Biểu ngữ màu đỏ tuyên bố Philippines là "một tỉnh của Trung Quốc" xuất hiện đầy bí ẩn tại nhiều địa điểm ở thủ đô Manila hôm 12/7. Các chuyên gia Philippines cho rằng đây là một hình thức người dân nước này phản đối chính sách thân Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte, thể hiện nỗi bức xúc của dư luận nước này trong vấn đề Biển Đông.
"Chúng ta nên gọi kẻ dùng vũ lực để tước đoạt lợi ích của người khác là gì?", Nikkei dẫn lời cựu ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario phát biểu tại một diễn đàn do Viện nghiên cứu Stratbase ADR tổ chức hôm 12/7. Ông đã tự trả lời câu hỏi của mình rằng đó là "một kẻ bắt nạt".
Rosario tiếp tục đưa ra nhận định rằng những người chấp nhận bị bắt nạt thay vì đáp trả là "nạn nhân tự nguyện", trước khi gọi Trung Quốc bằng những từ như "kẻ ăn cắp táo tợn" hay "nước nằm ngoài luật pháp quốc tế".
Rosario sử dụng những hình ảnh này để mô tả thái độ của Manila hai năm sau khi nước này giành chiến thắng trong vụ kiện mang tính bước ngoặt đối với vấn đề Biển Đông.
Vào ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan, đã ra phán quyết ủng hộ Philippines sau khi quốc gia Đông Nam Á kiện Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường 9 đoạn" bao phủ 3,5 triệu km2 ở Biển Đông. Tòa tuyên bố yêu sách chủ quyền trong "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý. Đây được coi là thất bại nặng nề về pháp lý của Trung Quốc trong tranh chấp trên vùng biển chiến lược này.
Tuy nhiên, Rodrigo Duterte, người nhậm chức Tổng thống Philippines chưa đầy hai tuần trước khi phán quyết được đưa ra, lại theo đuổi cách tiếp cận mềm mỏng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để đổi lấy các thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ USD.
Với chính sách đi ngược hoàn toàn với người tiền nhiệm Benigno Aquino III, Duterte tìm cách "lấy lòng" Trung Quốc, nói rằng việc đối đầu với "quốc gia hùng mạnh nhất châu Á" trên Biển Đông sẽ chỉ dẫn tới "thảm sát".
Ngoại trưởng đương nhiệm Philippines Alan Peter Cayetano từng tuyên bố nước này sẽ không từ bỏ dù "một tấc" lãnh thổ, nhưng lại tránh công khai chỉ trích hành động quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc. Thay vào đó, Cayetano nói rằng các tên lửa Trung Quốc triển khai trên đảo nhân tạo phi pháp sẽ không nhắm vào Philippines.
Theo Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển tại Đại học Philippines, cách tiếp cận này của các quan chức chính quyền Duterte khá "ngây thơ" và chỉ khiến vấn đề trầm trọng hơn.
"Thật ngây thơ khi nghĩ rằng việc tuyên bố Philippines không phải mục tiêu sẽ tự động làm thay đổi địa lý khu vực và vị trí chiến lược của đất nước", Batongbacal phát biểu tại diễn đàn.
Hồi tháng 6, video tàu hải cảnh Trung Quốc bắt giữ ngư dân Philippines được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người Philippines giận dữ. Tuy nhiên, chính phủ đã "ngó lơ" việc này. Batongbacal cho rằng sự cố cho thấy mức độ tuân thủ trật tự dựa trên luật pháp đã suy giảm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Trong cuộc khảo sát do Pulse Asia tiến hành hồi tháng 6, khoảng 73% người được hỏi cho rằng Duterte nên khẳng định chủ quyền của Philippines tại Biển Đông.
Quyền Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho biết theo hiến pháp Tổng thống "có nghĩa vụ cho tiến hành tuần tra thường xuyên" trên Biển Đông. "Người Philippines muốn thấy các cuộc tuần tra an ninh diễn ra định kỳ và thường xuyên", Antonio Carpio nói trong diễn đàn.
Ánh Ngọc