiến dịch tốn kém này bất chấp kinh tế Nga đang gặp rất nhiều khó khăn do giá dầu sụt giảm và các lệnh cấm vận của phương Tây, bất chấp những lời đe dọa trả thù của phiến quân Hồi giáo trên đất Nga. Ông làm điều đó vì ông xác định đây là cơ hội lịch sử để khẳng định quyền lực của Nga ở Trung Đông, khi Mỹ rút lui khỏi khu vực.
Obama đã hé cánh cửa Trung Đông cho Nga qua cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học ở Syria, còn đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mở toang cánh cửa đó bằng quyết định gây tranh cãi về Jerusalem.
Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel mà ông Trump đưa ra tuần trước đã chấm dứt chính sách mà Mỹ đã kiên trì theo đuổi suốt nhiều thập kỷ ở Trung Đông. Động thái này cũng làm dấy lên làn sóng giận dữ trong thế giới Hồi giáo, khiến Mỹ có nguy cơ đánh mất những đồng minh, đối tác quan trọng trong khu vực.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ankara, Putin cho rằng quyết định của Trump "không giúp giải quyết vấn đề Trung Đông mà ngược lại còn gây bất ổn với tình hình vốn đã khó khăn trong khu vực". Ông không quên khẳng định lập trường của Moscow là vấn đề Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa người Palestine với Israel theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Chiến thắng của Nga tại Syria cho thấy một điều rằng ảnh hưởng của Moscow với tình hình chính trị ở Trung Đông đang ngày càng lớn và tất cả các cường quốc trong khu vực, kể cả Israel, đều sẽ phải tính đến nước Nga trong bất cứ giải pháp chính trị nào sau này.
Ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông không chỉ giới hạn ở Syria và Ai Cập. Vua Salman của Arab Saudi, quốc gia từng ở thế đối nghịch với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, hồi tháng 10 tới thăm Moscow, xóa bỏ hàng chục năm thù địch và nghi kỵ lẫn nhau giữa hai nước. Chiến thắng của Nga và đồng minh Syria cũng khiến Arab Saudi phải từ bỏ lập trường đòi loại bỏ ông Assad và thừa nhận vai trò của Nga ở Syria.
Tham gia lễ duyệt binh ở sân bay Hmeymim không có các lực lượng dân quân Hezbollah và Shiite được Iran hậu thuẫn, nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Syria sau cuộc chiến. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng tuyên bố cả Nga và Iran đều được chính phủ Syria mời giúp đỡ và họ không bị buộc phải rời khỏi nước này.
Cuộc chiến chống IS ở Syria đã thắt chặt đáng kể quan hệ Nga – Iran và Putin dường như sẽ hài lòng với việc Tehran duy trì lực lượng bộ binh ở Syria để ổn định quốc gia này thời hậu chiến.
Sự hiện diện của Iran ở Syria từng vấp phải phản ứng dữ dội từ phía Israel, quốc gia kình địch với Tehran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép Iran duy trì lực lượng vũ trang trên lãnh thổ Syria, quốc gia có chung biên giới với Israel.
Tuy nhiên, Tel Aviv gần đây dường như đã nhận ra ảnh hưởng quá lớn của Nga ở Trung Đông, khi giảm bớt giọng điệu của mình đối với sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria khi nói rằng Iran không được phép xây căn cứ quân sự, rồi sau đó giảm bớt một tông là Iran không được dựng các xưởng chế tạo tên lửa ở quốc gia này.
"Netanyahu có lẽ đã hiểu được luật chơi của Putin. Putin tôn trọng quyền lực và muốn đưa ra các thỏa thuận thực sự đằng sau cánh cửa đóng. Ở Syria, mọi người giờ đây đều phải chơi theo quy tắc của Moscow", Pfeffer nói.
Trí Dũng