Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison ngày 2/10 tuyên bố nếu Nga tiếp tục bí mật phát triển các tổ hợp tên lửa hành trình bị cấm bởi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), Mỹ sẵn sàng "tung đòn tiêu diệt" những loại vũ khí này.
Các chuyên gia cho rằng đây nhiều khả năng chỉ là "đòn gió" của Mỹ trước việc Nga phát triển các tên lửa hành trình hạt nhân hiện đại. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy bất đồng giữa hai biên liên quan đến INF, hiệp ước được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, quy định các bên bị cấm sở hữu tên lửa đạn đạo mặt đất và tên lửa hành trình có tầm bắn 500-5.500 km, theo Gazeta.
Ban đầu hiệp ước này mang lại một số kết quả khả quan, khi Mỹ tiêu hủy các tên lửa tầm ngắn và tầm trung Pershing cũng như tổ hợp tên lửa Tomahawk mặt đất BGM-109G. Về phần mình, Liên Xô tiêu hủy tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RSD-10 Pioneer, tên lửa đạn đạo chiến thuật Temp-S, tên lửa đạn đạo chiến thuật R-12 Dvina và thậm chí còn tình nguyện tiêu hủy tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-23 Oka dù tầm hoạt động của tên lửa này chưa tới 400 km. Việc tiêu hủy các tên lửa này kết thúc vào khoảng mùa hè năm 1991.
Để theo dõi việc thực hiện các cam kết, Moskva và Washington thành lập ủy ban đặc biệt, liên tục cử đại diện tới kiểm tra và giám sát hoạt động tiêu hủy tại nơi tập kết, các đơn vị sản xuất tên lửa và các đơn vị quân đội của cả hai bên.
Tuy nhiên, Mỹ và Nga gần đây liên tục cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản của hiệp ước INF. Tháng 6/2018, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố việc Mỹ bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc triển khai các bệ phóng tên lửa mặt đất tại châu Âu là hoạt động vi phạm trực tiếp Hiệp ước INF.
Theo ông Ryabkov, hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore và bệ phóng đa nhiệm Mk-41 mà Mỹ triển khai ở châu Âu có thể được sử dụng để khai hỏa tên lửa hành trình tầm trung. "Chúng tôi đang nói đến sự xuất hiện của tên lửa và các cơ sở phòng thủ tên lửa Mỹ nằm gần biên giới Nga. Đây là động thái gây bất ổn và chúng tôi không thể bỏ qua", ông Ryabkov nói.
Tới tháng 8/2018, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bày tỏ quan ngại về việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, cụ thể là Rumania và sau đó là Ba Lan. Lavrov cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa này không chỉ có khả năng phóng tên lửa đánh chặn mà có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk.
Đáp lại, đại sứ Mỹ tại NATO Hutchison tuyên bố Mỹ trong nhiều năm qua đã thông báo với Nga rằng họ biết các cáo buộc về việc Moskva vi phạm hiệp ước INF và thậm chí còn có bằng chứng về điều này.
Mẫu tên lửa hành trình Nga khiến Mỹ lo ngại chính là Novator 9M729, phiên bản trên mặt đất của tổ hợp tên lửa hành trình tầm xa trên biển Kalibr-NK, được trang bị hệ điều khiển và dẫn đường hiện đại.
Tên lửa 9M729 được cho là có tầm bắn lên tới hơn 5.000 km, có khả năng xuyên thủng các lá chắn hiện đại nhờ được trang bị hệ điều khiển và dẫn đường tối tân. Ở pha cuối, đầu tự dẫn radar chủ động trên tên lửa sẽ được kích hoạt, tự động tìm kiếm và lao vào tấn công mục tiêu bằng đầu đạn nặng tới 450 kg.
Tướng John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, hồi tháng 4/2017 từng thừa nhận 9M729 có thể đánh bại các lá chắn phòng thủ của Mỹ và đồng minh châu Âu, nhất là khi phóng với số lượng lớn.
Washington còn muốn các đồng minh NATO ủng hộ và tham gia gây sức ép buộc Moskva phải dừng triển khai tên lửa hành trình 9M729. Tuy nhiên, đại diện của Mỹ vẫn để ngỏ khả năng xử lý vấn đề thông qua các biện pháp ngoại giao.
Bất đồng giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực quân sự trong thời gian gần đây nhanh chóng trở nên trầm trọng. Tháng 8/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua ngân sách quốc phòng năm 2019 trị giá 716 tỷ USD, trong đó chú trọng trang bị vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ cho quân đội, duy trì hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Âu, những động thái khiến Nga lo ngại.
Nguyễn Tiến